Ngành thuế tăng tốc kết nối dữ liệu với công an và ngân hàng chặn trốn thuế
Lãnh đạo Bộ Tài chính kiến nghị 7 giải pháp tăng thu trong lĩnh vực thương mại điện tử thời gian tới. Trong đó, chú trọng kết nối dữ liệu với ngành công an, ngân hàng; xây dựng cổng thông tin đăng ký kê khai thuế của sàn thương mại điện tử trong nước, chọn thanh tra, xử lý một số trường hợp trốn thuế...
Ngày 10/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ điểm nghẽn trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế.
ĐỊNH DANH ĐIỆN TỬ, QUẢN LÝ 123.000 NGƯỜI NỘP THUẾ
Chia sẻ tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh phát triển thương mại điện tử là một xu thế tất yếu trong cuộc cách mạng 4.0. Về quy mô, theo đánh giá của Bộ Công Thương, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam hiện là 20,5 tỷ USD và sẽ đạt 30,5 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam được xác định là quốc gia có tăng trưởng về thương mại điện tử nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, khoảng trống chính sách pháp luật thời gian qua khiến một bộ phận người kinh doanh truyền thống chuyển sang hình thức thương mại điện tử nhằm né tránh sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, trong đó có ngành thuế. Điều này đặt ra yêu cầu mới về quản lý thuế và quản lý về chất lượng hàng hóa, chống lừa đảo.
Thông tin về kết quả 1 năm triển khai Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 13/10/2022 về đẩy mạnh triển khai các hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng Việt Nam và công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam, Bộ trưởng cho biết Bộ Tài chính đã đẩy mạnh và chia sẻ dữ liệu thương mại điện tử, chống thất thu thuế.
Đồng thời, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 56 ngày 26/6/2024 về tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.
Về việc kê khai, nộp thuế, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết Bộ Tài chính đã áp dụng định danh và xác thực điện tử đối với: cá nhân thực hiện đăng ký kê khai, nộp thuế; dịch vụ chữ ký số, viễn thông, tên miền; cá nhân mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng. Hiện Bộ Tài chính đang triển khai khuyến khích các sàn giao dịch thương mại điện tử áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn.
Về kết quả quản lý thuế với thương mại điện tử tại Việt Nam, hiện cơ quan thuế đang quản lý 88.147 cá nhân; số lượng doanh nghiệp bán hàng hóa thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử là 35.131; doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử là 361 đơn vị; doanh nghiệp lớn hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng là 24 đơn vị, nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam là 96 đơn vị.
"Theo số liệu quản lý thuế đến năm 2024, ngành thuế đang quản lý 123.759 người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử".
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
Về triển khai hóa đơn điện tử, Bộ trưởng cho biết Bộ Tài chính đã triển khai hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Đến nay đã có 61.009 cơ sở kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền với số lượng hóa đơn đã sử dụng là 464,8 triệu hóa đơn.
Đối với việc áp dụng hóa đơn điện tử trong lĩnh vực kinh doanh vàng, 100% các doanh nghiệp (9.419 doanh nghiệp) đã áp dụng hoá đơn điện tử có kết nối với cơ quan thuế theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó có 7.225 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng, bạc đã thực hiện áp dụng giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền với số lượng hóa đơn đã sử dụng là 1,34 triệu hóa đơn.
Về số thu ngân sách nhà nước, số liệu quản lý thuế trong 2 năm gần nhất đã ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử năm 2022 là 83 nghìn tỷ đồng; năm 2023 số thuế đã nộp là 97 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, 5 tháng đầu năm 2024, số thuế đã nộp trên 50 nghìn tỷ đồng.
Cũng theo lãnh đạo bộ, lũy kế đến nay đã có 96 nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai, nộp thuế với số thuế là trên 15,6 nghìn tỷ đồng.
TĂNG TỐC KẾT NỐI VỚI NGÀNH NGÂN HÀNG, CÔNG AN
Nhấn mạnh 4 nội dung lãnh đạo Chính phủ giao, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết Bộ Tài chính đã được thực hiện quyết liệt và đạt những kết quả tích cực.
Về hoàn thiện pháp lý, hiện nay Bộ Tài chính đang thực hiện việc định danh và xác thực điện tử; thực hiện các Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng (Nghị định số 72/2013/NĐ-CP), Nghị định 59/2022/NĐ-CP ngày 5/9/2022 về định danh và xác thực điện tử và rà soát lại các vấn đề liên quan đến thương mại điện tử.
Theo báo cáo của Bộ Công an, có 3 việc Bộ Tài chính đã hoàn thành, gồm: Một là, nghị định về chi thường xuyên cho các dự án đã có, hiện nay đã trình và đang chờ Chính phủ ban hành. Hai là, về nghị định giá dịch vụ công đã hoàn thành, Bộ Tài chính đang trình cơ quan có thẩm quyền.
