10:05 14/03/2007

Những tín hiệu lạc quan từ kinh tế EU

Trung Việt

Mức tăng trưởng cao của Liên minh châu Âu (EU) được dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2007, đạt 2,7%

Sự phục hồi của kinh tế Đức, nền kinh tế lớn nhất Eurozone, đóng vai trò quan trọng trong sự phục hồi của kinh tế EU.
Sự phục hồi của kinh tế Đức, nền kinh tế lớn nhất Eurozone, đóng vai trò quan trọng trong sự phục hồi của kinh tế EU.
Ủy ban châu Âu (EC) vừa đưa ra dự báo mức tăng trưởng cao của Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2007, đạt 2,7%.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các nền kinh tế lớn thuộc EU cũng đưa ra những dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng trong năm nay. Đồng thời, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa tăng lãi suất đồng Euro thêm 0,25%, lên mức 3,75%.

Các nhà kinh tế cho rằng để đạt được các mục tiêu nêu trên, ECB cần phải dựa vào mức tăng trưởng cũng như xu hướng lạm phát do việc tăng giá sản xuất, nhu cầu về lương và các khoản tín dụng để tăng mức lãi suất ngân hàng.

Đầu tháng 3 vừa qua, ECB đã nâng dự báo lạm phát và tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng Euro năm 2008, nhằm mở đường cho việc tăng lãi suất trong thời gian tới.

Đẩy nhanh cải cách, thúc đẩy tăng trưởng

Hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2007, ngày 9/3, kết thúc Hội nghị cấp cao mùa xuân 2007 của EU tại Brussels (Bỉ), lãnh đạo 27 nước thành viên EU đã thông qua văn bản cam kết với 42 điểm, trong đó nhấn mạnh, trong thời gian tới sẽ đẩy nhanh tiến độ cải cách, thực hiện các biện pháp cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng, củng cố tính cạnh tranh trong EU và cải thiện việc làm tại thị trường nội khối.

Các nước EU nhất trí gắn kết hai khái niệm "Môi trường - Kinh tế". Theo đó, EU sẽ chú trọng thực hiện các biện pháp để đối phó với hiện tượng khí hậu toàn cầu ấm lên thông qua việc phát triển các công nghệ "sạch", tiết kiệm năng lượng, hạn chế tối đa lượng khí thải CO2.

Số liệu mới được công bố của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, trong năm 2006, mức tăng trưởng của 12 nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đạt 2,6%, thấp hơn so với dự đoán ban đầu (2,7%), nhưng vẫn là mức tăng trưởng cao nhất của khu vực đồng Euro trong 6 năm qua.

Năm 2005, GDP của khu vực này chỉ tăng 1,4%. Trong khi đó, mức tăng trưởng của toàn bộ 25 nước thành viên cũ của EU đạt 2,9% trong năm qua.

Eurostat cho rằng kinh tế Eurozone năm 2006 đạt mức tăng trưởng cao nhờ sự hồi phục của kinh tế Đức và Italy, trong khi xuất khẩu và đầu tư của khối này tăng mạnh trong quý 4 năm ngoái. Kết quả này đã giúp kinh tế EU (tính 25 nền kinh tế thành viên cũ) tăng trưởng 2,9% năm 2006, so với 1,7% năm 2005.

Bắt đầu từ ngày 1/1/2007, Eurozone có 13 nước thành viên (thêm Slovenia) và EU có thêm 2 thành viên là Bungari và Rumania, nâng tổng số thành viên của liên minh này lên con số 27.

Cùng thời điểm EC đưa ra dự báo về kinh tế châu Âu nói trên, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và một số nước châu Âu cũng đã đưa ra những dự báo khả quan về kinh tế đất nước trong năm 2007 này.

Trong bản đánh giá thường niên về nền kinh tế Anh-nền kinh tế có ảnh hưởng lớn trong EU- công bố hôm 5/3, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Anh từ mức 2,7% đưa ra hồi tháng 9/06 lên 2,9%. Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo về tình trạng phát triển bong bóng của của thị trường bất động sản Anh.

Trong khi đó, ngày 6/3, Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp công bố báo cáo về "triển vọng kinh tế", trong đó dự báo kinh tế nước này sẽ đạt mức tăng trưởng 2-2,5% trong năm 2007 và 2008.

Tại Pháp, tỷ lệ thất nghiệp dự báo sẽ tiếp tục giảm trong năm 2007 và 2008, so với mức 8,6% hiện nay. Dự đoán, kinh tế Pháp sẽ tạo ra trên 230.000 việc làm trong năm 2007 và sức mua của nền kinh tế ước đoán cũng tăng gần 2,5% trong năm 2008. Bộ này cũng dự báo giá dầu thô thế giới sẽ đứng ở mức 65 USD/thùng và tỷ giá đồng Euro trung bình ở mức 1 Euro đổi 1,3 USD.

ECB tiếp tục tăng lãi suất

Trong bối cảnh kinh tế châu Âu đang trên đà phục hồi và phát triển khả quan, hôm 8/3, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tiến hành tăng lãi suất đồng Euro thêm 0,25% lên mức 3,75%.

Đây đã là lần thứ 7, ECB tiến hành tăng lãi suất kể từ tháng 12/2005 nhằm tìm kiếm một mức lãi suất “trung tính” không có ảnh hưởng dù tích cực hay tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, mức lạm phát của khu vực sử dụng đồng Euro đã gần xấp xỉ mức 2% theo dự báo của ngân hàng này.

Phát biểu của Trichet cho thấy rất có thể ECB sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất đồng Euro. Tuy nhiên, mức tăng và thời điểm của lần tăng lãi suất tiếp theo vẫn còn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Giới phân tích cho rằng, rất có thể, ECB sẽ nâng lãi suất đồng Euro lên 4% vào tháng 6 tới, đồng thời cũng nhận định rằng mức lãi suất 3,75% của ECB đã xấp xỉ một mức lãi suất trung tính, một mức lãi suất không có ảnh hưởng đến sự gia tăng lạm phát.

Những số liệu mới nhất của Eurostat cũng cho biết, mặc dù tình hình kinh tế khả quan, nhưng doanh số bán lẻ của 13 nước thành viên Eurozone trong tháng 1/2007 đã giảm 1,0% so với tháng trước đó, do thuế giá trị gia tăng (VAT) ở Đức tăng từ 16% lên 19% đã ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất Eurozone này.

Doanh số bán lẻ tại Đức, chiếm 27,7% tổng doanh số bán lẻ của Eurozone, trong tháng 1/2007 đã giảm 5,1% so với tháng 12/2006 và thấp hơn 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, doanh số bán yếu kém ở Đức sẽ khiến doanh số của cả ngành bán lẻ Eurozone sa sút trong cả quý đầu năm 2007.