08:25 01/01/2025

Không để thiếu hàng hóa phục vụ thị trường Tết

Tuệ Mỹ

Các doanh nghiệp sản xuất cũng như bán lẻ đã sẵn sàng bước vào mùa cao điểm mua sắm, với những sản phẩm đặc trưng cho mùa Tết có mức giá bình ổn...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chiều 26/12, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TP.HCM cho biết, trong 11 tháng qua, TP.HCM đã triển khai hàng loạt chương trình bình ổn thị trường, kích cầu tiêu dùng đến người dân và nhận được sự đồng thuận, đồng hành từ nhiều doanh nghiệp. 

Đối với công tác chuẩn bị hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, ông Nguyễn Minh Hùng cho biết, chương trình bình ổn thị trường đã có 69 doanh nghiệp đầu mối tham gia (tăng 10 doanh nghiệp so với năm 2023). Tính đến nay, việc chuẩn bị nguồn hàng của các doanh nghiệp cơ bản đã đáp ứng kế hoạch đề ra, đủ để cung ứng cho thị trường.

ĐO LƯỜNG SỨC MUA

Cụ thể, các doanh nghiệp đầu mối tham gia chương trình bình ổn thị trường đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường Tết. Lượng hàng thiết yếu bình ổn giá tăng từ 4 - 6% so với cùng kỳ và chiếm từ 21% - 32% thị phần trong tháng bình thường; bình quân mỗi tháng Tết dự kiến cung ứng 8.300 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến…

“Trong một tháng trước và sau Tết, giá cả những mặt hàng thuộc chương trình bình ổn thị trường, lương thực thực phẩm thiết yếu sẽ được giữ cố định, không thay đổi. Trong Tết, các hệ thống phân phối chỉ nghỉ thời gian ngắn, hầu hết mở cửa vào ngày mùng 2 Tết để đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu của người dân. Vì vậy, người dân không cần mua lượng lớn hàng hóa để dự trữ trong dịp này”, ông Hùng cho biết thêm.

Giá cả những mặt hàng thuộc chương trình bình ổn thị trường, lương thực thực phẩm thiết yếu sẽ được giữ cố định, không thay đổi.
Giá cả những mặt hàng thuộc chương trình bình ổn thị trường, lương thực thực phẩm thiết yếu sẽ được giữ cố định, không thay đổi.

Từ kết quả có được sau khi thực hiện đo lường sức mua, thái độ và hành vi của khách hàng trong năm 2024 - 2025, bà Đặng Thuý Hà, Giám đốc Nghiên cứu hành vi khách hàng, đại diện khu vực phía Bắc của NielsenIQ Việt Nam thông tin, khoảng 67% người dân Việt Nam khi được hỏi tin tưởng tình hình tài chính đi lên trong thời điểm cuối năm. Tuy nhiên, đi sâu nghiên cứu từng nhóm người tiêu dùng thể hiện mức độ chi tiêu thực tế thì nghiên cứu cho thấy, 56% người tiêu dùng là thuộc nhóm những người chi tiêu rất thận trọng.

Về mức độ tiêu thụ, kết quả nghiên cứu cho thấy, từ quý 3 năm nay xu hướng tiêu thụ hàng hóa đã tăng lên. Tuy vậy, vẫn có tới 42% người tiêu dùng quan tâm tới tài chính cá nhân của mình trong năm tới cho thấy mức độ tiêu thụ vẫn dè dặt. Đối với yếu tố về mức độ thoải mái, người tiêu dùng không chỉ quan tâm tới yếu tố “đủ ăn đủ mặc” mà còn chú ý tới việc tận hưởng cuộc sống.

Nhìn vào những diễn biến của thị trường gần đây, cùng với công tác thăm dò hoạt động của một số doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu hàng tiêu dùng, có thể dự đoán thị trường Tết Ất Tỵ cũng chưa thoát ra được sự “trầm lắng” vốn ngự trị suốt 3 năm qua. Theo dự báo từ một số chuyên gia thị trường, sức mua dịp tết có thể tăng nhẹ 2 - 3% so với năm ngoái, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thiết yếu và sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, khách hàng sẽ chỉ mua khi có khuyến mãi và ưu tiên các sản phẩm có dung tích hay trọng lượng vừa phải để tiết kiệm chi phí. 

CHỦ ĐỘNG NGUỒN HÀNG VÀ ƯU ĐÃI

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, thông tin hiện nay, các doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ lượng hàng để cung ứng Tết. “Nếu nhu cầu mua sắm của người dân có tăng đột biến thì doanh nghiệp cũng cung ứng đủ vì có hàng hóa dự trữ. Các doanh nghiệp đảm bảo sản xuất, cung ứng, cố gắng giữ bình ổn giá hàng hóa cho người tiêu dùng”, bà Lý Kim Chi nói.

