08:42 06/05/2024

Hải Phòng dự kiến đầu tư hơn 361.000 tỷ đồng phát triển đô thị

Nam Khánh - Đỗ Hoàng

Từ nay đến năm 2040, Hải Phòng dự kiến sẽ huy động hơn 361.000 tỷ đồng để phát triển đô thị, trong đó, đô thị Hải Phòng sẽ có 10 quận nội thành, 1 thành phố trực thuộc thành phố và 3 huyện sẽ nâng cấp thành thị xã…

Khu vực sông Tam Bạc nội thành Hải Phòng sau khi được đầu tư chỉnh trang đô thị
Khu vực sông Tam Bạc nội thành Hải Phòng sau khi được đầu tư chỉnh trang đô thị

Ngày 5/5, UBND TP. Hải Phòng cho biết thành phố này đã phê duyệt chương trình phát triển đô thị định hướng đến 2040, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu đến năm 2040 tỷ lệ đô thị hoá đạt 80-86%, mở rộng khu vực đô thị trung tâm sang huyện Cát Hải để thành lập quận Cát Hải, đưa khu vực nội thành lên thành 10 đơn vị hành chính cấp quận.

MỞ RỘNG NÂNG CẤP ĐÔ THỊ

Theo chương trình phát triển đô thị, đến năm 2025, Hải Phòng có tỷ lệ đô thị hoá đạt 60-70%, tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 31-32%, thành lập quận An Dương và thành phố Thuỷ Nguyên (bao gồm toàn bộ đảo Vũ Yên).

Huyện An Dương được nâng cấp thành đơn vị hành chính cấp quận, phát triển kinh tế xã hội theo hướng đô thị hoá, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ trên cơ sở tiền đề công nghiệp có lựa chọn và thân thiện môi trường. Là trung tâm động lực phát triển công nghiệp công nghệ cao của Hải Phòng, phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, dịch vụ, trọng tâm là du lịch, logistics và lưu trú. Sau năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, tiếp tục đầu tư hoàn thiện về trình độ phát triển về cơ sở hạ tầng đô thị, đảm bảo chất lượng đô thị hình thành quận sau sắp xếp.

Khu vực Thuỷ Nguyên (bao gồm toàn bộ đảo Vũ Yên) trở thành thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng là đô thị loại III. Đây là khu vực đô thị mới gắn với trung tâm chính trị, hành chính của Hải Phòng, trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch văn hoá và giải trí, y tế, giáo dục, trung tâm nghề cá cấp vùng, trọng điểm phát triển công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững, động lực phát triển kinh tế biển.

Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hoá đạt của Hải Phòng đạt 74-76%, đất xây dựng đô thị chiếm 34-35% tổng diện tích đất tự nhiên, đô thị trung tâm được mở rộng sang khu vực huyện Kiến Thuỵ, thành lập quận Kiến Thuỵ, đồng thời, phát triển 4 đô thị gồm các thị trấn An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Cát Bà đạt tiêu chí đô thị loại IV, 6 đô thị như Xuân Đám, Phù Long (huyện Cát Hải), Hùng Thắng (huyện Tiên Lãng), Tam Cường (huyện Vĩnh Bảo và đô thị trường Sơn (huyện An Lão) là đô thị loại V.

Đặc biệt, đến năm 2030, huyện Kiến Thuỵ sẽ được nâng cấp thành đơn vị hành chính cấp quận thuộc TP. Hải Phòng. Nơi đây sẽ hình thành không gian kinh tế, khu công nghiệp tại một số khu vực, phát triển các ngành dịch vụ nhất là logistics và các ngành công nghiệp trên cơ sở khai thác tuyến đường ven biển và các công trình giao thông cấp quốc gia được quy hoạch trên địa bàn Kiến Thuỵ.

