11:20 04/08/2022

H&M thanh lý hàng tồn kho để rút lui khỏi thị trường Nga

Minh Nguyệt

Hai ngày vừa qua, tại một số trung tâm thương mại giữa Moscow, người ta đã chứng kiến cảnh từng hàng dài người tiêu dùng xếp hàng chờ mua những món đồ cuối cùng từ thương hiệu H&M, trước khi nhà bán lẻ này rút lui hoàn toàn khỏi thị trường Nga…

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Công ty H&M - nhà bán lẻ thời trang lớn thứ hai thế giới – đã thông báo sẽ chính thức ngừng hoạt động kinh doanh tại Nga. Theo ước tính của H&M, việc rút khỏi thị trường Nga sẽ khiến công ty thiệt hại khoảng 191,3 triệu USD và ảnh hưởng đến khoảng 6.000 nhân viên. Hồi tháng 7, H&M đã ấn định đợt bán hàng cuối cùng trước khi rời thị trường Nga là vào ngày 1/8. Tuy nhiên, các cửa hàng của H&M đã không mở cửa vào ngày đã thông báo, mặc dù có hàng dài người đợi người mua sắm đã tụ tập.

Theo tờ Fakti, khách hàng đã đứng ở lối vào cửa hàng khoảng 20 phút nhưng sau đó đã được các nhân viên bảo vệ khuyên rời đi. Sau đó, vào ngày 2/8, một cửa hàng đã mở cửa trở lại tại trung tâm mua sắm Metropolis ở Moscow, cũng như một cửa hàng khác mở tại “Aviapark”. Helena Helmerson, Giám đốc điều hành của H&M Group, giải thích rằng công ty muốn bán nốt số hàng còn tồn kho tại Nga, cũng như muốn cảm ơn các nhân viên Nga vì những đóng góp của họ.

H&M cho biết họ chỉ tạm thời mở lại các cửa hàng trong một khoảng thời gian giới hạn, đến khi bán hết số bán hàng còn lại ở Nga. Một video được ghi lại bởi Reuters cho thấy, từng hàng dài người xếp hàng từ cửa hàng H&M bên trong khu trung tâm thương mại ra đến tận ngoài đường để được vào mua sắm. "Chà, thương hiệu sắp đóng cửa, đó là lý do tại sao chúng tôi đứng ở đây," khách hàng Irina, nói với Reuters. “Tôi sẽ mua bất cứ thứ gì cửa hàng có”.

Từng hàng dài người xếp hàng từ cửa hàng H&M bên trong khu trung tâm thương mại ra đến tận ngoài đường để được vào mua sắm.
Từng hàng dài người xếp hàng từ cửa hàng H&M bên trong khu trung tâm thương mại ra đến tận ngoài đường để được vào mua sắm.

Nga vốn là thị trường lớn thứ 6 của H&M và công ty này từng triển khai kế hoạch tăng số lượng cửa hàng tại Nga, trong khi giảm bớt số cửa hàng hiện diện tại nhiều thị trường khác. Trong thông báo, Giám đốc điều hành H&M - bà Helena Helmersson nêu rõ: “Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, chúng tôi thấy rằng trong tình hình hiện tại, việc tiếp tục kinh doanh ở Nga là không thể duy trì. Chúng tôi rất lấy làm tiếc về những hệ lụy từ quyết định này đối với những đồng nghiệp của mình".   

H&M cùng với Ikea và Nike là những thương hiệu đã thông báo kế hoạch rút lui vĩnh viễn khỏi Nga do tình hình chiến sự tại Ukraine. Gã khổng lồ nội thất Ikea lựa chọn thanh lý hàng tồn kho bằng cách bán hàng trực tuyến, nhưng H&M thì cho phép khách hàng đến cửa hàng để mua sắm trực tiếp. Giá quần áo được cho là đã được giảm đáng kể, với các chương trình khuyến mãi, ưu đãi đặc biệt và thẻ quà tặng.

