09:35 14/02/2008

Khi chứng khoán hội nhập

Hoàng Xuân

Việc gia nhập WTO đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải mở cửa thị trường dịch vụ tài chính, trong đó có chứng khoán

Giao dịch tại Công ty Chứng khoán An Bình - Ảnh: Việt Tuấn.
Giao dịch tại Công ty Chứng khoán An Bình - Ảnh: Việt Tuấn.
Việc gia nhập WTO đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải mở cửa thị trường dịch vụ tài chính, trong đó có chứng khoán.

Đầu năm mới, chúng tôi ghi lại những suy nghĩ của đại diện hai công ty chứng khoán là ông Đoàn Ngọc Hoàn - Giám đốc Công ty Chứng khoán VNS và ông Phạm Quang Huy - Phó giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt về những cơ hội và thách thức mới của ngành chứng khoán khi Việt Nam hội nhập.

Việt Nam đã trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Theo ông, tác động trực tiếp của sự kiện này đối với thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và công ty chứng khoán nói riêng như thế nào?

Ông Đoàn Ngọc Hoàn: “Theo tôi, việc Việt Nam gia nhập WTO có tác động rất lớn tới sự phát triển của thị trường chứng khoán. Nhiều văn bản luật quan trọng thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán đã có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2007.

Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn ra đời đã tạo ra khung pháp lý khá hoàn chỉnh và đồng bộ cho các chủ thể tham gia vào thị trường này. Ngay khi gia nhập WTO, theo Biểu cam kết về dịch vụ thì các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài được thành lập văn phòng đại diện và công ty liên doanh với đối tác Việt Nam, trong đó tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài không vượt quá 49%.

Theo tôi được biết, đã có rất nhiều văn phòng đại diện của các công ty chứng khoán, ngân hàng đầu tư, công ty quản lý quỹ nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam để nghiên cứu thị trường và thiết lập các mối quan hệ, sẵn sàng nhập cuộc ngay khi rào cản được xoá bỏ. Đồng thời cũng đã có những công ty chứng khoán liên doanh mới thành lập từ năm 2007.

Riêng với các công ty chứng khoán, sự tác động của WTO chính là việc các công ty chứng khoán trong nước phải tự ý thức nỗ lực vượt lên chính mình, nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng uy tín và thương hiệu để trụ vững và phát triển trong thị trường”.

Ông Phạm Quang Huy: “Theo tôi, việc trở thành thành viên WTO sẽ có tác động rất tích cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Việc tham gia WTO chắc chắn sẽ góp phần gia tăng mạnh lượng vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài vào thị trường qua quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam cũng như các tổ chức đầu tư nước ngoài sẽ vào Việt Nam trong thời gian tới đây.

Ngoài những tổ chức đầu tư lớn của thế giới đã mở tài khoản và đầu tư tại Việt Nam như UBS, Merill Lynch, JP Morgan Chase, chúng tôi cũng đang xúc tiến làm thủ tục cho nhiều tổ chức đầu tư lớn khác của khu vực và trên thế giới đầu tư vào Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng sẽ còn nhiều tổ chức đầu tư nước ngoài đến Việt Nam trong thời gian tới.

Đối với các quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam, việc Việt Nam gia nhập WTO, tốc độ tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam, và kết quả hoạt động khá tốt trong vài năm qua sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho các Quỹ huy động thêm vốn từ bên ngoài để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Việc Indochina, VinaCapital, hay Bảo Việt huy động dễ dàng hàng trăm triệu USD trong thời gian gần đây đã cho thấy điều đó. Việc huy động vốn của các quỹ đầu tư tại các thị trường bên ngoài để đầu tư vào Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.

Việc gia tăng nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam sẽ tạo ra cơ hội lớn cho các công ty chứng khoán Việt Nam thông qua việc cung cấp các dịch vụ chứng khoán cho các nhà đầu tư tổ chức. Tuy nhiên, cũng có không ít thách thức đối với các công ty chứng khoán sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Một trong số đó là việc gia tăng cạnh tranh từ các tổ chức kinh doanh chứng khoán quốc tế.

Theo cam kết của Việt Nam, sau 5 năm kể từ khi gia nhập WTO, các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán sẽ được mở chi nhánh hoặc công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam để cung cấp các dịch vụ như quản lý tài sản, tư vấn đầu tư, tư vấn tài chính bao gồm tư vấn về mua lại và sáp nhập.

Với thế mạnh về vốn, kinh nghiệm và trình độ nghiệp vụ, chắc chắn các tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh, đặc biệt trong các nghiệp vụ như tư vấn tài chính, tư vấn phát hành và niêm yết tại nước ngoài, quản lý tài sản, và môi giới chứng khoán cho các nhà đầu tư nước ngoài”.

Ông dự đoán như thế nào về bức tranh thị trường chứng khoán Việt Nam trong 5 năm tới, khi mà lĩnh vực chứng khoán đã hoàn toàn mở cửa theo cam kết hội nhập WTO?

Ông Đoàn Ngọc Hoàn: “Trong 5 năm tới, khi mà lĩnh vực chứng khoán đã hoàn toàn mở cửa theo cam kết hội nhập WTO, bức tranh thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ vô cùng sinh động.

Theo tôi, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có quy mô lớn hơn hiện nay rất nhiều, thể hiện qua số lượng các công ty niêm yết, giá trị vốn hoá của thị trường, số lượng tài khoản đầu tư, tính phong phú và đa dạng của các công cụ tài chính. Tất nhiên để đạt được sự phát triển quy mô nói trên thì các cơ quan quản lý phải quan tâm nhiều hơn nữa đến tính minh bạch của thị trường, xây dựng lòng tin cho các nhà đầu tư.

Năm năm tới, các nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp chứng khoán 100% vốn trực thuộc và cung cấp nhiều loại hình dịch vụ bao gồm những loại hình mới mẻ đối với các công ty chứng khoán nội địa như dịch vụ quản lý tài sản, quản lý danh mục đầu tư, quản lý quỹ hưu trí, các dịch vụ lưu ký và tín thác, dịch vụ tư vấn, trung gian và các dịch vụ phụ trợ liên quan đến chứng khoán, bao gồm tư vấn và nghiên cứu đầu tư, danh mục đầu tư, tư vấn về mua lại công ty, lập chiến lược và cơ cấu lại công ty.

Điều đó đặt các công ty chứng khoán nội địa trước những cạnh tranh lớn hơn và vì thế có điều kiện học hỏi, hoàn thiện chính mình để đứng vững trên sân nhà”.

Ông Phạm Quang Huy: “Thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Số lượng các công ty niêm yết sẽ tăng nhanh đặc biệt là các doanh nghiệp lớn. Tổng giá trị thị trường của các doanh nghiệp niêm yết trên 2 thị trường niêm yết Hà Nội và Tp.HCM sẽ đạt mức 10 tỷ USD trong thời gian ngắn. Số lượng các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp sẽ gia tăng mạnh mẽ.

Những tổ chức đầu tư hàng đầu thế giới sẽ có mặt tại Việt Nam. Số lượng công ty chứng khoán sẽ tăng nhanh, tuy nhiên trong vòng 5-7 năm tới sẽ có hiện tượng tách nhóm. Một số công ty lớn, có chiến lược đúng và hoạt động hiệu quả sẽ bứt hẳn khỏi các công ty chứng khoán khác, một số công ty chứng khoán hoạt động không hiệu quả có khả năng phải sáp nhập thậm chí phải giải thể.

Các công ty chứng khoán hàng đầu thế giới sẽ chỉ mở chi nhánh ở quy mô vừa phải hoặc điều hành thông qua các văn phòng khu vực vì tầm cỡ của thị trường và các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế”.

Theo ông, các công ty chứng khoán Việt Nam đã sẵn sàng cho cuộc hội nhập này hay chưa?

Ông Đoàn Ngọc Hoàn: “Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như các công ty chứng khoán nội địa còn non trẻ và một điều hiển nhiên là các công ty chứng khoán nội đang trong giai đoạn chuẩn bị cho cuộc hội nhập WTO.

Thời gian 5 năm tới chưa phải là nhiều nhưng là khoảng thời gian cần thiết để các công ty chứng khoán nội địa tự hoàn thiện và chuẩn bị tốt hơn cho cuộc hội nhập thực sự. Theo tôi, do phần lớn các công ty chứng khoán trong nước được thành lập sau khi Luật Chứng khoán có hiệu lực nên đối với họ, sức ép hội nhập thì còn xa, song khó khăn trước mắt chính là cạnh tranh giữa công ty chứng khoán nội địa, đặc biệt là với các công ty chứng khoán ra đời từ những ngày đầu cùng thời với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hiện nay có hơn 70 công ty chứng khoán đã được Ủy ban Chứng khoán cấp phép hoạt động và có ít nhất 20 công ty nữa sắp sửa ra đời. Trong 5 năm tới, sẽ có nhiều công ty chứng khoán không trụ vững trong cuộc cạnh tranh và bị đào thải. Những công ty chứng khoán nào còn trụ vững sẽ chính là những công ty đủ tự tin để cạnh tranh với các công ty chứng khoán ngoại.

Thực tế, công ty chứng khoán ngoại có lợi thế hơn các công ty chứng khoán nội về công nghệ, tính chuyên nghiệp và kinh nghiệm kế thừa của công ty mẹ ở những nước có thị trường chứng khoán phát triển hàng trăm năm.

Tuy nhiên, trong một thị trường cạnh tranh bình đẳng, các công ty chứng khoán nội vẫn có rất nhiều ưu thế vượt trội các công ty chứng khoán ngoại, họ đã tham gia vào thị trường sớm hơn, xây dựng được mạng lưới giao dịch và mối quan hệ với khách hàng, tiếp thu những công nghệ và kỹ năng phục vụ khách hàng chuyên nghiệp từ quá trình hợp tác với các đối tác nước ngoài."