17:28 18/11/2022

Nhiều địa phương hỗ trợ mức đóng bảo hiểm cho người dân

Nhật Dương

Chỉ trong năm 2022, đã có 13/63 tỉnh hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng…

Tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội đến người dân. Ảnh - Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội đến người dân. Ảnh - Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến nay nhiều tỉnh đã thực hiện hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tự đóng ngoài mức quy định của Nhà nước.

Cụ thể, trong năm 2022, có 13/63 tỉnh hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; 57/63 tỉnh hỗ trợ thêm từ 10-30% mức đóng bảo hiểm y tế cho người tham gia thuộc hộ cận nghèo; 27/63 tỉnh hỗ trợ người làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình với nhiều mức khác nhau (3%, 10%, 15%, 20%-70%).

Có 24/63 tỉnh hỗ trợ người thuộc hộ nghèo đa chiều tham gia bảo hiểm y tế với nhiều mức khác nhau; 28/63 tỉnh hỗ trợ thêm cho đối tượng học sinh sinh viên tham gia bảo hiểm y tế theo nhiều mức (3%, 5%, 10%-30%); 19/63 tỉnh hỗ trợ người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình với mức từ 20-30%.

Ngoài ra, một số tỉnh khác còn có chính sách hỗ trợ thêm cho người tham gia bảo hiểm y tế là người cao tuổi (dưới 80 tuổi), người thu gom rác…

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, đến nay, diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng. Số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng từ 2,3 triệu người năm 1995 lên trên 16,5 triệu người vào năm 2021 (gấp 7,2 lần).

Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng từ 6.000 người năm 2008 lên 1,45 triệu người vào năm 2021 (gấp 241,7 lần). Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng từ gần 6 triệu người năm 2009 lên 13,4 triệu người vào năm 2021 (gấp 2,24 lần). Số người tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 7,1 triệu người năm 1995 lên 88,8 triệu người vào năm 2021 (gấp 12,5 lần), đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số.

Đặc biệt, trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vừa qua, toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện có hiệu quả các gói hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ với tổng chi phí trên 47,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 54,3% trên tổng các gói hỗ trợ Covid-19 của Chính phủ.

Trong thành tích ấy có sự đóng góp quan trọng từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương trong quá trình triển khai, thực hiện.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thực tế cho thấy, ở đâu cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo quyết liệt thì công tác tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đạt được những kết quả tích cực.

Sự vào cuộc đó đã thực sự phát huy hiệu quả, nhất là trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tích cực tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhằm tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, góp phần đẩy mạnh công tác đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân, tạo động lực để phát triển bền vững đất nước.

Để tiếp tục phấn đấu hoàn thành mục tiêu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân đã được đề ra trong các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, thời gian tới, công tác tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tiếp tục cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các địa phương.

Qua đó, góp phần củng cố, tạo sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và sự đồng thuận cao của xã hội trong tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.