16:45 18/08/2023

Nhiều dấu hiệu hồi sinh, Bộ Tài chính tiếp tục tìm cách khôi phục lại thị trường trái phiếu

Ánh Tuyết

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục tháo gỡ vướng mắc cho thị trường trường trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và đôn đốc doanh nghiệp trả nợ trái phiếu đến hạn...

Kể từ quý 2, tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu cải thiện. Đến nay có 36 doanh nghiệp phát hành riêng lẻ với giá trị trên 62.000 tỷ đồng.
Kể từ quý 2, tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu cải thiện. Đến nay có 36 doanh nghiệp phát hành riêng lẻ với giá trị trên 62.000 tỷ đồng.

Ngày 18/8, tại trụ sở Bộ Tài chính diễn ra cuộc họp lần thứ 4 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về ổn định hoạt động thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì cuộc họp.

BƯỚC ĐẦU PHỤC HỒI NHƯNG CÒN NHIỀU GIAN KHÓ

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), trình bày tóm tắt dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 và kiến nghị các giải pháp.

Theo ghi nhận, trong giai đoạn từ 2017-2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh, góp phần từng bước phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tín dụng ngân hàng theo chủ trương và định hướng phát triển, từ đó, hình thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hữu hiệu cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thị trường thời gian qua tăng trưởng nóng, phát sinh một số rủi ro từ cả doanh nghiệp phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư cá nhân. Năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp biến động mạnh do những vụ việc vi phạm pháp luật; đồng thời, kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính trong và ngoài nước diễn biến phức tạp, lãi suất tăng, có thời điểm thanh khoản của nền kinh tế gặp khó khăn.

Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt để ổn định thị trường thông qua triển khai đồng bộ các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô; điều hành hợp lý chính sách tài khóa như: giảm, giãn, hoãn thuế, hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công. Cùng với đó, chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, đảm bảo thanh khoản, giảm lãi suất, tạo thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng, giãn nợ, chuyển nhóm nợ... Những chính sách kể trên góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có thị trường bất động sản.

 

Theo dự thảo báo cáo, từ đầu năm đến ngày 28/7, có 36 doanh nghiệp phát hành riêng lẻ với khối lượng 62,3 nghìn tỷ đồng, giảm 77,8% so với cùng kỳ năm 2022; chủ yếu của doanh nghiệp bất động sản (chiếm 54,2%), tiếp đến là tổ chức tín dụng (31,6%). Trong đó có khoảng 60,5% trái phiếu phát hành có tài sản đảm bảo.

Với việc triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp để ổn định thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kể từ quý 2/2023 tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu cải thiện và tâm lý nhà đầu tư dần ổn định trở lại, một số tổ chức chủ động mua lại trái phiếu để cơ cấu lại nguồn vốn.

Hoạt động đàm phán cơ cấu lại trái phiếu tiếp tục được triển khai giúp tổ chức phát hành trước mắt có thêm thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh và tạo ra dòng tiền trả nợ, tạo điều kiện cho việc cải thiện tháo gỡ áp lực thanh khoản về lâu dài.

Tuy nhiên, dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần ổn định trở lại nhưng chưa phục hồi. Theo lý giải của lãnh đạo Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, do nền kinh tế khó khăn nên nhu cầu vốn của doanh nghiệp giảm.

Bên cạnh đó, cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp liên tục giảm do theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm từ năm 2023 không được đầu tư một số sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp.

Ngoài ra, nhà đầu tư cá nhân còn rất thận trọng. Doanh nghiệp và tổ chức cung cấp dịch vụ quan ngại việc thanh kiểm tra nên lựa chọn phương thức vay vốn khác.

NHIỀU GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG, NHẤN MẠNH XỬ NGHIÊM VI PHẠM 

Dù vậy, việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đang theo đúng định hướng về phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tín dụng; giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu, giữa trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, các doanh nghiệp bước đầu tăng huy động vốn từ phát hành trái phiếu, giảm sự phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng. Nhà đầu tư có thêm sản phẩm đầu tư trên thị trường vốn. Các doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức tín dụng huy động được nguồn vốn trung, dài hạn.

Bên cạnh đó, thông tin thị trường ngày càng minh bạch hơn với việc yêu cầu công bố thông tin tập trung trên hệ thống chuyên trang thông tin của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đối với cả doanh nghiệp phát hành và tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu.

Đáng chú ý, dự thảo báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại hạn chế của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nguyên nhân, đồng thời, kiến nghị một số giải pháp trong thời gian tới.

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành như: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an (Công an TP. Hà Nội, Công an TP. Hồ Chí Minh), Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp là thành viên Tổ công tác về cơ bản đều đồng tình với nội dung dự thảo báo cáo của Bộ Tài chính. 

Bên cạnh đó, đại diện các đơn vị cũng trao đổi, góp thêm nhiều ý kiến đối với dự thảo báo cáo như: bổ sung đánh giá về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện tại; bổ sung các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, minh bạch; đề xuất nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa các thành viên Tổ công tác…

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Tổ trưởng Tổ công tác, đánh giá cao sự phối hợp tích cực của các bộ, ngành, thành viên Tổ công tác trong thời gian qua và sẽ ghi nhận, tiếp thu các ý kiến góp ý, sớm hoàn thiện báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng cũng đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu để có những biện pháp phù hợp, kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới.

Giải pháp đầu tiên nhận được sự thống nhất cao là tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến thị trường, trong đó nhấn mạnh đến phạm vi trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Các giải pháp tiếp theo là tiếp tục triển khai các giải pháp về điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường bất động sản, hoạt động sản xuất kinh doanh…

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng lưu ý các biện pháp bổ sung như tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu đối với nhà đầu tư, đặc biệt là trách nhiệm trả nợ trái phiếu đến hạn.

"Bộ Tài chính sẽ kiểm soát chặt, kiểm soát thường xuyên, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, phát hiện các trường hợp thao túng, gian lận sẽ chuyển cơ quan điều tra, công khai thông tin về các vụ việc vi phạm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.