Lãi suất ngân hàng bật tăng theo tính mùa vụ
Thị trường bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm thanh toán cuối năm, lãi suất trên thị trường 1 và thị trường 2 đều tăng...
Diễn biến thị trường tiền tệ tuần trước (13-17/12) cho thấy, nghiệp vụ thị trường mở và mua ngoại tệ giao ngay đều không phát sinh giao dịch mới. Trong bối cảnh thị trường bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm thanh toán cuối năm, thanh khoản thị trường có dấu hiệu căng thẳng.
Theo đó, vào cuối tuần, lãi suất thị trường liên ngân hàng tăng mạnh từ 0,16 – 0,47 điểm phần trăm so với cuối tuần liền trước. Lãi suất kỳ hạn qua đêm ở mức 0,86% (tăng 0,16 điểm phần trăm) và kỳ hạn 1 tuần là 1,1% (tăng 0,31 điểm phần trăm).
Thậm chí, xu hướng tăng còn kéo dài đến phiên giao dịch đầu tuần này (20/12). Mức tăng có phần đáng chú ý khi lãi suất qua đêm đã vọt lên mức 1,15% và 1 tuần là 1,35%.
Không chỉ trên thị trường 2, mặt bằng lãi suất huy động thị trường 1 cũng biến diễn biến tương tự. Một số ngân hàng thương mại quy mô nhỏ đã có bước điều chỉnh tăng nhẹ biểu lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân.
Cụ thể, mức tăng ghi nhận từ 0,1 – 0,3 điểm phần trăm, xảy ra ở ngân hàng như OCB, DongABank hay VietBank nhằm thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư để có thể đảm bảo hoạt động cho vay cũng như nhu cầu khác của ngân hàng trong giai đoạn cuối năm.
Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, ngoài thể hiện tính mùa vụ thường thấy, việc các ngân hàng điều chỉnh tăng biểu lãi suất huy động còn diễn ra trong bối cảnh sức hấp dẫn của kênh tiền gửi giảm sút trước các kênh đầu tư khác.
Hiện tại, tăng trưởng tiền gửi từ khu vực dân cư có xu hướng giảm mạnh. Tăng trưởng huy động khu vực này chỉ tăng trung bình khoảng 4% trong năm 2021, giảm từ mức 7,5% vào năm 2020.
Theo ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, lạm phát đang trở thành mối lo ngại trên toàn cầu, ngân hàng trung ương các nước bắt đầu thu hẹp các biện pháp nới lỏng tiền tệ. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm 2021 đến nay, thế giới chứng kiến 93 lượt tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương, trong đó, riêng từ tháng 9 đến nay có 50 lượt tăng lãi suất.
“Dư địa của chính sách tiền tệ còn rất hẹp. Hệ thống ngân hàng huy động vốn của nền kinh tế rồi cho vay lại nền kinh tế, cho nên việc điều chỉnh giảm lãi suất cũng chỉ giảm đến mức còn đủ thu hút được người gửi tiền. Trong điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân đối trong mối tương quan với lạm phát, tương quan với lợi ích của người gửi tiền”, ông Hà cho hay.
Như vậy, có thể thấy rằng, về cơ bản, lãi suất huy động đã chạm đáy. Và kỳ vọng giảm lãi suất huy động, qua đó giảm lãi suất cho vay rất khó để tiếp tục xảy ra.
Quay lại với diễn biến tuần trước, nhưng ở thị trường trái phiếu Chính phủ. Ngân hàng phát triển Việt Nam đã gọi thầu 2,5 nghìn tỷ đồng, ở các kỳ hạn 5,7 và 10 năm. Lợi suất trúng thầu giảm mạnh tới 0,15 điểm phần trăm ở kỳ hạn 10 năm và dẫn đến chỉ có 87% lượng trái phiếu được gọi thầu thành công.
Kho bạc Nhà nước gọi thầu 7,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu, mức thấp nhất trong vòng nhiều tuần. Nhu cầu đối với trái phiếu kỳ hạn 5 năm vẫn ở mức thấp, còn kỳ hạn trên 10 năm vẫn ở mức cao.
Lợi tức trúng thầu trên sơ cấp không có nhiều thay đổi nhưng lại tăng nhẹ trên thứ cấp. Chốt tuần ở mức như sau: 1 năm (0,57%, tăng 0,05 điểm phần trăm); 3 năm (0,68%; không đổi); 5 năm (0,82%, tăng 0,02 điểm phần trăm); 10 năm (2,1%, tăng 0,01 điểm phần trăm); 15 năm (2,36%, tăng 0,01 điểm phần trăm); 20 năm (2,77%, không đổi); 30Y (2,97%, tăng 0,01 điểm phần trăm).