08:57 20/03/2024

Hóa chất từ nhựa: Không có độc hại nhất, chỉ có độc hại hơn

Hoài Phương

Các tổ chức môi trường và các chính phủ đang vật lộn để xây dựng hiệp ước toàn cầu đầu tiên nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa ngày càng gia tăng, với rác thải nhựa hằng năm đã lên tới 400 triệu tấn…

Ảnh: Packaging Digest
Ảnh: Packaging Digest

Tháng 11/2023, các phái đoàn, các nhà khoa học, những người ủng hộ môi trường và sức khỏe từ khắp thế giới đã tới Nairobi, Kenya cho phiên hội thảo thứ ba Ủy ban đàm phán liên chính phủ thỏa thuận về nhựa (INC-3). Các nhà khoa học đã thúc đẩy các phái đoàn lưu ý đến những thông tin khoa học mới nhất về độc chất đã được sử dụng cho quá trình chế tạo các loại nhựa và nhựa sẽ hút bám các hóa chất trong thời gian sử dụng, không loại nhựa nào được coi là an toàn hoặc phù hợp cho sử dụng tuần hoàn.

“Tái chế nhựa đã được quảng cáo như một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa nhưng các độc chất trong nhựa làm phức tạp quá trình tái sử dụng nhựa, thải loại và cản trở việc tái chế”, giáo sư Bethanie Carney Almroth, trường đại học Gothenburg nói. Theo nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Data in Brief, các hạt nhựa từ các nhà máy tái chế nhựa ở 13 quốc gia khác nhau đặt tại châu Phi, Nam Mỹ, châu Á và Đông Âu đều chứa hàng trăm loại hóa chất, trong đó có những loại thuốc trừ sâu nồng độ cao.

Tổng số, 491 hợp chất hữu cơ đã được tìm ra và định lượng trong những các hạt nhựa, được bổ sung 170 hợp chất. Các hợp chất này thuộc về vô số loại khác nhau, bao gồm thuốc trừ sâu, dược phẩm, hóa chất công nghiệp, phụ gia nhựa.

Các hóa chất trong nhựa có thể ngấm vào nước và thức ăn.
Các hóa chất trong nhựa có thể ngấm vào nước và thức ăn.

Còn trong một báo cáo mới đây do Hội đồng Nghiên cứu Na Uy tài trợ, có hơn 16.000 hóa chất tồn tại trong các sản phẩm nhựa, từ bao bì thực phẩm, đồ chơi trẻ em đến thiết bị y tế... Theo CNN, báo cáo được công bố trong bối cảnh Các cuộc đàm phán về một hiệp ước chống rác thải nhựa dự kiến tiếp tục vào tháng tới tại Ottawa (Canada) với mục tiêu hoàn thành hiệp ước tại hội nghị vào tháng 12 ở thành phố Busan (Hàn Quốc).

Theo bà Jane Muncke, Giám đốc điều hành của Diễn đàn Bao bì thực phẩm phi lợi nhuận Thụy Sĩ, để giải quyết triệt để vấn nạn ô nhiễm nhựa, thế giới cần phải thực sự xem xét toàn bộ vòng đời của nhựa và phải giải quyết vấn đề hóa chất. Bà Muncke cho biết các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hàng trăm, thậm chí hàng nghìn hóa chất từ nhựa trong cơ thể người và một số trong số đó có liên quan đến các vấn đề sức khỏe bởi thực tế các hóa chất trong nhựa có thể ngấm vào nước và thức ăn.

Đáng chú ý, 1/4 số hóa chất được xác định không có thông tin cơ bản về bản chất hóa học và chỉ có 6% số hóa chất tìm thấy trong nhựa được quản lý trên phạm vi quốc tế.  Báo cáo nhấn mạnh chỉ giải quyết vấn đề rác thải nhựa là không đủ để bảo vệ người dân. Thay vào đó, cần thiết phải minh bạch hơn về các hóa chất - bao gồm chất phụ gia, chất hỗ trợ gia công và tạp chất - được đưa vào nhựa, kể cả các sản phẩm tái chế.

Ông Martin Wagner, trưởng nhóm báo cáo và là nhà môi trường học thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy, cho rằng ngay cả các nhà sản xuất không thực sự biết có bao nhiêu loại hóa chất trong sản phẩm của họ. Do đó, theo ông, nếu không có quy định bắt buộc, sẽ không có động lực buộc các doanh nghiệp tiết lộ những hóa chất có trong nhựa.

Không nên dùng hộp nhựa đựng thức ăn nóng.
Không nên dùng hộp nhựa đựng thức ăn nóng.