Được biết, H&M hiện có 170 cửa hàng bán hàng trực tiếp và các kênh bán hàng trực tuyến tại thị trường Nga. Hiện tại, nhiều thương hiệu thời trang danh tiếng khác như Inditex (chủ sở hữu của Zara) hay Adidas cũng đang đình chỉ kinh doanh tại Nga, trong khi nhà bán lẻ thời trang TJX của Mỹ và nhà bán lẻ thời trang lớn nhất Ba Lan LPP đã nhượng lại chi nhánh doanh nghiệp của họ tại thị trường này.

H&M cho biết họ chỉ tạm thời mở lại các cửa hàng trong một khoảng thời gian giới hạn, đến khi bán hết số bán hàng còn lại ở Nga.
H&M cho biết họ chỉ tạm thời mở lại các cửa hàng trong một khoảng thời gian giới hạn, đến khi bán hết số bán hàng còn lại ở Nga.

Trong khi đó, tại thị trường châu Âu, nhà bán lẻ thời trang hiện đang vướng vào một cáo buộc là cố tình đưa ra các tuyên bố bền vững nhưng lại không đáp ứng được đúng tiêu chuẩn vì môi trường như cam kết. Theo đó, H&M đang là tâm điểm của một vụ kiện vì những chiến dịch tiếp thị bền vững “gây hiểu lầm”. Hành động pháp lý được đưa ra bởi Chelsea Commodore, người đã đệ đơn kiện vào ngày 27/7.

Theo đơn kiện tập thể, H&M bị cáo buộc “lợi dụng sự quan tâm của người tiêu dùng” trong lĩnh vực sản xuất thời trang chậm và có tâm. Được biết, thương hiệu đã sử dụng "thẻ điểm môi trường" trong việc ghi nhãn, đóng gói và tiếp thị sản phẩm nhưng không thực sự đáp ứng đúng tiêu chuẩn về tính bền vững, “đưa ra thông tin không đúng với dữ liệu cơ bản".

Về phía H&M, ông Karl-Johan Persson, một lãnh đạo cấp cao của thương hiệu cho biết mục tiêu của hãng này là làm cho thời trang trở nên bền vững. “H&M là một trong hàng chục hãng thời trang hàng đầu thế giới cam kết giảm khí gây hiệu ứng nhà kính xuống còn 30% vào năm 2030. Năm 2019, H&M đã thông báo ngừng việc mua da thuộc từ Brazil nhằm phản đối tình trạng cháy rừng lan rộng tại rừng mưa Amazon ở nước này, vốn gây ra sự phản đối rộng rãi trên toàn cầu,” ông Karl nói.

Mộ số người tiêu dùng Nga nói rằng họ sẽ mua bất cứ thứ gì cửa hàng có.
Mộ số người tiêu dùng Nga nói rằng họ sẽ mua bất cứ thứ gì cửa hàng có.

Theo các chuyên gia, chiến lược thời trang nhanh của H&M là một trong những lý do khiến hãng này gặt hái nhiều thành công nhưng cũng vướng phải hoài nghi từ phía những người bảo vệ môi trường. Khái niệm kinh doanh của thương hiệu này rất đơn giản và khá dễ hiểu khi hứa hẹn cung cấp các trang phục thời trang chất lượng ở mức giá tốt nhất. Các bộ sưu tập mới liên tục được trưng bày là một trong những lý do lôi cuốn khách hàng tiếp tục quay lại các cửa hàng để không bỏ lỡ những thiết kế mới. Chiến lược này giúp H&M có lưu lượng khách hàng tiếp cận nhiều hơn và tỷ lệ bán hàng cũng cao hơn.

Trong quý 2 của tài khóa 2021 - 2022 (từ tháng 3  -5/2022), lợi nhuận ròng của H&M đã tăng 33% lên 3,7 tỷ kronor Thụy Điển (364 triệu USD) so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh thu tăng 17% lên 54,5 tỷ kronor Thụy Điển mặc dù công ty ngừng kinh doanh ở Nga, Ukraine và Belarus.