18:36 02/01/2022

Năm 2022 triển khai nhiều sản phẩm mới để thị trường chứng khoán chất lượng và bền vững hơn

Kiều Linh

Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết, năm 2022 sẽ tiếp tục triển khai nhiều sản phẩm mới nhằm phát triển bền vững, chuyên nghiệp, tiếp cận với các chuẩn mực chung và thông lệ quốc tế, hội nhập với thị trường khu vực và thế giới...

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán.

Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng vừa có thư chúc mừng năm mới 2022.

Trong thư chúc mừng Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, năm 2021 là một năm đầy biến động, tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19 diễn ra phức tạp nhưng thị trường chứng khoán vẫn tăng trưởng mạnh mẽ cả về điểm số, thanh khoản và số lượng nhà đầu tư tham gia.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và trực tiếp là Bộ Tài chính đã tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ cho thị trường chứng khoán, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, nỗ lực của cán bộ, công chức và thành viên thị trường, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt những thành quả nhất định, hệ thống giao dịch hoạt động thông suốt, thị trường hoạt động ổn định, tăng cường mạnh mẽ về quy mô và thanh khoản, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, khẳng định vị trí, vai trò là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.

Bước sang năm 2022, với sự quyết tâm và các giải pháp của Chính phủ tiếp tục ổn định tình hình vĩ mô, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục phương châm xây dựng thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững, với mục tiêu tập trung hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống chính sách cho phát triển thị trường, xây dựng chiến lược phát triển thị trường chứng khoán năm 2030, lộ trình sắp xếp lại các khu vực của thị trường chứng khoán, hiện đại hoá hạ tầng công nghệ phục vụ quản lý, giám sát giao dịch.

Đặc biệt, Chủ tịch Trần Văn Dũng cho biết, năm 2022 sẽ tiếp tục triển khai nhiều sản phẩm mới nhằm phát triển bền vững, chuyên nghiệp, tiếp cận với các chuẩn mực chung và thông lệ quốc tế, hội nhập với thị trường khu vực và thế giới. Từ đó, tạo nền móng vững chắc để đưa thị trường chứng khoán Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, phát triển mạnh mẽ hơn, chất lượng hơn và bền vững hơn.

Năm 2022 triển khai nhiều sản phẩm mới để thị trường chứng khoán chất lượng và bền vững hơn - Ảnh 1

Trước đó, tại toạ đàm về chứng khoán, ông Trần Văn Dũng cho biết, từ nửa cuối năm 2020 và đầu năm 2021, nhiều ngân hàng trung ương các nước bắt đầu hạ lãi suất và đồng loạt đưa ra các gói hỗ trợ, kích thích nền kinh tế. Trong bối cảnh "bình thường mới" như vậy, làn sóng nhà đầu tư F0 đã hình thành. Điển hình như tại Mỹ, mặc dù số lượng nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán vốn đã chiếm số lượng lớn trên tổng dân số, nhưng vẫn có nhiều người mới tham gia, thậm chí còn tăng kỷ lục.

Tương tự, tại Việt Nam, con số 1,5 triệu tài khoản chứng khoán mở mới là một kỷ lục. Đáng chú ý, chất lượng tài khoản mở mới cũng cao hơn hẳn so với trước kia về quy mô giao dịch và tỷ lệ ký quỹ (vay margin).

Mặt khác, giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài thời gian vừa qua đạt mức kỷ lục nhưng không đủ để thành một câu chuyện lớn. Vì 2 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, năm 2021, khối ngoại bán ròng khoảng 2,3 tỷ USD, trong đó rút ròng khoảng 1,2 tỷ USD tăng, mức không nhiều so với mức 1,05 tỷ USD của năm 2020. Đồng thời, dữ liệu này cũng cho thấy rằng, nhà đầu tư nước ngoài dù bán ròng nhưng vẫn giữ tiền khá nhiều tại thị trường trong nước.

Thứ hai, đến thời điểm hiện tại, giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài khoảng 53 tỷ USD, trong khi hồi đầu năm khoảng 45 tỷ USD. Hiểu đơn giản, rút ròng nhưng tài sản trên thị trường chứng khoán của họ vẫn tăng.

Về dự báo thị trường thời gian tới, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tỏ ra khá quan ngại đối với lạm phát khi xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ dần hiện hữu tại ngân hàng trung ương các nước. Hiện nay, nguy cơ lạm phát đến trực tiếp từ chính sách tiền tệ chưa nhiều, nhưng gián tiếp thì nhiều rồi. Ví dụ như giá dầu, giá vận chuyển… khiến chi phí doanh nghiệp tăng và sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Thực tế, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết đang chững lại. Cụ thể, hơn 80% doanh nghiệp niêm yết vẫn có lãi, tuy nhiên trong quý 2/2021, lợi nhuận doanh nghiệp tăng 67%; đến quý 3/2021 chỉ tăng trưởng 33% so với cùng kỳ.

Thêm vào đó, ông Dũng cũng lo lắng về dịch bệnh Covid-19 khi tiếp tục diễn biến rất phức tạp, đặc biệt đối với biến chủng Omicron vừa xuất hiện tại Việt Nam.

Sang năm 2022, với tư cách là cơ quan quản lý lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, để góp phần phát triển thị trường, Uỷ ban Chứng khoán đã trình Bộ Tài chính về chiến lược phát triển 10 năm theo hướng đi vào chiều sâu.

"Trước đây, chúng ta hướng tới phát triển nhiều sản phẩm thì giờ chuyển sang tập trung về chất lượng, thể hiện bằng luật chứng khoán mới… Bên cạnh đó, tôi kỳ vọng, Sở Giao dịch Hà Nội sẽ có thêm sản phẩm hợp đồng tương lai không phụ thuộc chỉ số VN30. Nếu tập trung vào một sản phẩm, đôi khi có những cái bất thường. Hiện tại một số điểm bất thường đã xuất hiện trong phiên đáo hạn phái sinh", ông Dũng nhấn mạnh.