“Luật chơi” quốc tế: Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chủ động thích ứng
Trong bối cảnh xuất khẩu dù ghi nhận nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn nhiều thách thức, các doanh nghiệp Việt cần chủ động đổi mới sáng tạo, xây dựng chiến lược dài hạn, chú trọng đầu tư vào công nghệ, nhân lực và tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường...
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt gần 647,9 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu đạt gần 335,6 tỷ USD, tăng 14,9% trong khi nhập khẩu đạt 312,2 tỷ USD, tăng 16,8%. Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu với mức 23,3 tỷ USD. Đáng chú ý có bảy nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, chiếm 66,5% tổng giá trị xuất khẩu.
THÁCH THỨC TỪ CÁC “HÀNG RÀO KỸ THUẬT” MỚI
Tại hội thảo “Đẩy mạnh xuất nhập khẩu - giải pháp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa”, bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), cho rằng mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực trong hoạt động xuất khẩu, song những tháng cuối năm 2024 xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm vẫn đối mặt với nhiều thách thức.
Bối cảnh địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, cùng với xu hướng giảm tốc của tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu đặt ra nhiều áp lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Các thị trường lớn ngày càng siết chặt tiêu chuẩn nhập khẩu, tập trung vào các vấn đề phát triển bền vững, an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, giá cước vận tải biển vẫn ở mức cao, ảnh hưởng tiêu cực đến chi phí logistics. Những tác động từ siêu bão Yagi đối với sản xuất trong nước làm gia tăng nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng và chi phí vận chuyển, khiến hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn hơn.
Hơn nữa, hiện đang có không ít rủi ro trong thanh toán, rủi ro tỷ giá đã xảy ra với các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này dẫn đến nhu cầu của doanh nghiệp về nguồn vốn cũng như các giải pháp hỗ trợ tài chính của ngân hàng tăng cao, nhưng trên thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận nguồn vốn và các giải pháp hỗ trợ ưu đãi.
Chia sẻ về xu hướng trong thương mại quốc tế hiện nay, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, đại dịch Covid-19 khiến nhiều nhà sản xuất nhận ra không nên phụ thuộc vào một điểm sản xuất cố định, dẫn tới làn sóng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đang tích cực tìm kiếm và thiết lập các cơ sở sản xuất ở nước ngoài nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, phân tán rủi ro.
Dự báo năm 2025, thị trường thế giới có dấu hiệu ổn định, lạm phát tại các thị trường lớn giảm, nhu cầu và sức mua phục hồi; tình hình sản xuất trong nước ổn định, nguồn hàng dồi dào; các FTA phát huy tác dụng, giúp gia tăng kim ngạch ở các thị trường có FTA, các FTA mới đi vào thực hiện... Do đó, dự báo xuất nhập khẩu sẽ duy trì đà tăng trưởng tốt từ nay tới quý 1/2025, tăng trưởng đều ở các nhóm hàng và thị trường.
Tuy nhiên, những thách thức là các “hàng rào kỹ thuật” mới cần nhận diện rõ, các tiêu chuẩn, quy định về chất lượng, an toàn, môi trường, lao động hay nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại...
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), chỉ ra rằng kinh tế toàn cầu phục hồi, mạng lưới các FTA đã tạo thêm cơ hội để gia tăng xuất khẩu, gắn với đà phục hồi của chuỗi cung ứng ở châu Á, nhưng bên cạnh đó là thách thức từ xu hướng phát triển bền vững và việc gia tăng các biện pháp thương mại tại nhiều thị trường. Trong khi đó, quá trình chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp trong nước còn tương đối chậm, ảnh hưởng đến khả năng thích ứng của doanh nghiệp với các quy định về phát triển bền vững ở một số thị trường chính.
CHỦ ĐỘNG ĐỔI MỚI SÁNG TẠO, ĐẦU TƯ CÔNG NGHỆ
Khó khăn trong tiếp cận vốn, nhất là vốn tín dụng xanh, dẫn đến sức ép về chi phí và rủi ro tỷ giá gia tăng. Tiếp cận vốn theo chuỗi giá trị chưa phổ biến ở Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất vẫn dựa chủ yếu vào tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại, trong khi việc huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán còn khiêm tốn.
Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay ngoại tệ để nhập khẩu đầu vào, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu, trong khi quy định pháp luật hiện hành mới chỉ tập trung vào một số hình thức như bao thanh toán, thư tín dụng,...