Tại đây sẽ hình thành dải đô thị mới, khuyến khích phát triển dự án đô thị mới theo mô hình tổ hợp nhà ở - dịch vụ - công nghiệp – đào tạo nghề. Định hướng sau năm 2030 – 2050 tiếp tục nâng cao tiêu chí, tiên chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị sau khi thành lập quận, đảm bảo chất lượng đô thị hình thành sau sắp xếp.

Giai đoạn 2035, tiếp tục phát triển thành phố Hải Phòng theo hướng cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt về cơ sở hạ tầng đô thị, hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hoá cấp đô thị với tỷ lệ đô thị hoá đạt 76-80%, tỷ lệ đất xây dựng đô thị đạt 34-38% so với tổng diện tích đất tự nhiên toàn thành phố, phát triển đô thị thành phố Thuỷ Nguyên đạt tiêu chí đô thị loại II.

THÀNH LẬP QUẬN BIỂN ĐẢO

Giai đoạn 2040, tỷ lệ đô thị hoá đạt 80-86%, thành lập thêm quận Cát Hải (quận biển đảo) đưa khu vực nội thành Hải Phòng lên 10 quận. Huyện Cát Hải dự kiến sẽ nâng cấp thành đơn vị hành chính cấp quận, trở thành trọng điểm kinh tế biển của Hải Phòng. Đảo Cát Bà là trung tâm du lịch sinh thái quốc gia và quốc tế. Đảo Cát Hải là trung tâm dịch vụ cảng biển, logistics, khu công nghiệp công nghệ hiện đại. Tại đây sẽ phát triển đa dạng đồng bộ các phương thức giao thông kết nối giữa đảo với đất liền, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các bến công trình hạ tầng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.

Tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao tỷ lệ đô thị hoá Việt Nam thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á… Đến năm 2050, Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Mô hình không gian đô thị Hải Phòng được phát triển từ mô hình đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh thành mô hình đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh. Không gian đô thị có cấu trúc hai vành đai – ba hành lang – ba trung tâm và các đô thị vệ tinh. Trong đó, hai vành đai kinh tế gồm vành đai kinh tế ven biển phát triển dịch vụ - du lịch – đô thị hướng ra biển và vành đai kinh tế công nghiệp dịch vụ từ cảng Lạch huyện đến phía bắc (Thuỷ Nguyên), phía Tây (dọc quốc lộ 10), phía nam (dọc sông Văn Úc) kết nối với mạng lưới khu, cụm công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng và hệ thống cảng Hải Phòng.

Ba hành lang cảnh quan gồm hành lang sông Cấm, sông Lạch Tray và sông Văn Úc. Ba trung tâm đô thị và các đô thị vệ tinh gồm trung tâm đô thị lịch sử (khu phố cũ có giá trị về lịch sử, kiến trúc và phụ cận) và đô thị hành chính mới Bắc sông Cấm, trung tâm thương mại, tài chính quốc tế (CBD) ở Hải An và Dương Kinh, đô thị sân bay Tiên Lãng. Các đô thị vệ tinh gồm các đô thị vùng sinh thái biển, nông nghiệp, nông thôn.

Theo UBND TP. Hải Phòng, tổng nhu cầu vốn phát triển đô thị Hải Phòng từ nay đến năm 2040 là hơn 361.000 tỷ đồng, trong đó, dự kiến vốn ngân sách Trung ương là hơn 47.183 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 152.266 tỷ đồng, nguồn vốn khác là hơn 161.553 tỷ đồng.

Về giải pháp huy động nguồn vốn thực hiện, Hải Phòng dự kiến sẽ sử dụng các nguồn lực tổng hợp, chủ đạo từ các loại nguồn vốn đầu tư công để đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật khung, công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối cho từng giai đoạn, thu hút đầu tư từ điều kiện tự nhiên, tài nguyên quỹ đất hiện có. Thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo nguồn vốn như ngân sách, vốn viện trợ phát triển chính thức ODA, mô hình hợp tác công – tư, vốn FDI và vốn của các thành phần kinh tế khác.