08:49 19/03/2007

Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài sụt mạnh

Hải Bằng

Tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam biến động nhất so với tất cả các tuần kể từ trước đến nay

Thông tin về tình hình giá cả cổ phiếu đang thu hút sự quan tâm của hầu hết các nhà đầu tư chứng khoán thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội - Ảnh: SGTT.
Thông tin về tình hình giá cả cổ phiếu đang thu hút sự quan tâm của hầu hết các nhà đầu tư chứng khoán thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội - Ảnh: SGTT.
Tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam biến động nhất so với tất cả các tuần kể từ trước đến nay.

Giá chứng khoán hai phiên liền sụt mạnh rồi lại tăng tốc vào phiên cuối tuần. Nhà đầu tư trong nước đã “đại chiếm” thị trường, còn nhà đầu tư nước ngoài giảm mạnh giao dịch, chờ kết thúc năm tài chính vào tháng 3/2007.

Giới đầu tư chứng khoán nhận xét, tuần qua là một tuần có nhiều sự kiện bất ngờ và “chấn động” nhất kể từ khi thị trường chứng khoán đi vào hoạt động.

Sự kiện đầu tiên là VN-Index tăng lên mức kỷ lục mới (1.170,67 điểm) ngay trong phiên đầu tuần (12/3) sau khi tổng khối lượng đặt mua tăng vọt lên 23 triệu cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, tăng và khối lượng đặt bán sụt mạnh, còn gần 18 triệu cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, cầu lớn hơn cung hơn 9 triệu chứng khoán. Sự kiện thứ hai là thị trường quá nhạy cảm với những luồng thông tin.

Nhiều nhà đầu tư nhận định việc bán tháo chứng khoán trong phiên thứ tư (14/3) chủ yếu là do tác động mạnh về tâm lý sau khi có nhận định của một tổ chức tài chính rằng có thể có khả năng 80% số lượng nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam nếu dự thảo qui chế hướng dẫn tổ chức và hoạt động của công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán và công ty đầu tư chứng khoán được ban hành mà không có sự sửa đổi.

Ngay sau khi thông tin này được các báo đăng tải, trong phiên 14/3, cuộc chạy đua bán thốc bán tháo cổ phiếu, chứng chỉ quỹ bắt đầu làm cho giá hàng loạt cổ phiếu chủ chốt rớt xuống giá sàn trong 2 phiên liên tiếp, chỉ số giá ở cả 2 sàn tụt mạnh chưa từng có từ trước đến nay.

Ngày 15/3, nhiều chuyên gia tài chính và lãnh đạo các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính nước ngoài hàng đầu thế giới đang hoạt động tại Việt Nam đưa ra nhận định rằng các quy định trong dự thảo qui chế hướng dẫn tổ chức và hoạt động của công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán và công ty đầu tư chứng khoán là hợp lý, chỉ cần sửa chút ít, đồng thời đưa ra nhận định hiện Việt Nam là địa chỉ đầu tư tốt nhất khu vực châu Á, các dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam.

Bằng chứng rõ nhất là ngày 14/3, ông Don Lam, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư VinaCapital cho biết, trong đợt huy động vốn mới để đầu tư vào Việt Nam, VinaCapital dự kiến cần 200 triệu USD nhưng các nhà đầu tư đã đăng ký tới 600 triệu USD chỉ trong vòng 1 tháng.

Những thông tin “sốt dẻo” này đã “kích động” nhà đầu tư trong nước ào ạt mua vào (trong khi nhà đầu tư nước ngoài lại giảm mạnh mua vào và bán ra), làm đảo ngược 180% cung và cầu trong phiên cuối tuần (16/3): lượng đặt mua tăng gấp đôi so với phiên trước, lên 23 triệu chứng khoán (lượng dư mua lên mức kỷ lục là 12,3 triệu chứng khoán), trong khi lượng đặt bán sụt mạnh, giảm một nửa, còn 13 triệu chứng khoán, cầu cao hơn cung 10 triệu chứng khoán, giá hàng loạt cổ phiếu chủ chốt lại tăng đụng trần.

Trong tuần qua, tổng nhu cầu mua và bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ tương đối cân bằng, vẫn ở mức cao nhưng biến động rất mạnh theo từng phiên. Tổng khối lượng đặt mua cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đạt 97,76 triệu chứng khoán, lượng dư mua lên tới 28,75 triệu chứng khoán, tổng khối lượng đặt bán 99,08 triệu chứng khoán, dư bán 16,06 triệu chứng khoán. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 57,875 triệu cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, tổng trị giá 5.113 tỷ đồng.

Năm chứng khoán có khối lượng khớp lệnh nhiều nhất gồm: PRUBF1 với 9,195 triệu chứng chỉ quỹ, trị giá 156 tỷ đồng, VF1 có 5,379 triệu chứng chỉ quỹ, trị giá 268 tỷ đồng, STB đạt 4,726 triệu cổ phiếu, trị giá 698 tỷ đồng, PPC với 2,713 triệu cổ phiếu, trị giá 543 tỷ đồng và KHP đạt 1,379 triệu cổ phiếu, trị giá 276 tỷ đồng.

Giao dịch khớp lệnh của nhà đầu tư nước ngoài sụt hơn một nửa so với tuần trước đó, họ mua 4,95 triệu chứng khoán, trị giá 650 tỷ đồng và bán ra 5,92 triệu chứng khoán, trị giá 760 tỷ đồng.