11:52 15/12/2021

Nạn phá rừng ở Amazon, loạt “ông lớn” thời trang bị gọi tên

Minh Nguyệt

Amazon - lá phổi xanh của thế giới đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề, một nguyên nhân phổ biển đến từ việc phá rừng để chăn nuôi gia súc. Mà chất liệu da thật lại được sử dụng rất nhiều trong quá trình sản xuất các món đồ thời trang...

Theo National News, nghiên cứu được thực hiện bởi Stand.Earth cho thấy mặt tối về chuỗi cung ứng của ngành thời trang thế giới. Những cái tên đình đám nhất nhì thế giới như Coach, LVMH, Prada, H&M, Zara, Adidas, Nike, New Balance, Teva, Ugg và Fendi đều đã bị điểm danh.

Báo cáo đã phân tích gần 500.000 hàng dữ liệu hải quan và phát hiện ra rằng những thương hiệu này đều liên quan tới JBS – nhà xuất khẩu da lớn nhất Brazil. Công ty này bị cho là phải chịu trách nhiệm cho nhiều khoảng trắng của rừng Amazon.

Những phát hiện trong nghiên cứu này rất đáng ngạc nhiên, một phần là do một số thương hiệu được khảo sát gần đây đã từng công khai các chính sách đang tiến hành để ngừng hợp tác cùng với các chuỗi cung ứng là tác nhân chính góp phần làm gia tăng nạn phá rừng.

"Phá rừng là vấn đề đặc hữu của toàn bộ ngành công nghiệp da ở Brazil," trích báo cáo từ Stand.Earth. Và không chỉ JBS, các công ty khác như Minerva, Fuga Couros cũng bị réo tên. Dù công ty JBS tuyên bố cam kết loại bỏ nạn phá rừng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của mình vào năm 2035, các nhóm bảo vệ môi trường vẫn không thực sự tin điều đó.

Tuy phân tích từ Stand.Earth không chứng minh được mối liên hệ trực tiếp giữa các thương hiệu thời trang và nạn phá rừng. Tuy nhiên, nó cho thấy mối liên kết giữa các thương hiệu thời trang và nhà cung cấp làm tăng các sản phẩm may mặc. Và các sản phẩm này lại là kết quả từ việc chăn thả gia súc ở Amazon.

Nạn phá rừng ở Amazon, loạt “ông lớn” thời trang bị gọi tên - Ảnh 1
Nạn phá rừng ở Amazon, loạt “ông lớn” thời trang bị gọi tên - Ảnh 2
 

Brazil là nước có đàn gia súc lớn nhất thế giới, lên tới 215 triệu con. “Da của Brazil được sử dụng bởi các xưởng thuộc da và các nhà sản xuất trên khắp thế giới để làm ra vô số sản phẩm có thương hiệu hướng đến người tiêu dùng bao gồm giày dép và các sản phẩm thời trang cao cấp,” nghiên cứu tuyên bố. 

Nhiều thương hiệu thời trang có tên trong báo cáo đã công bố công khai các chính sách được thiết kế để "tạo khoảng cách" giữa họ và những công ty bị cáo buộc phá rừng. Dù vậy, dữ liệu của Stand.earth cho thấy 22/74 công ty thời trang được xác định "có khả năng vi phạm chính sách của chính mình trong việc tìm nguồn cung ứng da liên quan đến nạn phá rừng". 2/3 công ty còn lại thậm chí không có chính sách nào liên quan.

Báo cáo cũng xác thực về việc các thương hiệu thời trang tham gia vào tổ chức “Leather Working Group” hoặc các cam kết tự nguyện khác, nhưng nhấn mạnh rằng tổ chức “Leather Working Group” chỉ đánh giá các xưởng sản xuất da có nhân đạo, xuất xứ rõ ràng hay không, và có khả năng truy xuất nguồn gốc của da đến từ lò mổ nào nhưng lại không truy xuất quay trở lại trang trại chăn nuôi động vật có gây ảnh hưởng tiêu cực gì đến môi trường hay không.

Trên thực tế, các dự báo cho thấy để tiếp tục cung cấp ví, túi xách và giày da cho người tiêu dùng, ngành công nghiệp thời trang phải giết mổ 430 triệu con bò mỗi năm, tính tới 2025. Sônia Guajajara – điều phối viên điều hành của Liên minh Người bản địa Brazil (APIB), cho biết các thương hiệu có “trách nhiệm đạo đức, ảnh hưởng và nguồn lực kinh tế để ngừng hợp tác với các chuỗi cung ứng đang góp phần vào nạn phá rừng ở Amazon ngày nay, và cần phải hành động ngay từ bây giờ, chứ không phải là theo lộ trình trong 10 năm nữa”.

Brazil là nước có đàn gia súc lớn nhất thế giới, lên tới 215 triệu con.
Brazil là nước có đàn gia súc lớn nhất thế giới, lên tới 215 triệu con.

Angeline Robertson, một nhà nghiên cứu điều tra đã tham gia thực hiện nghiên cứu, chia sẻ rằng cô hy vọng ngành công nghiệp thời trang sẽ nghiêm túc nhìn nhận kết quả thu được từ phân tích của họ và có những biện pháp thay đổi vì tương lai của nhân loại. “Trong thời điểm những tác động tiêu cực về khí hậu đang ngày càng gia tăng, nếu ngành công nghiệp thời trang muốn phát triển bền vững, thì đây chính là một trong những việc cần phải làm ngay,” Angeline nói.

Céline Semaan, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Slow Factory, cho biết các thương hiệu không nên tiếp tay hay tìm nguồn cung ứng khác – vốn cũng đang góp phần làm gia tăng nạn phá rừng ở những khu vực sinh thái khác, chẳng hạn như Guatemala hoặc Mexico. Thay vào đó, các thương hiệu phải đầu tư và khám phá các giải pháp thay thế mà không cần đến việc chăn nuôi gia súc.

Với những lựa chọn thay thế từ các phòng thí nghiệm đang gia tăng, một tương lai mà chiếc túi hoặc đôi giày thể thao yêu thích của khách hàng không được làm ra bởi hành vi đốn triệt rừng nhiệt đới Amazon là hoàn toàn có thể. Toàn ngành phải tìm ra các giải pháp khác và các loại da thay thế khác không phải từ động vật và không phải từ nhựa. Với các nguồn lực mà các công ty thời trang sở hữu, thực sự không có lý do gì mà họ không làm được điều đó.

 

Dưới vẻ hào nhoáng, ngành thời trang đang thực sự hủy hoại môi trường. Trong năm 2020, 92 triệu tấn rác hàng dệt may đã bị thải bỏ, 85% lượng rác thải nhựa ra ngoài đại dương đến từ ngành công nghiệp tỷ đô này.