03:00 05/03/2007

“Nhà đầu tư phải tự rút ra bài học”

Lan Anh thực hiện

Hỏi chuyện TS. Nguyễn Quang A, thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (VP Bank)

"Thị trường chứng khoán có thể đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa."
"Thị trường chứng khoán có thể đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa."
Hỏi chuyện TS. Nguyễn Quang A, thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (VP Bank).

"Quản lý được mà không can thiệp quá sâu"

Năm 2006 vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam có sự tăng trưởng rất lớn và trở thành một tiêu điểm nóng trong nền kinh tế. Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển đó?

Thị trường chứng khoán Việt Nam còn tương đối mới, trong 6 - 7 năm hoạt động thì năm 2006 là năm hoạt động rất sôi nổi. Có một điểm rất tốt là ý thức của người dân và những người bỏ tiền vào thị trường chứng khoán đã tăng nhiều.

Tất nhiên với một thị trường mới nổi còn nhỏ, sơ khai thì những hiện tượng mà báo chí nói là chạy theo phong trào đó là chuyện rất bình thường. Không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà ở tất cả các thị trường chứng khoán trên thế giới. Nhiều người lo ngại, nhiều người nói là ảo, cũng không phải hoàn toàn như vậy.

Tôi đánh giá thị trường phát triển như vậy rất là tốt. Các nhà đầu tư trên thị trường rồi sẽ phải tự mình học lấy qua cái thắng lợi và cái thất bại kinh doanh của chính mình trên thị trường. Vì thị trường chứng khoán là thị trường biến động một cách nhanh chóng và khó tiên liệu được.

Cách đây vài hôm, không ai có thể tiên liệu được thị trường chứng khoán Thượng Hải trong một ngày sụt tới tám phẩy mấy phần trăm. Chính vì thế, có thể nhận thấy thị trường chứng khoán là thị trường rất mất ổn định. Do đó, cái khó của cơ quan quản lý Nhà nước và các nhà chức trách là làm sao quản lý được nó những mà lại không can thiệp quá sâu.

Thực sự là thị trường chứng khoán Việt Nam 2006 đã tăng trưởng rất ngoạn mục. Nhưng so với các thị trường chứng khoán trên thế giới thì còn rất là nhỏ bé, kể cả về tỷ trọng vốn hoá của các công ty trên thị trường chứng khoán còn nhỏ so với GDP, nhỏ về mặt tổng khối lượng các công ty.

Nhiều người háo hức tham gia vào thị trường, nếu Nhà nước biết cách điều tiết khéo thì đó là một công cụ rất hữu hiệu để cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian ngắn. Đó là một lợi thế không phải nơi nào cũng có mà chỉ có vài nước có được, khi mà tỷ trọng doanh nghiệp quốc doanh lớn như Việt Nam.

Làm sao để nó minh bạch hơn, công khai hơn thì thị trường chứng khoán là một cơ chế có thể giúp cho sự minh bạch và công khai ấy và có thể đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa. Vì từ trước đến nay lực cản lớn đối với cổ phần hóa là chính các lãnh đạo của các công ty không muốn cổ phần hóa vì sợ mất quyền lực nếu đưa ra thị trường, bán cổ phần của Nhà nước với giá thị trường, hợp lý.

"Nếu có sụp thì cũng đừng đến nỗi sụp khủng khiếp quá"

Nhiều chuyên gia kinh tế, rồi các quan chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang rất lo ngại về tình trạng đầu tư theo phong trào? Nhưng ông cho rằng đây là một tín hiệu đáng mừng? Ông có thể cho biết rõ hơn?

Thực ra báo giới và các quan chức Nhà nước nói các nhà đầu tư chạy theo phong trào, tâm lý “bầy đàn” thì cũng không có gì sai.

Vì ở những nước phát triển thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư cũng đầu tư theo phong trào. Thế nên tâm lý đám đông không có gì là ngạc nhiên. Biết chuyện ấy thì các nhà chức trách phải có cách ứng xử thế nào cho phù hợp.