Nếu nhu cầu mua sắm của người dân có tăng đột biến thì doanh nghiệp cũng cung ứng đủ vì có hàng hóa dự trữ.
Nếu nhu cầu mua sắm của người dân có tăng đột biến thì doanh nghiệp cũng cung ứng đủ vì có hàng hóa dự trữ.

Điển hình, Công ty Cổ phần Ba Huân cũng đưa ra những giải pháp về thực phẩm, sản phẩm mới để mùa Tết của các gia đình được đa dạng hơn. Bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty, chia sẻ: “Mặc dù thị trường bị ảnh hưởng về sức mua, nhưng doanh nghiệp vẫn tăng nguồn cung khoảng 10% so với năm ngoái để bảo đảm nguồn hàng lương thực, thực phẩm luôn sẵn có, đáp ứng nhu cầu cao của người dân trong những ngày Tết”.

Về phía Dh Foods, doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch dự trữ nguồn nguyên liệu, tăng 20% so với ngày thường và ký hợp đồng với các công ty nhân lực, tuyển dụng thêm lao động để tăng tốc sản xuất ngay khi có đơn hàng. “Chúng tôi liên tục theo dõi tình hình thị trường và kết hợp với các siêu thị thực hiện chương trình khuyến mại sâu như mua 2 tặng 1, mua 3 sản phẩm tặng kèm những linh thú bằng sứ… Song song đó là phát triển các dòng sản phẩm về giỏ quà Tết với giá tốt, mẫu mã đa dạng”, ông  ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Dh Foods, chia sẻ.

Còn tại Công ty cổ phần Bibica, với kế hoạch cung cấp ra thị trường 5,6 triệu sản phẩm Tết, đầu tháng 9 doanh nghiệp đã bắt đầu sản xuất cho mùa vụ Tết Ất tỵ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Phần lớn các sản phẩm vẫn giữ giá bình ổn, tuy nhiên một số sản phẩm thủ công, chi phí lao động cao nên giá thành có điều chỉnh nhẹ, tăng từ 3 - 5% so với năm ngoái.

Về kênh phân phối, hiện rất nhiều chương trình khuyến mãi đã được tung ra nhằm kích cầu tiêu dùng. Tần suất các chương trình khuyến mãi năm qua tăng lên "chưa từng thấy", phản ánh nỗ lực kích cầu của các nhà bán lẻ. Đơn cử, hệ thống MM Mega Market đã triển khai chương trình ưu đãi lớn với mức giảm giá lên đến 12% cho các đơn hàng tết sớm; các mặt hàng bình ổn giá được dự trữ tăng từ 6 - 14%, trong khi nhóm thực phẩm tươi sống có mức tăng cao nhất do nhu cầu dịp tết thường tăng đột biến.

Hiện rất nhiều chương trình khuyến mãi đã được tung ra nhằm kích cầu tiêu dùng.
Hiện rất nhiều chương trình khuyến mãi đã được tung ra nhằm kích cầu tiêu dùng.

Tương tự, AEON Việt Nam đặt mục tiêu đảm bảo nguồn hàng dồi dào và ổn định mức giá, đặc biệt là với các mặt hàng thiết yếu. “So với các thời điểm khác trong năm, lượng dự trữ hàng hóa cao hơn từ 20 - 30%, thậm chí tăng đến 50% đối với các sản phẩm được ưa chuộng trong dịp Tết. Chúng tôi cũng triển khai chương trình ưu đãi hấp dẫn với mức giảm giá lên đến 30 - 40% cho nhiều mặt hàng. Đặc biệt, các dòng sản phẩm thiết yếu mùa Tết như trái cây tươi, bánh kẹo, giỏ quà Tết, thịt và hải sản… được tăng cường ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu cao của người tiêu dùng”, bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Truyền thông và đối ngoại, AEON Việt Nam, chia sẻ.

Có thể thấy, thị trường bán lẻ khó đoán hơn những năm trước và xu hướng hành vi người tiêu dùng chuyển đổi nhanh chóng. Do đó, đối với mùa mua sắm Tết 2025, các đơn vị sản xuất, kinh doanh không thể chủ quan trong cạnh tranh thị phần và phải bám sát thị trường mới có thể tăng doanh số như kỳ vọng. Để nâng cao năng lực cạnh tranh mùa mua sắm Tết, bài toán chăm sóc khách hàng, thanh toán tiện lợi, dịch vụ giao nhận hàng… cũng quan trọng không kém việc doanh nghiệp tập trung cải thiện tính ổn định chất lượng và giá cả sản phẩm.