16:00 17/10/2022

Gánh nặng thâm hụt ngân sách 1 nghìn tỷ USD của các địa phương Trung Quốc

Bình Minh

1 nghìn tỷ USD là khoản thâm hụt ngân sách mà các tỉnh thành ở Trung Quốc đang đối mặt...

Một cây cầu đang xây ở Tứ Xuyên, Trung Quốc hồi tháng 9/2020 - Ảnh: Reuters.
Một cây cầu đang xây ở Tứ Xuyên, Trung Quốc hồi tháng 9/2020 - Ảnh: Reuters.

Điều này làm giảm sức mạnh tài khoá trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và cắt giảm thuế, từ đó đặt ra rủi ro suy giảm tăng trưởng lớn hơn đối với nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới trong năm 2023 - hãng tin Reuters nhận định.

Thời điểm của khoản thâm hụt nói trên là không thể tệ hơn đối với các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh, vì xảy ra vào đúng lúc kinh tế Trung Quốc đương đầu với nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, giá hàng hoá cơ bản tăng cao, rủi ro địa chính trị, và các làn sóng lây nhiễm Covid trở đi trở lại.

Các chính quyền địa phương từ lâu giữ một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, thu ngân sách từ việc cấp quyền sử dụng đất suy giảm trong bối cảnh chiến dịch siết chặt kiểm soát vay nợ trong ngành bất động sản đã làm cho sức mạnh tài chính của các địa phương Trung Quốc giảm sút. Năm nay, tình trạng này thêm phần tồi tệ vì tăng trưởng kinh tế suy yếu, thu ngân sách từ thuế giảm, và các hạn chế chống Covid.

Trong những tháng tới đây, các chính quyền địa phương còn phải thanh toán các khoản nợ đáo hạn. Điều này báo hiệu thêm những thách thức nữa và hạn chế khả năng của các tỉnh thành trong việc hưởng ứng lời kêu gọi của Bắc Kinh về tăng cường chi tiêu. Hiện tại, nhiều địa phương đã phải sử dụng đến các biện pháp thắt lưng buộc bụng như giảm lương, giảm số công chức, giảm trợ cấp, thậm chí áp những mức phạt nặng để bù đắp cho sự thiếu hụt ngân sách.

Trong 8 tháng đầu năm nay, 31 tỉnh thành trực thuộc trung ương của Trung Quốc báo cáo tổng thâm hụt ngân sách 6,74 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 948 tỷ USD. Đây là mức thâm hụt lớn nhất kể từ ít nhất năm 2012 - theo phân tích của Reuters. Trong đó, thâm hụt cao nhất rơi vào các tỉnh đông dân như Tứ Xuyên, Hà Nam, Hồ Nam và Quảng Đông. Cùng khoảng thời gian, thu ngân sách từ bán đất của các địa phương, giảm 28,5% so với cùng kỳ năm trước, còn 3,37 nghìn tỷ Nhân dân tệ.

“Với tăng trưởng kinh tế giảm tốc trong năm nay, chúng tôi dự báo thâm hụt ngân sách của các địa phương sẽ ở mức cao, phản ánh sự giảm tốc của nền kinh tế và ảnh hưởng của các cú sốc do Covid gây ra”, nhà phân tích Jennifer A. Wong thuộc Moody’s nhận định. Bà Wong dự báo kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3,5% trong năm nay, so với mức tăng 8,1% của năm 2021.

 

Các chính quyền địa phương từ lâu giữ một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, thu ngân sách từ việc cấp quyền sử dụng đất suy giảm trong bối cảnh chiến dịch siết chặt kiểm soát vay nợ trong ngành bất động sản đã làm cho sức mạnh tài chính của các địa phương Trung Quốc giảm sút.

Trước đây, thâm hụt ngân sách của các địa phương Trung Quốc thường được bù đắp chủ yếu bởi ngân sách do trung ương hỗ trợ và ngân sách dôi dư của năm trước. Lần này, giới phân tích cho rằng các địa phương khó trông chờ vào những khoản như vậy vì tăng trưởng kinh tế toàn quốc đang suy yếu.

Ngoài ra, giữa lúc khó trông mong vào chính sách tài khoá, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng thận trọng với việc dùng chính sách tiền tệ để kích cầu, bởi lẽ các ngân hàng trung ương trên toàn đang tăng mạnh lãi suất để chống lạm lạm phát. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất đang đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng nhanh. Nếu Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh tay, chênh lệch lợi suất giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ càng lớn hơn.

Trưởng phân tích vĩ mô của công ty Yuekai Securities, ông Luo Zhiheng, cho rằng Chính phủ Trung Quốc có thể tăng hạn ngạch phát hành trái phiếu để phân bổ thêm cho các chính quyền địa phương nhằm giúp họ có thể huy động thêm ngân sách, qua đó giảm bớt sức ép tài khoá. Dù vậy, ông Luo cảnh báo rằng dòng tiền vốn đã thắt chặt của các địa phương có thể còn thắt chặt hơn nữa, vì trong thời gian 2021-2025, năm 2023 sẽ là năm cao điểm các địa phương Trung Quốc phải thanh toán nợ trái phiếu đáo hạn.

Cộng thêm với nợ đáo hạn của một số công cụ tài chính địa phương (LGFV) - những công ty đầu tư chuyên xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng - năm nay và năm tới sẽ là khoảng thời gian căng thẳng nhất đối với các chính quyền địa phương, ông Luo nhấn mạnh.

Khoảng 380 tỷ USD trái phiếu LGFV phát hành trong nước của các tỉnh có nền kinh tế yếu hơn sẽ tới hạn thanh toán trong 12 tháng tới đây - theo một báo cáo của Moody’s hồi tháng 8.

Những hạn chế tài khoá như vậy, cộng thêm với xuất khẩu yếu đi, triển vọng phục hồi tiêu dùng kém, và những bấp bênh bên ngoài như cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, sẽ gia tăng sức ép lên các nhà hoạch định chính sách trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 - theo chuyên gia kinh tế Nie Wen của công ty Hwabao Trust. Ông Nie dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc đạt 5,5% trong năm 2023, với giả định có ít hoặc không có gián đoạn mới do Covid gây ra, cao hơn so với bình quân dự báo tăng trưởng 3,2% mà giới chuyên gia dành cho kinh tế Trung Quốc trong năm nay, nhưng vẫn thấp hơn so với mức tăng 6% đạt được vào năm 2019, năm trước đại dịch.

Phản ánh sức ép ngân sách, các tỉnh thành Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Nam, Triết Giang và Thiên Tân đều đã tuyên bố cắt giảm số công chức trong những tháng gần đây. Ngoải ra, một số cơ quan quản lý thị trường địa phương đã triển khai những mức phạt lớn đối với doanh nghiệp nhỏ nhằm tăng thu ngân sách.

Theo trang tin tài chính Yicai, trong thời gian từ tháng 1-7 năm nay, thu ngân sách của các chính quyền địa phương Trung Quốc từ xử phạt hành chính và xung công đã tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái.