Không có bán tháo, thị trường cân bằng trở lại
Đà giảm trong buổi sáng đã không tạo thêm áp lực trong phiên chiều nay, trái lại, thanh khoản sụt giảm khá nhiều và giá cổ phiếu phục hồi xác nhận áp lực bán yếu. Dù không có mã trụ xuất sắc nhưng độ rộng lan tỏa cũng kéo được VN-Index về sát tham chiếu, giảm không đáng kể 0,02 điểm...
Đà giảm trong buổi sáng đã không tạo thêm áp lực trong phiên chiều nay, trái lại, thanh khoản sụt giảm khá nhiều và giá cổ phiếu phục hồi xác nhận áp lực bán yếu. Dù không có mã trụ xuất sắc nhưng độ rộng lan tỏa cũng kéo được VN-Index về sát tham chiếu, giảm không đáng kể 0,02 điểm.
Trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường, có 4 mã tăng và 6 mã giảm. Số tăng cũng không có mã nào quá 1%, mạnh nhất là CTG tăng 0,99%, VPB tăng 0,77%, BID tăng 0,71% và TCB tăng 0,26%.
VN-Index dựa chủ yếu vào các cổ phiếu vốn hóa trung bình của rổ VN30 như BCM tăng 3,13%, mã này đứng thứ 17 về vốn hóa trong chỉ số. FPT tăng 1,53%, vốn hóa đứng thứ 11. TPB tăng 4% vốn hóa đứng thứ 29… Ngoài ra là một số mã khá nhỏ khác như VGC tăng 6,62%, DGC tăng 3,04%...
Nhóm VN30 cũng không thật sự dẫn nhịp được, chỉ số đại diện tăng rất nhẹ 0,03% với 13 mã tăng/17 mã giảm. Diễn biến giá nhóm này có tích cực hơn buổi sáng, khi 18 mã cải thiện, chỉ 6 mã tụt giá. Tuy vậy các trụ quan trọng nhất lại không thể hiện được sức mạnh cần có: VIC yếu hơn, giảm chung cuộc 2,58%; VHM giảm 2,49%; HPG giảm 1,37%; GAS giảm 1,15%. Các cổ phiếu này đều thuộc nhóm tụt giá so với buổi sáng, tạo thêm áp lực cho VN-Index. Thậm chí chỉ riêng cặp VIC và VHM đã khiến chỉ số bốc hơi 2,5 điểm, nhiều hơn cả điểm số của 5 cổ phiếu mạnh nhất phía tăng là BCM, FPT, BID, CTG và TPB (+2,4 điểm).
Dù vậy thị trường chiều nay không xấu mà có tín hiệu tốt lên. Đầu tiên là thanh khoản giảm: Tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE chiều nay thấp hơn phiên sáng tới gần 16% và hai sàn tính chung giảm 15,5%. Nếu nhìn từ đà trượt giá ở nửa sau phiên sáng, chiều nay rủi ro điều chỉnh sâu hơn là hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt khi các trụ mạnh đã quay đầu giảm. Chiều nay cũng là phiên có lượng hàng lớn của hôm đầu tuần về tài khoản, đó là phiên thanh khoản 1,06 tỷ cổ phiếu hai sàn, trị giá khớp lệnh hơn 24,4 ngàn tỷ đồng. Áp lực bán hạ giá không xuất hiện và thanh khoản giảm là một biểu hiện tốt.
Thứ hai, độ rộng thị trường lại có thay đổi theo hướng tích cực. Trong khoảng 3 phút đầu tiên sau giờ nghỉ, VN-Index xuyên thủng đáy buổi sáng và ghi nhận 129 mã tăng/348 mã giảm (chốt phiên sáng là 149 mã tăng/312 mã giảm). Từ đáy này cổ phiếu phục hồi dần và đóng cửa khá cân bằng với 239 mã tăng/262 mã giảm, nghĩa là cả trăm cổ phiếu đã phục hồi vượt tham chiếu.
Dĩ nhiên khả năng phục hồi là không giống nhau và biên độ tăng cũng không mạnh. Toàn sàn HoSE chỉ có 72 mã tăng trên 1% với thanh khoản chiếm 27,6% tổng khớp của sàn. Phía giảm cũng có 65 mã giảm trên 1%, thanh khoản chiếm 28,5%. Như vậy cũng có một phần rất lớn cổ phiếu có biên độ giá dao động nhỏ, dù nhóm này chỉ chiếm khoảng 44% thanh khoản thị trường.
Việc các cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VHM, MSN, GAS, VNM… điều chỉnh hôm nay là không có gì bất ngờ vì biên độ nhảy giá T+ đang khá lớn, kích thích nhu cầu hiện thực hóa lợi nhuận. Điều quan trọng là diễn biến này không khiến thị trường xáo trộn lớn, cũng như không tăng đột biến về thanh khoản. Vẫn có khá nhiều cổ phiếu thu hút dòng tiền tích cực như DGC, KDH, DCM, VGC, CSV, AAA, BCM… với giá tăng mạnh. Nếu các cổ phiếu dẫn dắt nói trên vượt qua được nhịp chốt lời đầu tiên thì cơ hội kéo VN-Index lên vẫn còn.
Nhà đầu tư nước ngoài phiên chiều nay có đảo trạng thái sang mua ròng, nhưng mức rất nhỏ +35,8 tỷ đồng trên sàn HoSE. Tính chung cả ngày, khối này chỉ mua ròng 26,2 tỷ. Bên mua đáng chú ý có MBS với 481,1 tỷ đồng chủ yếu là thỏa thuận và STB với 191,3 tỷ đồng. Bên bán ròng có HPG -148 tỷ, MWG -94,7 tỷ, GEX -75,8 tỷ…