Khách hàng tiềm năng tránh xa Paris, các thương hiệu xa xỉ đi đâu?
Các nhà bán lẻ xa xỉ tại châu Âu, ngoài Pháp, đang đặt cược vào lượng du khách "đi trốn" khỏi Paris trong thời gian Thế vận hội Olympic 2024. Đây là tệp khách hàng vô cùng tiềm năng với khả năng chi tiêu hào phóng...
Paris chuẩn bị đón một lượng lớn khách du lịch đổ về trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa hè, diễn ra từ ngày 26/7 đến 11/8. Tuy nhiên, thật bất ngờ là nhiều thương hiệu xa xỉ lại không mấy mặn mà với việc này, đặc biệt là các thương hiệu trang sức. Ông Cyrille Vigneron, CEO thương hiệu trang sức xa xỉ Cartier cho biết, "Tình hình kinh doanh ở Paris có thể sẽ chậm lại", trong khi các thành phố như London, Milan hay Barcelona dự kiến sẽ đón lượng khách hàng tiềm năng lớn hơn.
KHÔNG KỲ VỌNG VÀO PARIS
Trong khi đó, ông Nicolas Bos, Giám đốc điều hành thương hiệu trang sức xa xỉ Van Cleef & Arpels, thì nhận định: "Thế vận hội có lẽ không phải thời điểm thích hợp để tổ chức các sự kiện trang sức cao cấp tại Paris." Tuy nhiên, ông khẳng định các cửa hàng của Van Cleef & Arpels vẫn sẽ mở cửa và sẵn sàng chào đón những "người hâm mộ thể thao".
Những nhân sự cấp cao đến từ những thương hiệu trang sức lâu đời thuộc tập đoàn Richemont cũng chia sẻ một số kinh nghiệm từ những sự kiện thể thao trước. Họ cho biết Thế vận hội London 2012 đã thu hút một lượng lớn các khách hàng cao cấp đến các cửa hàng của họ ở Paris, mặc dù nhìn chung, tác động đến doanh nghiệp là "không đáng kể". Dự đoán tình hình tương tự trong năm nay, các thương hiệu này sẽ tập trung vào việc phục vụ những khách hàng quen thuộc ở những địa điểm du lịch trọng điểm khác ngoài Paris.
Mặc dù là nhà tài trợ chính thức của Thế vận hội và là tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới, LVMH cũng không đặt nhiều kỳ vọng vào lượng khách du lịch tăng vọt trong thời gian diễn ra sự kiện, dựa trên kinh nghiệm từ những sự kiện thể thao đã được tổ chức tại London và Bắc Kinh. Giám đốc tài chính của LVMH, ông Jean Jacques Guiony, cho biết: "Doanh số trong các dịp như vậy thực ra cũng khá bình thường. Trong khi việc cung cấp hàng hóa cho các cửa hàng tại Pari trong giai đoạn này lại phức tạp hơn một chút".
Bên cạnh đó, một báo cáo do Ủy ban tổ chức Paris 2024 ủy quyền thực hiện vào tuần trước cũng cảnh báo về khả năng "dồn khách" - du khách dự định đến Paris có thể sẽ chuyển hướng sang các địa điểm khác để tránh tình trạng đông đúc. Tuy nhiên, báo cáo cũng thừa nhận đây là vấn đề khó có thể đo lường và dự đoán chính xác.
Bà Bénédicte Epinay, người đứng đầu Ủy ban Colbert, nhóm đại diện cho các thương hiệu xa xỉ hàng đầu nước Pháp, đã chia sẻ với WWD đầu năm nay rằng: "Có nguy cơ Olympic Paris 2024 sẽ là khoảng thời gian tồi tệ cho cả kinh doanh và văn hoá". Một mối quan ngại lớn là khu mua sắm xa xỉ Tam giác Vàng (Golden Triangle) nằm gần Điện Élysée (Dinh Tổng thống) và các đại sứ quán quan trọng. "Liệu du khách có thể đến được các cửa hàng hay không do những hạn chế về giao thông?"