Tôi nghĩ ở ở Việt Nam với sự phát triển rất sơ khai mà nhiều người quan tâm như thế là một điều rất hay. Trong khi ở các nơi khác người ta phải mất vài trăm năm để xây dựng thị trường rồi người dân mới biết cách ứng xử với nó. Nếu mình biết cách ứng xử tốt thì nó là một cơ hội để cho các doanh nghiệp, để cho Nhà nước tận dụng tối đa những cái hay của thị trường và cố gắng giảm bớt những cái dở của thị trường.

Vì trên đời này không có cái gì chỉ có cái hay mà không có cái dở... Vấn đề là để nó phát triển, nếu có sụp thì cũng đừng đến nỗi sụp khủng khiếp quá. Để nếu nó sụp thì chịu đựng được chứ đừng để nhiều người phải nhảy lầu tự tử, mất hết tài sản. Vai trò của quản lý Nhà nước là ở chỗ đó.

Tất nhiên, thị trường chứng khoán và thị trường tài chính thì biến động rất khôn lường.

"Không có chuyện không kiểm soát"

Ông đánh giá thế nào về việc Nhà nước đang kiểm soát vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán? Liệu điều đó có làm hạn chế sự đổ vốn của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường tài chính Việt Nam?

Tôi nghĩ việc kiểm soát là hoàn toàn đúng, ở nước nào cũng thế, không có chuyện Nhà nước không kiểm soát.

Vấn đề là Nhà nước kiểm soát thế nào. Ở một môi trường như Việt Nam, Nhà nước cần kiểm soát bằng các chính sách kinh tế hơn là các biện pháp tài chính, buộc các nhà đầu tư chỉ được rút vốn sau 12 tháng... tôi nghĩ là nếu mà làm không cân nhắc thì có thể gây ra hậu quả lớn.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc vừa rồi đã tăng liên tục. Ai cũng biết là sẽ có lúc nó xuống nhưng không ai biết nó xuống vào thời điểm nào cả. Người ta chỉ đồn là Chính phủ Trung Quốc sẽ đánh thuế thế này thế kia thì ngay lập tức nó sụt. Nhưng chuyện nó sụt thì khó tránh khỏi.

Có thể nói thị trường tài chính là thị trường bất ổn định từ ngay trong nội tại của nó, cho nên việc đưa ra chính sách kiểm soát không phải là dễ.

"Bán cổ phần doanh nghiệp Nhà nước không cần vội"

Ông nói đến việc thị trường chứng khoán tăng trưởng sẽ là cơ hội tốt để bán cổ phần Nhà nước. Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế của Tp.HCM lại cho rằng khi bán cổ phần Nhà nước trong thời điểm hiện nay có khi gây ra rủi ro cho thị trường chứng khoán. Vậy phải chăng có sự mâu thuẫn?

Tôi nói đây là cơ hội để đẩy nhanh hơn việc bán cổ phần doanh nghiệp Nhà nước. Bán không cần vội, bán từ từ để chu kỳ hưng thịnh của nó kéo dài ra, chứ không lên đỉnh nhanh quá.

Quan trọng là bán cái phần của Nhà nước trong doanh nghiệp quốc doanh thì không có nghĩa là Nhà nước mất tài sản, Nhà nước phải thu tiền bán tài sản về cho kho bạc Nhà nước để đầu tư vào y tế, giáo dục và để trả nợ nước ngoài. Tức là việc cai quản tiền bạc của Nhà nước thì cổ phần hóa gắn với thị trường chứng khoán là một trong những cơ hội để mình làm hiệu quả nhất.

Tất nhiên, Nhà nước bán ồ ạt thì giá nó phải xuống và Nhà nước phải có một lộ trình. Nếu một doanh nghiệp Nhà nước làm ăn tốt mà Nhà nước cứ dứt khoát phải giữ 60% thì giá khác, mà nếu Nhà nước chỉ nắm giữ dưới 51% thì giá khác.