Một nghiên cứu gần đây cũng phát hiện ra, một chai nước một lít thông thường chứa tới 240.000 hạt vi nhựa, gấp khoảng 100 lần so với ước tính trước đây, do sự hiện diện của nhựa nano trong nước. Khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, hộp nhựa có thể giải phóng các hóa chất độc hại, chẳng hạn như phthalates và bisphenol A (BPA) vào thực phẩm bên trong. Những hóa chất này đã được phát hiện là có thể phá vỡ nội tiết tố và có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, bao gồm cả các vấn đề về sinh sản.

Trước đó, tạp chí Consumer Reports của Mỹ đã thử nghiệm nhiều loại thực phẩm để tìm các hóa chất trong hộp nhựa có thể gây hại cho sức khỏe. “Ở mức độ hóa học, một số hóa chất tạo nên nhựa có thể thấm vào thực phẩm”, bà Lauren F. Friedman, phó tổng biên tập về sức khỏe của Consumer Reports, cho biết. Consumer Reports đã kiểm tra hai loại hóa chất thường được sử dụng trong nhựa: phthalates và bisphenol. Họ tìm thấy phthalates và bisphenol đều có trong hầu hết mọi loại thực phẩm mà họ thử nghiệm.

Trong đó các loại thức ăn nhanh có tỉ lệ các hóa chất này cao nhất. Những hóa chất trên gây rối loạn hormone (nội tiết). Về cơ bản, hormone tác động lên các tế bào trong nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể con người trong một thời gian dài. Làm gì để hạn chế tiếp xúc với những hóa chất này? Theo bà Friedman, trước hết là không sử dụng hộp nhựa trong bếp, đặc biệt là không dùng hộp nhựa đựng thức ăn nóng. Và càng không nên cho vào lò vi sóng, không cho vào máy rửa bát. Ăn nhiều thực phẩm tươi, chế biến tối thiểu...

Cảnh báo thêm về tác hại khi sử dụng hộp nhựa, các chuyên gia của Tập đoàn Y khoa Hamad (HMC, Qatar) đã khuyến cáo người dân phải đề phòng khi sử dụng hộp nhựa để lưu trữ hoặc làm nóng thức ăn nhằm hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại có thể ngấm từ vỏ nhựa. Tiến sĩ Ahmad al-Mulla, chuyên gia tư vấn cao cấp về sức khỏe cộng đồng tại HMC giải thích: "Hầu hết các loại nhựa đã được phát hiện gây ô nhiễm thực phẩm với các hóa chất như polystyrene, polyvinyl clorua (PVC), polyethylene, polycarbonate và phthalates”.

Chủ tịch của Internal Medicine, Giáo sư Abdul-Badi Abou-Samra cũng cho biết: "Khi ăn, các hóa chất này có thể phá vỡ hệ thống nội tiết của cơ thể (hoặc hormone) và có thể gây ra các bệnh như hen suyễn, ung thư, dị tật bẩm sinh, hệ thống miễn dịch đàn áp, và các vấn đề phát triển và sinh sản”.

Hộp nhựa mòn hoặc trầy xước phải được loại bỏ.
Hộp nhựa mòn hoặc trầy xước phải được loại bỏ.

Tiến sĩ al-Mulla đề nghị người dùng ăn thực phẩm tươi sống và giảm tiêu thụ các loại thực phẩm chế biến sẵn để giảm việc tiếp xúc với hóa chất độc hại. "Việc lựa chọn thực phẩm tươi sống như là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh, nó không chỉ giúp tránh được những hóa chất độc hại từ hộp nhựa mà còn tránh được một lượng lớn natri, chất béo và các thành phần không lành mạnh trong thực phẩm chế biến sẵn".

Ngoài ra, các chuyên gia khuyến cáo người dân phải lưu ý khi mua thực phẩm đóng gói bằng nhựa và có biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe của họ bằng cách tìm hiểu về hộp nhựa.  Hộp nhựa mòn hoặc trầy xước phải được loại bỏ. Dùng tay rửa hộp nhựa thay vì sử dụng máy rửa bát để giảm hao mòn. Khi nấu sử dụng nhiệt độ thấp nhất có thể để nấu ăn một cách an toàn, và chạy quạt thông gió trong bếp khi nấu ăn ở phía trên bếp.

Không bao giờ sử dụng màng bọc thực phẩm khi cho thực phẩm vào trong lò nướng hoặc nấu trên nồi và chảo. Ngay cả khi nhãn hiệu màng bọc thực phẩm thân thiện với lò vi sóng, màng bọc cũng không bao giờ được tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm vì nó có thể giải phóng hạt nhựa khi còn nóng. Nếu bạn mua thực phẩm đã nấu chín và muốn bảo quản trong tủ lạnh, hãy chuyển thực phẩm đó vào bát hoặc đĩa và bảo quản thích hợp trước khi cho vào tủ…