Bên cạnh đó, một số giám đốc bán lẻ khác cũng bày tỏ lo ngại rằng du khách đến Paris sẽ tập trung vào các sự kiện của Thế vận hội thay vì dành thời gian tham quan các bảo tàng hoặc cửa hàng xa xỉ của thành phố. Tình trạng giao thông và logistic phức tạp cũng ảnh hưởng đến ngành thời trang tại Paris.
Để tránh ảnh hưởng của Thế vận hội 2024 đối với hoạt động của ngành thời trang, Liên đoàn thời trang cao cấp Pháp (Fédération de la Haute Couture et la Mode) đã quyết định dời lịch trình trình diễn bộ sưu tập Haute Couture mùa thu 2024 sớm lên một tuần. Theo đó, các show diễn sẽ diễn ra vào ngày 24/6, ngay sau sự kiện ra mắt bộ sưu tập ready-to-wear nam mùa xuân 2025.
Bên cạnh việc điều chỉnh lịch trình, ban tổ chức cũng sẽ tăng gấp đôi số lượng xe đưa đón giữa các show diễn. Đây là động thái nhằm ứng phó với tình trạng giao thông tại Paris dự kiến sẽ trở nên phức tạp do những công tác chuẩn bị cuối cùng cho Thế vận hội.
MILAN VÀ LONDON HƯỞNG LỢI
Một số thương hiệu thời trang sẽ chỉ tổ chức các buổi giới thiệu bộ sưu tập tại showroom ở Milan trong mùa này do "những khó khăn về logistics do Thế vận hội gây ra", Chủ tịch Phòng Thương mại Thời trang Quốc gia Italia, ông Carlo Capasa cho biết.
Các nhà bán lẻ ở London, vốn đang gặp khó khăn do lượng khách du lịch giảm sút sau khi chính sách mua sắm miễn thuế của Anh kết thúc, đang hy vọng thu hút thêm các khách hàng từ Paris. Các cửa hàng bách hoá cao cấp như Harrods và Selfridges đang tích cực chuẩn bị.
Ông Michael Ward, Giám đốc điều hành của Harrods, dự đoán lượng khách hàng sẽ tăng đáng kể và cho biết: "Paris đã bị loại khỏi danh sách các điểm đến du lịch được gợi ý trong bản hướng dẫn dành cho khách du lịch Trung Quốc cho mùa hè năm nay". Ông cũng nói thêm: "Chúng tôi cần phải lựa chọn sản phẩm cẩn thận và phải có sự chuẩn bị hoàn hảo để đón tiếp lượng khách hàng lớn".
Harrods đang hy vọng thu hút thêm người mua sắm bằng các lễ kỷ niệm khai trương cửa hàng trang sức cao cấp Tiffany & Co. mới, các sự kiện pop-up của các thương hiệu xa xỉ và các sản phẩm độc quyền, bao gồm hai chú gấu bông đặc biệt được thiết kế bởi thương hiệu trang sức Ý Bulgari và thương hiệu mỹ phẩm Charlotte Tilbury nhằm kỷ niệm 175 năm hoạt động của cửa hàng bách hoá này.
Cửa hàng bách hoá xa xỉ Selfridges cũng lên kế hoạch để thu hút cả người tiêu dùng nội địa lẫn các khách du lịch quốc tế với các sự kiện thể thao như câu lạc bộ chạy bộ, và đồng thời cung cấp đa dạng các sản phẩm đồ tập thể thao. “Chúng tôi đang chuẩn bị sẵn sàng cho một sự kiện tôn vinh thể thao lớn,” CEO của Selfridges, ông Andrew Keith cho biết.
Các chuyên gia trong ngành tin rằng các nhà bán lẻ ở London hay Milan sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ Thế vận hội so với Paris, theo tờ The Telegraph. Lý do chính nằm ở thời gian lưu trú của du khách. Các chuyên gia cho rằng du khách sẽ không ở lại Paris quá lâu do tình trạng đông đúc, các biện pháp an ninh nghiêm ngặt và những khó khăn liên quan đến việc di chuyển. Điều này đồng nghĩa với việc thời gian mua sắm của du khách tại các cửa hàng xa xỉ sẽ bị hạn chế.