09:14 02/11/2021

Kinh tế Trung Quốc xuất hiện dấu hiệu đáng lo: Tăng trưởng đuối, lạm phát leo thang

An Huy

“Có nhiều tín hiệu khẳng định nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua tình trạng ‘stagflation’”...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC.

Đang có nhiều dấu hiệu về tình trạng “stagflation” (tăng trưởng trì trệ kết hợp lạm phát cao) ở Trung Quốc, khi giá cả tiếp tục leo thang và số liệu mới nhất cho thấy ngành sản xuất giảm tốc.

Theo kết quả một cuộc khảo sát chính thức công bố vào cuối tuần vừa rồi, hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc trong tháng 10 suy giảm mạnh hơn dự báo và đánh dấu tháng giảm thứ hai liên tục. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 10 đạt 49,2 điểm, thấp hơn ngưỡng 50 điểm phân chia giữa giảm và tăng.

Chuyên gia kinh tế trưởng Zhang Zhiwei của Pinpoint Asset Management nói rằng chỉ số PMI tháng 10 của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi được công bố lần đầu tiên vào năm 2005 nếu không tính đến mức đáy trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và khi Covid-19 trở thành đại dịch vào đầu năm ngoái.

Ngược lại với sự suy giảm của chỉ số về ngành sản xuất, chỉ số giá cả đầu ra lại tăng lên mức cao nhất kể từ lần đầu tiên được công bố vào năm 2016, ông Zhang nhấn mạnh.

“Có nhiều tín hiệu khẳng định nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua tình trạng ‘stagflation’”, ông Zhang nhận định trong một báo cáo.

“Stagflation” là khi một nền kinh tế đồng thời trải qua sự trì trệ về hoạt động và sự leo thang của lạm phát. Hiện tượng này được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới vào thập niên 1970, khi cú sốc giá dầu dẫn tới một thời kỳ giá cả tăng cao kéo dài nhưng tăng trưởng GDP giảm mạnh tại nhiều quốc gia.

“Một dấu hiệu đáng lo ngại là lạm phát đã lan từ giá cả đầu vào đến giá cả đầu ra. Lạm phát giá đầu vào đã cao trong nhiều tháng qua do giá hàng hoá cơ bản tăng cao. Tuy nhiên, mức tăng mạnh của chỉ số giá đầu ra trong tháng 10 là đáng báo động”, vị chuyên gia nhận định.

Theo ông Zhang, áp lực lạm phát ở Trung Quốc đang lan từ các công ty thượng nguồn đến các công ty hạ nguồn. Thượng nguồn là những nguyên vật liệu đầu vào cần thiết để sản xuất hàng hoá, còn hạ nguồn là bộ phận gần với người tiêu dùng hơn, nơi hàng hoá được sản xuất và phân phối.

“Chúng ta có thể thấy rõ tình trạng ‘stagflation’ trong sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc, vì chỉ số giá đầu ra mạnh lên, cùng với sự gia tăng mạnh của chỉ số giá dầu vào. Bởi vậy, lĩnh vực sản xuất rõ ràng đang ở trong một tình huống khó khăn”, chiến lược gia trưởng về Trung Quốc Raymond Yeung của ANZ nhận xét.

Theo cuộc khảo sát PMI Trung Quốc tháng 10, sản lượng của các nhà máy ở nước này suy yếu do tình trạng cắt điện luân phiên, thiếu nguyên vật liệu và chi phí đầu vào tăng. Trung Quốc hiện vẫn đang ở trong cuộc khủng hoảng thiếu điện do không có đủ than cho các nhà máy phát điện.

“Điều này dẫn tới việc các công ty phải rút lượng hàng dự trữ nhanh hơn, trong khi thời gian giao hàng kéo dài hơn. Ngoài ra, tình trạng hiếu hụt này cộng với giá vật tư tăng cao đang kéo theo giá cả đầu ra tăng lên”, chuyên gia kinh tế trưởng Sheana Yue thuộc Capital Economics nhận xét.

Quý 3 vừa qua, tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ đạt 4,9%, thấp hơn mức dự báo tăng 5,2% mà giới phân tích đưa ra trước đó. 

Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 9 của nước này tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh nhất kể từ khi chỉ số này bắt đầu được đưa vào thống kê vào tháng 10/1996. 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tháng 9 còn yếu, với mức tăng 0,7% so với dự báo tăng 0,9%. Tuy nhiên, với áp lực lạm phát gia tăng ở thượng nguồn, giới phân tích cho rằng giá cả tiêu dùng ở nước này có khả năng sẽ sớm "bốc đầu".