11:15 26/01/2007

Kinh tế toàn cầu 2007: Triển vọng sáng

Quỳnh Ngọc

Đó là dự đoán lạc quan của nhiều nhà kinh tế tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang tổ chức tại Davos (Thụy Sỹ)

Khoảng 40-50% sản lượng kinh tế toàn cầu hiện nay là do các nền kinh tế đang nổi lên sản xuất.
Khoảng 40-50% sản lượng kinh tế toàn cầu hiện nay là do các nền kinh tế đang nổi lên sản xuất.

Đó là dự đoán lạc quan của nhiều nhà kinh tế tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang tổ chức tại Davos (Thụy Sỹ).

Theo họ, tăng trưởng kinh tế của khu vực EU và châu Á - Thái Bình Dương sẽ bù đắp cho khả năng tăng trưởng giảm sút của nền kinh tế Mỹ, mặc dù vẫn còn những rủi ro có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu như sự suy yếu của thị trường nhà đất, giá dầu tăng cao và lãi suất gia tăng.

Những chìa khoá vàng của nền kinh tế toàn cầu

Khoảng 40-50% sản lượng kinh tế toàn cầu hiện nay là do các nền kinh tế đang nổi lên sản xuất. Giáo sư kinh tế Laura Tyson thuộc Đại học California nhận định, thế giới giờ đây không còn phụ thuộc quá mức vào sức đẩy của nền kinh tế đầu tàu Mỹ.

Sự cân bằng lại của nền kinh tế trên toàn cầu, với các nước như Ấn Độ, Trung Quốc hiện đang đang sản xuất nhiều hơn và có nhu cầu lớn hơn, đã làm giảm bớt những khả năng gây bất ổn.

“Kết quả là “những chìa khoá vàng” của nền kinh tế hiện nay, vốn không “quá nóng” cũng không “quá lạnh”, sẽ tiếp tục phát triển trong ít nhất là một năm nữa”, bà Tyson nói.

Theo dự đoán của Zhu Min, một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục ở mức 10% trong năm nay nhờ lạm phát thấp, tiêu dùng nội địa tăng và lợi nhuận cao.

Dự đoán này chỉ đưa ra trước một ngày Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố mức tăng trưởng GDP năm qua của nước này đạt mức 10,7% - mức nhanh nhất trong vòng 11 năm qua. Và với tổng GDP đạt 2.700 tỉ USD, Trung Quốc đã vượt qua Anh trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ 4 thế giới.

Ông Montek Ahluwalia, Phó chủ tịch Ủy ban Kế hoạch Ấn Độ, cũng khá lạc quan khi cho rằng, mặc dù đã có một vài dấu hiệu về lạm phát và tình hình phát triển quá nóng, song tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Theo ông, mức đầu tư vào nước này vẫn rất cao. Ông dự đoán, trong 5 năm tới Ấn Độ sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 10%.

Ông Jacob Frenkel, Phó chủ tịch Tập đoàn Dịch vụ tài chính AIG, cho rằng, những dự đoán bi quan năm ngoái đã không trở thành hiện thực. “Câu chuyện của năm 2006 là câu chuyện của những gì không xẩy ra”, ông nói.

Những dự đoán đó là gì? Sự sụp đổ của đồng USD? Giá dầu có thể đạt 100 USD/thùng? Sự gia tăng nạn bảo hộ thương mại? Hay là mức thâm hụt trầm trọng về ngân sách ở một số chính phủ?

Câu trả lời là không. Đồng USD chỉ suy yếu chứ không sụp đổ. Giá dầu có khi tăng mạnh hơn 78 USD/thùng khi cuộc chiến Israel và Libanon nổ ra hồi tháng 7 nhưng vẫn không thể cao hơn. Cũng không có gì gia tăng đáng kể trong vấn đề bảo hộ. Thậm chí chúng ta còn được chứng kiến những bước cải thiện trong vấn đề ngân sách ở một số chính phủ.

Vẫn tiềm ẩn những rủi ro

Tuy nhiên, ngay cả những người lạc quan nhất cũng không thể khẳng định 100% về sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu mà không tiềm ẩn những rủi ro.

Nền kinh tế toàn cầu trong năm 2007 vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm tàng. Theo nhà phân tích Nouriel Roubini, kinh tế toàn cầu hiện đang đối mặt với ba nguy cơ.

Thứ nhất là sự sụt giảm của thị trường nhà đất Mỹ hay nói rộng hơn là sự giảm tốc của nền kinh tế Mỹ. Thứ hai là giá dầu có thể tăng cao đến mức các doanh nghiệp sẽ phải khốn đốn hơn để đối phó với nó. Và nguy cơ thứ ba là sự gia tăng của lãi suất có thể ảnh hưởng đến cả vấn đề đầu tư của doanh nghiệp lẫn tiêu dùng của khách hàng.

Một khó khăn khác là vấn đề thâm hụt thương mại cao vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế hàng đầu ở phương Tây.

Tuy nhiên, hầu hết các diễn giả tại WEF cũng đều đồng ý rằng, mặc dù những đe doạ trên là có thực, song chưa chắc đã ảnh hưởng đến nền kinh tế trong năm nay. Nhưng với năm 2008, điều đó rất có thể xảy ra nếu những nguy cơ trên không được đẩy lùi.

Theo Giáo sư Tyson, sự gia tăng bất bình đẳng trên thế giới là nguy cơ lớn nhất về lâu dài mà chúng ta có thể phải đối mặt. Đây có thể coi là nguy cơ thứ 4 mà thế giới đang phải đối mặt.

Ngày càng nhiều công nhân đang bị đối xử bất công về thu nhập trong quá trình toàn cầu hoá, đặc biệt là tầng lớp trung lưu, những người đang hưởng mức lương thấp hơn so với công sức họ bỏ ra, mà bà Tyson gọi là những mức lương bị “dồn nén”.