Ba là, về vấn đề phân bổ vốn cho các bộ, ngành, Bộ Tài chính đã phân bổ vốn cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Thủ tướng đã có quyết định, còn các bộ, ngành khác theo đăng ký từ đầu năm. Như vậy, còn nội dung chưa phân bổ, chưa báo cáo Thường vụ Quốc hội vì phải chờ nghị định về vấn đề chi thường xuyên.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài chính nêu rõ một số vấn đề còn vướng mắc.
Thứ nhất, một số địa phương chưa xây dựng kế hoạch chuyển đổi số và thực hiện về thương mại điện tử, phát triển công nghệ thông tin. Về phân cấp quản lý quản lý ngân sách, phải dùng ngân sách địa phương nhưng có những địa phương ngân sách yếu, Nhà nước phải hỗ trợ.
Một số bộ, ngành cũng chưa có đăng ký từ đầu năm nên cơ sở phân bổ rất khó. Sau khi các bộ, ngành có đề xuất, Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng có thể dùng một phần dự phòng ngân sách để cấp cho phần này.
Thứ hai, về xây dựng và chia sẻ dữ liệu, hiện nay việc chia sẻ dữ liệu thuế, mã số thuế định danh theo căn cước công dân, đến ngày 3/6/2024 đạt 97,57%.
"Đây là nội dung tích cực của ngành tài chính bởi phải làm sạch dữ liệu, tập hợp dữ liệu, công nghệ phù hợp thì mới chia sẻ được", Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá.
Về sự phối hợp của ngành ngân hàng, được giao thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán nhằm hỗ trợ cho công tác quản lý thuế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, đầu tháng 11/2023, Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với cơ quan thuế và chỉ đạo ngân hàng và trung gian thanh toán kết nối cung cấp thông tin với các cơ quan thuế.
Đến nay, các tổ chức tín dụng cung cấp cho Bộ Tài chính hơn 130 triệu tài khoản thanh toán của người nộp thuế.
"Trong quá trình triển khai Đề án 06 và Chỉ thị 18 phát sinh một số vướng mắc như sau: thông tin, dữ liệu về tài khoản thanh toán của người nộp thuế là các thông tin nhạy cảm, đòi hỏi việc xử lý, tổng hợp cẩn thận, đáp ứng quy định về bảo vệ bí mật thông tin khách hàng và bảo vệ dữ liệu cá nhân".
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã đề nghị Bộ Tài chính thống nhất giao Tổng cục Thuế là đơn vị đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin tài khoản thanh toán của người nộp thuế từ các tổ chức tín dụng và cho phép các cơ quan quản lý khác khai thác thông tin từ cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thuế.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn chuẩn hoá về dữ liệu, quy định về phương thức kết nối, chia sẻ thông tin của các tổ chức tín dụng cung cấp.
Từ đó, đảm bảo đáp ứng việc kết nối để chống thất thu thuế nhưng vẫn bảo vệ được dữ liệu cá nhân.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng chia sẻ dữ liệu về 929 sàn giao dịch thương mại điện tử tương ứng với 847 doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử (một doanh nghiệp có thể sở hữu nhiều sàn) và 284 ứng dụng bán hàng trên mạng.
Cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính đã thống nhất danh mục dữ liệu kết nối, chia sẻ với Bộ Tài chính (cơ quan thuế) 130 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, quảng cáo, phát thanh, truyền hình.
7 GIẢI PHÁP GIÚP TĂNG THU
Đề xuất một số giải pháp quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ thứ nhất, kết nối dữ liệu, liên thông đồng bộ giữa các bộ, ngành, đặc biệt dữ liệu dân cư, dữ liệu thương mại điện tử, dữ liệu thanh toán qua ngân hàng… để đối chiếu một cách nhanh chóng yêu cầu kê khai nộp thuế, yêu cầu thanh tra kiểm tra.
Thứ hai, rà soát hoàn thiện pháp luật. Các bộ luật liên quan đến thương mại điện tử từ năm 2014 cho nên cần phải rà soát lại các nghị định, thông tư liên quan để sửa.
Thứ ba, xây dựng Cổng Thông tin đăng ký kê khai thuế của sàn thương mại điện tử trong nước, đôn đốc kê khai, chọn thanh tra, xử lý một số trường hợp trốn thuế.
Thứ tư, định danh và xác thực điện tử, đồng bộ liên thông dữ liệu thông tin hàng hóa.
Thứ năm, áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Thanh toán không dùng tiền mặt càng phổ biến thì quản lý và thu thuế càng cao.
Thứ sáu, sửa đổi Nghị định số 117/2018/NĐ-CP ngày 11/9/2018 về việc giữ bí mật, cung cấp thông t in khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thứ bảy, quản lý hoạt động thương mại điện tử qua mạng xã hội để thu thuế vì giờ người dân livestream, bán hàng qua mạng xã hội rất nhiều. Theo sát mạng xã hội cùng với việc đối chiếu với ngân hàng sẽ thu được nguồn thuế rất lớn.