Lãi suất huy động khó giảm thêm trong những tháng cuối năm
Trong tháng 10/2021, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục đà giảm từ các tháng trước đó. Tuy nhiên, với việc tín dụng được dự báo sẽ hồi phục, nhiều khả năng lãi suất ngân hàng sẽ không thể giảm thêm và duy trì ở mức thấp...
Theo tổng hợp từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất huy động trung bình tiếp tục có diễn biến giảm nhẹ trong tháng 10/2021 đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng.
Cụ thể, trung bình lãi suất huy động 6 tháng và 12 tháng giảm lần lượt 0,01 và 0,06 điểm phần trăm, lần lượt xuống 4,70% và 5,50% vào thời điểm cuối tháng 10.
Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất đối với cả 2 loại kỳ hạn trên trong tháng 10, lần lượt 0,04 và 0,14 điểm phần trăm, xuống còn 4,41% và 5,25%/năm.
Đối với ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ (vốn dưới 5.000 tỷ đồng), lãi suất huy động của kỳ hạn 6 tháng được điều chỉnh tăng 0,02 điểm phần trăm, lên mức 5,39%/năm; trong khi lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tiếp tục giữ nguyên ở mức 6%/năm.
Ngược lại, nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước không thay đổi lãi suất tiết kiệm đối với cả 2 loại kỳ hạn 6 và 12 tháng trong tháng thứ 3 liên tiếp, duy trì ở mức 3,775% và 4,95%/năm.
Nhìn chung, với cả 2 loại kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng, lãi suất huy động thấp nhất đã giảm từ mức 3,7% và 4,5%/năm vào cuối tháng 9, xuống còn 3,6% và 4,3% vào cuối tháng 10. Trong khi đó, mức lãi suất huy động cao nhất vẫn đang được áp dụng ở mức 6,1%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng và 6,8%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng.
Như vậy, theo mẫu thống kê của BVSC, tới cuối tháng 10/2021, lãi suất trung bình 6 tháng và 12 tháng cùng tiếp tục giảm khoảng 0,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ.
Tại diễn biến khác, chỉ số lạm phát CPI của Việt Nam đạt 1,81% trong 10 tháng đầu năm, thấp nhất kể từ năm 2016 tới nay. Đây là một yếu tố tích cực, cho phép Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích nền kinh tế hồi phục trong những tháng cuối cùng của năm, đặc biệt khi nhiều tỉnh thành phố mới chỉ bắt đầu nới lỏng lệnh giãn cách từ đầu tháng 10. Do đó, nhiều khả năng lãi suất ngân hàng sẽ duy trì ở mức thấp trong các tháng tới.
Hiện tại về dư nợ tín dụng, tăng trưởng tín dụng, tính tới ngày 7/10/2021, đạt mức 7,42%. Tuy nhiên, vào quý cuối cùng năm 2020, chỉ trong 3 tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng đã tăng từ 6% lên trên 12%
Do đó, giới chuyên môn cho rằng, từ nay đến cuối năm sẽ có một vài thời điểm thanh khoản hệ thống sẽ bớt dồi dào do hoạt động tín dụng sôi động trở lại bởi yếu tố mùa vụ cũng như quá trình nới lỏng dần các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Mới đây, nhận định về diễn biến lãi suất những tháng cuối năm, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, lãi suất tiết kiệm giảm mạnh khiến tốc độ tăng trưởng huy động thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng cho vay, nên các ngân hàng không thể đặt ra bài toán giảm thêm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất cho vay.
“Theo mức lạm phát giả định 3%, ngân hàng cần duy trì mức lãi suất tiết kiệm tối thiểu như hiện nay để đảm bảo lợi ích của người gửi tiền. Tuỳ vào độ chênh lệch lãi suất cho vay và tiết kiệm tại từng ngân hàng, nhưng bình quân đang ở mức 2-2,5%/năm là con số hợp lý”, ông Tú nói.