Để gia tăng xuất khẩu, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chủ động tìm hiểu các quy định mới ở các thị trường và đề ra kế hoạch ứng phó, chủ động đổi mới sáng tạo và xây dựng chiến lược dài hạn. Việc đầu tư vào công nghệ, nhân lực và tận dụng các FTA để mở rộng thị trường là cần thiết. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chú trọng ứng dụng công nghệ số để tăng năng lực cạnh tranh và tính chuyên nghiệp cũng như triển khai các phương án dự phòng nhằm giảm thiểu rủi ro từ biến động thị trường.
Hơn nữa, doanh nghiệp nên nghiên cứu, triển khai các mô hình kinh doanh mới (như kinh tế tuần hoàn, kinh tế số...), đặc biệt tăng cường chia sẻ kinh nghiệm thích ứng với các xu hướng, quy định mới về phát triển xanh, bảo vệ môi trường như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR), bảo vệ dữ liệu cá nhân... tại các thị trường lớn. Đồng thời, đề xuất hỗ trợ kỹ thuật phù hợp từ các đối tác (các cơ quan nhà nước khó có thể đưa ra đề xuất hỗ trợ cụ thể từ đối tác).
Về phía Nhà nước, theo ông Dương, cần chủ động theo dõi đánh giá các xu hướng, quy định mới để thông tin phù hợp cho cộng đồng doanh nghiệp. Hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng chiến lược tận dụng hiệu quả các ưu đãi trong các FTA, hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp, không trái với cam kết quốc tế và được phép theo các điều ước quốc tế.
Đồng thời xây dựng các chương trình, sáng kiến giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực. Nghiên cứu các giải pháp điều chỉnh các quy định có tính thích ứng với các xu hướng mới (hài hòa hóa với các tiêu chuẩn quốc tế có cân nhắc tới năng lực thích ứng của doanh nghiệp trong nước). Tham gia xây dựng các luật chơi quốc tế phù hợp trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...
Theo ông Lâm Đức Thuấn, Phó Trưởng ban Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên, các doanh nghiệp phải thật sự nắm bắt được thời cơ, phải có những giải pháp đổi mới sáng tạo, có hướng đi đúng đắn, thiết thực để tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo ông Trần Thanh Hải, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần xây dựng định hướng, kế hoạch kinh doanh dài hạn, chú trọng đến cạnh tranh trong bối cảnh mở cửa thị trường. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tận dụng các hỗ trợ của Nhà nước; tìm hiểu tận dụng các FTA để mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu; đầu tư nâng cao nhân lực, ứng dụng công nghệ số... Ngoài ra, cần chủ động phương án dự phòng, khắc phục những sự cố, rủi ro, biến động trên thị trường; cảnh giác với các hành vi gian lận, lừa đảo trong thương mại quốc tế.
Trong lĩnh vực logistics, ông Ngô Khắc Lễ, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), khuyến nghị các doanh nghiệp áp dụng giải pháp kho bãi linh hoạt, áp dụng các kho ngoại quan, kho chung để giảm chi phí lưu trữ và tăng tốc độ xử lý hàng hóa... Tối ưu hóa lộ trình và phương thức vận tải thông qua kết hợp đa phương thức vận tải (đường biển, đường hàng không, đường bộ, đường sắt) để tối ưu chi phí và thời gian vận chuyển.
Mặt khác, các doanh nghiệp cần chú trọng quản lý rủi ro chuỗi cung ứng, thiết lập kế hoạch dự phòng nhằm giảm thiểu rủi ro khi gặp các sự cố bất ngờ như biến động giá dầu, thiên tai... Kết hợp với các doanh nghiệp trong sử dụng dịch vụ logistics và hợp tác với các đối tác trong chuỗi cung ứng để tận dụng lợi thế nhờ quy mô; tạo sức mạnh của mạng lưới chủ hàng…
Tại sự kiện, các đại biểu kiến nghị Nhà nước đẩy mạnh xây dựng các cơ chế, chính sách thích ứng với xu hướng toàn cầu. Việc cung cấp thông tin về các tiêu chuẩn kỹ thuật mới, hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng ưu đãi từ các FTA và xây dựng các sáng kiến giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị là những ưu tiên hàng đầu.
Ngành ngân hàng cần vào cuộc tích cực hơn, với các giải pháp tài chính thông minh và linh hoạt để đảm bảo dòng vốn cho hoạt động xuất khẩu. Cần ưu tiên các khoản vay cho lĩnh vực xuất nhập khẩu và phát triển các sản phẩm tín dụng phù hợp nhằm giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 49-2024 phát hành ngày 2/12/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam