12:48 07/11/2023

Dùng cát biển làm vật liệu đắp nền đường giao thông

Nhĩ Anh

Nhu cầu và thực trạng khai thác cát phục vụ các nhu cầu san lấp, xây dựng công trình cao tốc là rất lớn trong khi lượng cát về các dòng sông ở Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm 70% so với trước đây. Thủ tướng đã giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài nguyên môi trường đánh giá thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn sáng ngày 7/11/2023, tranh luận với Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh về việc khai thác cát làm sạt lở bờ sông, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp, cho rằng cần hạn chế tối đa khai thác cát, nhất là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, kèm theo đó cần đánh giá tác động môi trường, có như vậy mới làm giảm tình trạng sạt lở bờ sông.

NGĂN CHẶN KHAI THÁC CÁT LẬU, KHAI THÁC QUÁ MỨC

Theo đại biểu, bên cạnh tác hại từ việc khai thác cát trái phép mang lại, nhưng những mỏ cát cũng ảnh hưởng đến môi trường. Ví dụ, tại đồng bằng sông Cửu Long, việc khai thác cát tại Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long đã bàn giao mỏ cát về cho chủ đầu tư để chuẩn bị xây dựng công trình cao tốc của Đồng bằng sông Cửu Long. Đại biểu lo ngại “việc khai thác cát được cấp phép, cho phép mặt âm lòng đất xuống 10m hoặc 20m nhưng đơn vị  khai thác tới 30m- 40m”. Như thế làm sao không xảy ra tình trạng sạt lở?

Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xác minh khó khăn. Cát ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long rất hiếm, lượng cát về rất ít; trong khi đó xây dựng đường cao tốc từ nay tới năm 2030 sử dụng tới 54 triệu mét khối, như vậy là quá lớn, chưa kể cát cho dân dụng. Do đó, cần có giải pháp quản lý và hạn chế mức thấp nhất việc khai thác cát để giảm tình trạng sạt lở bờ sông.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp, tranh luận.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp, tranh luận.

Đồng tình với những lo ngại của đại biểu Hòa, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Đặng Quốc Khánh nêu rõ, hiện nay theo đánh giá lượng cát trên sông Tiền, sông Hậu, lượng cát hiện giảm đi 70% so với 20 năm trước (năm 2003) do hệ thống thượng nguồn của chúng ta xây dựng các đập và hệ thống công trình.

Bên cạnh đó, có hiện tượng việc khai thác cát quá công suất, quá chiều sâu, không đúng quy định, theo đánh giá tác động môi trường mặc dù ở đây Bộ đã phân cấp cho địa phương.

Do đó, thời gian tới, Bộ sẽ đánh giá hệ thống trữ lượng cát của đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời Bộ sẽ phối hợp cùng với các địa phương để triển khai giám sát vấn đề này dù còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị các địa phương rà soát, đánh giá lại tổng thể, không để xảy ra tình trạng khai thác cát lậu ở các dòng sông, gây ảnh hưởng rất lớn làm sạt lở bờ sông.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn.

Liên quan đến vấn đề này, trong phiên chất vấn Bộ trưởng trước đó, đại biểu Phạm Thị Kiều, đoàn Đắk Nông, cho biết thời gian qua, thiên tai như sạt lở, lũ quét ở Việt Nam diễn ra với tần suất ngày càng nhiều. Với thực tế trên, đại biểu đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết nguyên nhân và các giải pháp để cảnh báo, dự báo nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại do sạt lở và lũ quét gây ra cho cộng đồng và cho người dân.

Làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng hiện nay biến đổi khí hậu đang tác động rõ rệt và Việt Nam là một trong 6 quốc gia bị ảnh hưởng rất lớn. Đặc biệt vùng Đồng bằng sông Cửu Long với một khu vực nền địa chất non trẻ đang còn bị sụt lún. Các nguồn liên quan đến nguồn cấp nước phụ thuộc vào nước ngoài. Vùng Tây Nguyên trên nền địa chất có các lát cắt và khi mưa lớn và mưa tập trung cục bộ sẽ tạo ra sự sạt lở và rất nguy hiểm.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng trước hết cần tăng cường khả năng cảnh báo về thiên tai và đã tham mưu cho Chính phủ ban hành dự án khả năng dự báo và sau đó lại cảnh báo phối hợp với các địa phương.

