14:14 08/02/2022

Ngành nghề nào tăng mạnh tuyển dụng sau Tết Nguyên đán?

Phúc Minh

Nhu cầu tuyển dụng trong một số ngành nghề dự báo sẽ tăng trong thời gian tới, đặc biệt ở nhóm công nghệ thông tin, tài chính. Sau Tết sẽ thiếu khoảng 10 - 15% lao động so với những năm trước…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, thị trường lao động trong nước đã và đang phục hồi ở mức cơ bản, có những doanh nghiệp phục hồi 100%, có đơn vị 90% nhưng có công ty chỉ 60% nhưng bình quân chung là 85%, đây là mức độ không thiếu lao động trầm trọng. Theo báo cáo từ các tập đoàn lớn, tổng công ty, doanh nghiệp nước ngoài, dự báo sau Tết chỉ thiếu khoảng 10 - 15% lao động.

CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, TÀI CHÍNH TUYỂN DỤNG CHƯA “HẠ NHIỆT” 

Mức độ phục hồi của thị trường lao động cũng được thể hiện qua những dự báo lạc quan về những ngành nghề sẽ có nhu cầu tăng mạnh tuyển dụng sau Tết Nguyên đán, nhất là trong quý 1/2022.

Theo khảo sát của Navigos Search – đơn vị cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự, từ cuối quý 4/2021 bắt đầu xuất hiện các dự án tuyển dụng số lượng lớn cho các vị trí như: Công nghệ thông tin trong các công ty tư vấn dịch vụ tài chính và các vị trí bán hàng từ các công ty bảo hiểm và ngân hàng. Việc tuyển dụng này để phục vụ cho việc mở rộng và phát triển kinh doanh năm 2022, đây cũng là những tín hiệu dự báo trong năm 2022 cho thấy, nhu cầu tuyển dụng quy mô lớn trong mảng tài chính - ngân hàng sẽ tiếp tục tăng cao.

Theo Navigos Search, công nghệ thông tin và viễn thông vẫn là ngành sôi động trên thị trường tuyển dụng, những ngành này không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19 nên các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tuyển dụng. Navigos Search từng tiến hành phân tích thị trường nhân lực ngành công nghệ thông tin trong một thập niên (2010-2020), kết quả cho thấy, nhu cầu tuyển dụng ngành này tại Việt Nam tăng gấp 4 lần.

Tại Hà Nội, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhận định những ngành nghề dự kiến sẽ có xu hướng tuyển dụng rõ nét trong thời gian tới là nhóm công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, dự kiến năm 2022 một số ngành nghề sẽ có nhu cầu tuyển dụng lớn như thương mại điện tử, logistic, vận tải, kho bãi, một số nhóm ngành nghề về phân tích dữ liệu nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngày càng phổ biến.

Ngoài ra, nhóm ngành về thương mại quốc tế cũng sẽ tăng tuyển dụng qua việc ký kết các hiệp định thương mại tự do, riêng các nhóm ngành nghề truyền thống năm qua có nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh, dự báo vẫn tiếp tục xu hướng này như bán hàng, thương mại, văn phòng, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Trong năm 2022, TP. Hà Nội đặt mục tiêu giải quyết việc làm mới cho 160.000 lao động, riêng trong quý 1/2022, thành phố dự kiến tổ chức 61 phiên giao dịch việc làm; giải quyết việc làm từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn là 720 tỷ đồng, tạo việc làm cho 12.000 lao động; đưa 500 người đi làm việc ở nước ngoài.

ĐẨY MẠNH ĐÀO TẠO LAO ĐỘNG CHẤT LƯỢNG CAO

Còn tại TP. HCM - địa phương thu hút nguồn nhân lực dồi dào nhất cả nước, nhu cầu tuyển dụng cũng được dự báo tăng mạnh sau Tết ở một số nhóm ngành nghề.

Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. HCM, thời điểm sau Tết phần lớn doanh nghiệp bắt đầu triển khai kế hoạch tuyển dụng nhân sự phục vụ nhu cầu ổn định, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, một lượng lao động lớn từ các tỉnh sẽ quay lại thành phố sau khi tình hình dịch đã ổn định và sau thời gian về quê ăn Tết.

Các nhóm nghề dự kiến có nhu cầu tuyển dụng cao sau Tết như: Kinh doanh thương mại; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; dịch vụ tư vấn - nghiên cứu khoa học và phát triển; công nghệ thông tin; dệt may - giày da; dịch vụ du lịch - lưu trú và ăn uống; công nghệ lương thực - thực phẩm; dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; kỹ thuật điện - điện lạnh - điện công nghiệp - điện tử…

Nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo chiếm 86,39%, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 21,58%, cao đẳng chiếm 19,13%, trung cấp chiếm 25,08%, sơ cấp chiếm 20,6%.

Để thích ứng trong giai đoạn “bình thường mới”, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch, chính sách tuyển dụng nhân sự phù hợp, có phương án đảm bảo về phòng chống dịch trong quá trình sản xuất, kinh doanh cũng như các chế độ đãi ngộ xứng đáng dành cho người lao động.

Về phía Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong năm 2022 sẽ tập trung cao nhất xây dựng thị trường lao động. Theo Bộ trưởng, muốn thị trường lao động ổn định thì việc đầu tiên là phải đổi mới căn bản giáo dục nghề nghiệp, trong đó phải tập trung hình thành một hệ thống cung - cầu lao động và đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên.

“Hiện nay, chúng ta có 70% lao động qua đào tạo nhưng chỉ có 24,5% có bằng cấp, chứng chỉ. Để đảm bảo nguồn nhân lực phát triển đất nước thì đào tạo nghề chất lượng cao phải là một mũi nhọn. Vì thế, từ năm 2022 trở đi phải tập trung xây dựng nền móng để đào tạo nghề chất lượng cao”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.