10:31 25/09/2008

Hàn Quốc phấn đấu vào top 7 cường quốc khoa học và công nghệ

Quốc Trung

Hàn Quốc sẽ chi 1,8 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ trong năm 2008

Trong một giờ học tin học của học sinh Hàn Quốc.
Trong một giờ học tin học của học sinh Hàn Quốc.
Chính phủ Hàn Quốc khẳng định sẽ dành ngân sách 1,8 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ trong năm 2008. Đây là mức đầu tư có qui mô lớn, chỉ sau Mỹ, Nhật, Pháp, Đức, Anh, Italy và Trung Quốc.

Chiến lược 577 của Chính phủ sẽ tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển lên 5% GDP năm 2012, tập trung phát triển 7 lĩnh vực công nghệ đưa Hàn Quốc vào hàng ngũ 7 cường quốc về khoa học và công nghệ.

Chiến lược 557

Hiện tại, đầu tư cho nghiên cứu khoa học và công nghệ của Hàn Quốc đang ở mức 2,5% GDP nhưng con số này sẽ tăng lên 5% trong vòng 5 năm tới. Trong số này, ngân sách đầu tư của Chính phủ sẽ chiếm 1,25% và 3,75%; còn lại sẽ do các doanh nghiệp tư nhân đóng góp. Chính phủ đã quyết định tăng ngân sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển lên 66,5 tỷ USD trong vòng 5 năm tới, cao hơn 26 tỷ USD so với mức đầu tư trước đó.

7 lĩnh vực công nghệ được Hàn Quốc ưu tiên phát triển là: các ngành công nghiệp mũi nhọn như ô tô, đóng tàu, chế tạo máy móc thiết bị, sản phẩm bán dẫn.... Thứ hai là những ngành công nghiệp mới, phục vụ cho ngành công nghiệp phần mềm hoặc chẩn đoán ung thư... Tiếp sau là những dịch vụ cần nhiều chất xám như nội dung tích hợp, truyền thông đa phương tiện. Thứ tư là những ngành công nghiệp mà nhà nước đóng vai trò chủ đạo như công nghiệp hàng không vũ trụ, năng lượng mới...

Thứ 5 là những vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh và thu hút sự quan tâm chú ý của người dân như an toàn thực phẩm. Thứ 6 là lĩnh vực đang thu hút sự quan tâm của toàn cầu như năng lượng tái sinh và đối phó với biến đổi khí hậu. Thứ 7 là lĩnh vực công nghệ đa năng căn bản.

Để đưa đất nước trở thành một trong 7 cường quốc công nghệ, chính phủ Hàn Quốc đang tập trung nâng cấp công nghệ và phát huy thế mạnh hiện có như chế tạo ôtô, đóng tàu, bán dẫn.... Chính phủ đã quyết định tăng ngân sách cho các ngành chủ lực trong tương lai như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ Nano.

Năm 2007, Hàn Quốc có 7 nghìn công trình được cấp bằng sáng chế và con số này dự kiến sẽ được nâng lên 10 nghìn vào năm 2012. Chính phủ cũng có kế hoạch tăng mức đóng góp của khoa học và công nghệ vào tăng trưởng kinh tế từ 30% năm 2007 lên 40% trong vòng 5 năm tới.

Nhà bình luận khoa học và công nghệ Kim Hak-jin cho biết, việc Hàn Quốc quyết định đầu tư 5% GDP cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ Hàn Quốc trong việc phát triển khoa học và công nghệ.

Công nghệ Nano giúp tăng trưởng kinh tế

Hàn Quốc đã tiến hành đầu tư cho công nghệ Nano từ năm 2001 và đã xây dựng kế hoạch quốc gia đến năm 2020 đưa nước này đứng thứ 3 thế giới về công nghệ Nano. Xét về các công trình nghiên cứu, bằng phát minh sáng chế và dữ liệu thì Hàn Quốc hiện đứng thứ 5 trên thế giới về công nghệ Nano. Gần đây, Hàn Quốc đã vận dụng công nghệ Nano vào việc chế tạo mẫu kích thước của tia laser phục vụ cho kỹ thuật phát triển và chế tạo chất liệu Nano mới.

Nhờ vậy Hàn Quốc cũng đã tận dụng lợi thế này phát triển đèn tia điện tử sớm nhất trên thế giới. Công ty điện tử Samsung đã tận dụng chất liệu Nano với kích thước 32nm (1mm bằng 1 phần tỷ m) cho việc phát triển bộ nhớ Nand flash với dung lượng hơn 62G.

Để có thể vươn lên vị trí thứ 3 thế giới về công nghệ Nano, Hàn Quốc đang tập trung hướng đến nguyên liệu Nano, công nghệ năng lượng và môi trường Hàn Quốc sẽ tận dụng tối đa lợi thế là cường quốc đi đầu trong lĩnh vực bán dẫn, kết hợp với công nghệ Nano vào công nghệ chế tạo robot, xe hơi, mạng Internet băng thông rộng phục vụ mọi lúc mọi nơi, y học... để có thể chiếm 20% thị trường điện tử toàn cầu vào năm 2015.

Hàn Quốc có 3 cơ quan nghiên cứu về công nghệ Nano. Tuy hiện tại, sản phẩm công nghệ Nano chưa được thương mại hóa, nhưng khi đưa vào ứng dụng sẽ rất có ích cho sự phát triển của nhiều lĩnh vực. Dự kiến khi công nghệ nano được ứng dụng trong y học sẽ giúp điều trị bệnh ung thư. Trong tương lai, công nghệ Nano sẽ giúp sản xuất ra nguồn năng lượng giá rẻ thay thế cho nguồn năng lượng hóa thạch đang dần bị cạn kiệt.