15:03 17/02/2007

Hai Lúa lên Net làm ăn

Ông Mận nói từ hồi bán lúa, bán cá qua Internet tới nay, ngày mùa chỉ ngồi nhà nhấp chuột nhận e-mail giao dịch

Những chiếc máy tính nối mạng Internet đã đổi đời nhiều nhà nông, giúp cuộc sống người dân bớt nhọc nhằn.
Những chiếc máy tính nối mạng Internet đã đổi đời nhiều nhà nông, giúp cuộc sống người dân bớt nhọc nhằn.
Lên trang web http://clbnongdan. angiang.gov.vn, ngoài những thông tin khoa học - kỹ thuật nông nghiệp, còn thấy nhiều mẫu rao hàng khá ấn tượng của các anh Hai Lúa ở An Giang.

Nơi chào bán lúa thịt, lúa giống; chỗ chào bán nếp đặc sản; nơi lại chào bán cá tra, cá bống tượng, cá lóc... với đầy đủ địa chỉ nhà, địa chỉ email, số điện thoại.

Ông Lăng Hoàng Dũng, ở ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Nhuận, Châu Thành (An Giang) - người năm 2005 bán được hàng trăm tấn cá tra thương phẩm và gần trăm ngàn con cá bống tượng giống trên mạng Internet - hào hứng khoe năm 2006 ông đã giúp bà con bán được 100.000 con cá bống tượng giống và hàng chục tấn lúa giống DH1, Jasmine nguyên chủng qua Internet.

Ông Dũng cho biết: “Cứ gom hết hàng hóa, chất lượng, chủng loại, giá cả, địa chỉ email vào một cái thư điện tử, gửi xuống Trung tâm tin học của Sở Khoa học - Công nghệ An Giang, nhờ mấy chuyên viên gắn lên trang web http://clbnongdan.angiang.gov.vn là vài ngày sau có người gọi điện hỏi thăm và tìm tới nơi đặt hàng hoặc gửi thư vào địa chỉ email của mình để giao dịch”.

Khách hàng của ông trong tỉnh có, ngoài tỉnh có, tận Cần Thơ, Sóc Trăng, Long An, Tp.HCM... cũng tìm đến mua.

Ông Lăng Hoàng Dũng giúp nhà nông xã Vĩnh Nhuận (An Giang) bán hàng trăm tấn cá tra, hơn 100.000 con cá giống và hàng chục tấn lúa giống chất lượng cao

Ở ấp Bình Đức, xã Bình Phú, huyện Châu Phú cách quốc lộ 91 hơn 13.000m đường đồng là nhà nông dân Huỳnh Tấn Mận. Từ năm 2004, ông Mận đã đưa thóc lúa và cá giống lên chào hàng trên website http://clbnongdan.angiang.gov.vn. Ông Mận canh tác bốn mẫu ruộng, trồng lúa đặc sản 3 vụ/năm, nhưng năm 2005 bán được gần 1.200 tấn lúa chất lượng cao và 70.000 con cá lóc giống qua mạng.

Năm 2006, ông Mận tiếp tục rao bán hơn 20.000 tấn lúa Jasmine, 500 tấn lúa Nhật và 1.000 tấn lúa OM 2517. Hỏi ông chỉ canh tác 4ha ruộng mà lúa ở đâu rao bán nhiều dữ vậy, ông cười: “Lúa từ ruộng của bà con trong ấp, trong xã nhờ bán giùm”.

Ông Mận nói từ hồi bán lúa, bán cá qua Internet tới nay, ngày mùa chỉ ngồi nhà nhấp chuột nhận e-mail giao dịch, không còn cảnh chạy vạy khắp nơi tìm thương lái năn nỉ bán hàng.

Ở miệt vườn Long Hồ (Vĩnh Long), mấy năm nay cái “chợ cây giống trên mạng” tại địa chỉ http://www.caygiong.com của chủ vườn cây giống chất lượng cao Island Nguyễn Trí Nghiệp trên cù lao Minh (ấp Bình Thuận, xã Hòa Ninh) nổi đình nổi đám.

Ông Nghiệp kể: “Tui vô nghề cây giống tới nay đã hơn 20 năm. Trước đây cây giống bán quanh quẩn mấy tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, năm nào cũng bỏ cây xuống ghe chở đi khắp nơi, cực nhọc không kể xiết”.

Từ khi lập trang web tháng 4/2003 và đưa cây giống lên rao bán trên Internet, ông Nghiệp bắt đầu tiếp cận các khách hàng lớn như chủ trang trại, chủ dự án đầu tư vườn hoặc vườn rừng khắp cả nước và số lượng cây giống bán ra thị trường ngày càng tăng: năm 2005 bán được 195.000 cây giống các loại, năm 2006 bán được 230.000 cây.

Ông Nghiệp nói hiện nay bình quân mỗi tháng ông nhận gần 100 email đặt hàng mua cây giống đến từ khắp nơi trong nước, bình quân số lượng cây bán qua Internet chiếm gần 30% doanh số.

“Bây giờ tôi không còn chạy ngược chạy xuôi mời chào, giới thiệu sản phẩm, mà chỉ ngồi nhà vừa chăm sóc vườn tược vừa gửi thư điện tử kèm hình ảnh đến các địa chỉ trên mạng chào hàng. Không nhờ công nghệ thông tin thì biết đời nào cái vườn cây giống trong hóc bà tó của tôi mới được mọi người biết tới”, ông Nghiệp cười khà khà nói.