Thứ hai, phối hợp với các địa phương khi làm các bản đồ nền, tổng hợp những vùng sạt lở, nguy cơ sạt lở. Chúng ta sẽ quy hoạch di dời dân cư, quy hoạch để phát triển theo những dự báo về sạt lở để tránh được ảnh hưởng đến dân cư và ảnh hưởng đến sự phát triển.

Thứ ba, đề xuất các dự án về công trình và phi công trình. Vừa qua, Thủ tướng đã đi khảo sát Đồng bằng Sông Cửu Long và trình Quốc hội các dự án kè các sông ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Hiện nay, đồng bằng sông Cửu Long có hơn 16 dự án ODA gần 2 tỷ USD triển khai thực hiện, đồng thời các dự án về các chương trình mục tiêu quốc gia cũng gắn với việc chống sạt lở...

MỞ RỘNG MẪU THÍ ĐIỂM DÙNG CÁT BIỂN LÀM VẬT LIỆU ĐẮP NỀN ĐƯỜNG GIAO THÔNG

Quan tâm đến tình hình triển khai nghiên cứu thí điểm dùng cát biển làm vật liệu đắp nền đường, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, đoàn Vĩnh Long, cho biết trong phần tham gia trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, Bộ Giao thông vận tải đang triển khai nghiên cứu thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết tình hình triển khai đến nay việc sử dụng cát biển để thay thế cát sông trong giải quyết nhu cầu cấp bách về nguồn nguyên liệu cát sông, cung cấp cho các dự án đường cao tốc Bắc Nam có khả thi cao hay không?

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, đoàn Vĩnh Long quan tâm chất vấn tình hình triển khai nghiên cứu thí điểm dùng cát biển làm vật liệu đắp nền đường?
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, đoàn Vĩnh Long quan tâm chất vấn tình hình triển khai nghiên cứu thí điểm dùng cát biển làm vật liệu đắp nền đường?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết để đáp ứng nhu cầu cát đắp nền cho các dự án công trình giao thông, tháng 3/2023, Thủ tướng đã giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài nguyên môi trường triển khai nghiên cứu đánh giá thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông.

Sau thời điểm đó, Bộ Giao thông vận tải đã thành lập tổ với các bộ ngành liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học, triển khai quyết liệt việc nghiên cứu, tổ chức các hội nghị, hội thảo, đặc biệt thực hiện thí điểm trên các công trình giao thông ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ trưởng cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy, qua 5 lần quan trắc và qua nhiều cuộc họp đánh giá, chất lượng vật liệu cát biển hiện nay đang thí điểm là đã đạt yêu cầu về vật liệu đắp nền cũng như các chỉ tiêu kỹ thuật về sức tải, độ ổn định, có giá trị tương tự như sử dụng cát sông, hiện nay chưa có dấu hiệu làm ảnh hưởng đến môi trường, cây trồng, vật nuôi ở khu vực xung quanh.

Theo yêu cầu của các chuyên gia, Bộ đang phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường để mở rộng mẫu thí điểm ra các vùng khác nhau như Hải Phòng, Vũng Tàu. Tháng 12 tới, Hội đồng đánh giá cấp bộ sẽ họp và có đánh giá tổng kết dự án, qua đó Bộ sẽ triển khai xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, thủ tục để mở rộng diện tích thí điểm với một số dự án đường cao tốc cũng như cho phép sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp.

Bộ trưởng Bộ Giao thông cũng nêu rõ, việc khai thác, sử dụng cát biển vẫn cần đảm bảo khai thác bền vững, không ảnh hưởng đến môi trường. Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm về việc làm rõ chất lượng, tiềm năng, khả năng khai thác của các vùng miền.