22:10 20/05/2009

“Khi ai cũng nghĩ thị trường còn xấu, đó chính là lúc thị trường đi lên”

Lan Hương

Thị trường chứng khoán đã tăng trưởng khá nhanh trong hơn hai tháng qua, bất chấp đã có không ít nhận định bi quan

"Điều mà thị trường đang cần lúc này là những con số thể hiện sự hồi phục kinh tế một cách thực sự, chứ không chỉ là những niềm tin".
"Điều mà thị trường đang cần lúc này là những con số thể hiện sự hồi phục kinh tế một cách thực sự, chứ không chỉ là những niềm tin".
Thị trường chứng khoán đã tăng trưởng khá nhanh trong hơn hai tháng qua, bất chấp đã có không ít nhận định bi quan.

Chia sẻ ý kiến về đợt tăng điểm này, TS. Quách Mạnh Hào, Phó giám đốc Công ty Chứng khoán Thăng Long (TSC), nói:

- Sự tăng trưởng của thị trường hơn hai tháng qua dựa trên niềm tin vào sự hồi phục kinh tế. Những chỉ số kinh tế nói chung không còn xấu như dự kiến chính là động lực. Điều mà thị trường đang cần lúc này là những con số thể hiện sự hồi phục kinh tế một cách thực sự, chứ không chỉ là những niềm tin.

Nếu điều này không xảy ra, thị trường sẽ rơi vào giai đoạn điều chỉnh. Đợt tăng giá này là một bài học kinh nghiệm cho thấy thị trường luôn chứa đựng những bất ngờ. Khi ai cũng nghĩ thị trường còn xấu, đó chính là lúc thị trường đi lên.

Nếu chúng ta trông chờ vào những con số và chờ đợi mọi việc rõ ràng, thì có thể chúng ta đã bị muộn, sẽ không thể thắng thị trường bằng sự cẩn trọng quá mức.

Với quan sát của ông trên cơ sở thực tế và theo phân tích kỹ thuật, điều này có phải là tín hiệu tốt cho sự tăng trưởng bền vững?  

Thị trường tăng trở lại với sự tham gia mạnh của những nhà đầu tư cá nhân bởi họ ít phải đối mặt với những nguyên tắc đầu tư theo tiêu chí như các tổ chức. Vấn đề ở chỗ, khi các nhà đầu tư cá nhân tham gia và thị trường đi lên thì các nhà đầu tư tổ chức lại thay đổi quan điểm và quay trở lại thị trường.

Điều này tạo cho tôi cảm giác rằng những nhà đầu tư cá nhân đã dẫn dắt thị trường trong thời gian qua. Điều này là bình thường và không thể đặt vấn đề xấu hay tốt. Đơn giản là các nhà đầu tư cá nhân tự do hơn trong việc ra quyết định đầu tư.

Trong buổi giao lưu trực tuyến trên VnEconomy vừa qua, ông có đề cập tới những phương pháp ước lượng của riêng ông để nhận biết dòng tiền vào thị trường chứng khoán, dựa trên cơ sở là mức dư thừa và thiếu hụt cung cầu dòng tiền tại từng ngày cụ thể để từ đó tìm ra dòng tiền ròng. Ông có thể nói kỹ hơn về phương pháp này không, dựa trên một ví dụ cụ thể?

Đây là một phương pháp riêng do tôi tự mày mò, để tìm kiếm một chỉ báo dùng cho công việc. Rất khó để nói chi tiết, nhưng tôi gợi ý rằng tôi đã đưa ra rất nhiều giả định liên quan tới chênh lệch giá đóng cửa, mở cửa, cao và thấp trong ngày để tìm ra lượng tiền dư thừa và thiếu hụt của ngày hôm đó.

Sau đó, việc tiếp theo là phải ước lượng xem dòng tiền bỏ vào thị trường hôm nay thì khi nào sẽ ra để từ đó đưa ra con số dự toán cho dòng tiền tại từng ngày cụ thể.

Như vậy, liệu có thể lượng hóa được lượng tiền cần thiết để có thể làm cho các cổ phiếu tăng trần trong một phiên không, thưa ông?

Không, điều này là rất khó. Tôi không biết có những phương pháp nào khác, nhưng với phương pháp của tôi thì tôi không làm được. Những gì con số nói ra chỉ gợi ý được rằng dòng tiền vào đang lớn hơn hoặc thấp hơn dòng tiền ra tại ngày quan sát và do vậy, có thể dự báo giá tăng hoặc giảm. Không có căn cứ để nói nó sẽ tác động tới việc tăng trần của các cổ phiếu.

Có ý kiến cho rằng, để có thể đẩy VN-Index tăng thêm 100 điểm thì thị trường phải cần 100.000 tỷ đồng. Cá nhân ông có đồng ý với nhận xét này? Liệu có đo đếm được số tiền đó không?

Tôi không nghĩ là như vậy, bởi tôi nghĩ rằng thị trường tăng chủ yếu phụ thuộc vào người mua muốn mua còn người bán không muốn bán. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra cả khi thị trường có giá trị giao dịch rất thấp và rất cao. Giá trị giao dịch lớn chỉ có nghĩa rằng thị trường đang được xã hội quan tâm lớn.

Dù vậy, trong thực tế của Việt Nam, tôi nghĩ rằng đưa vào 100.000 tỷ đồng sẽ tạo ra một cú sốc bởi vì với số tiền ấy mà ngày nào cũng mua những cổ phiếu chủ chốt thì tôi e rằng nó sẽ tăng hơn 100 điểm rất nhiều.

Việc nhận biết những cổ phiếu đem về lợi nhuận vượt trội và tránh được những cổ phiếu có thành tích yếu kém là điều cần thiết để thành công. Làm thế nào để có thể nhận biết được điều này?

Làm điều này không dễ nhưng không có nghĩa là không thể.

Một giải pháp thông dụng là lựa chọn mô hình định giá tài sản phù hợp để xác định tại những thời điểm cụ thể, cổ phiếu nào đang bị đánh giá quá cao hoặc quá thấp so với thị trường. Chúng ta cần phân tích chuyên sâu theo từng cổ phiếu hơn là chỉ nhìn vào chỉ số thị trường.