10:50 04/12/2024

Nợ xấu sẽ giảm nhẹ trong quý 4, nhiều cổ phiếu ngân hàng có định giá hấp dẫn?

Thu Minh

Hầu hết các ngân hàng tư nhân lớn đang giao dịch quanh mức P/B 1.2-1.4 lần, vẫn dưới trung bình ngành nên các cơ hội hấp dẫn hơn nằm ở các ngân hàng như CTG, VIB, TPB, TCB và VPB.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

VPBankS vừa có báo cáo cập nhật triển vọng cổ phiếu ngân hàng với điểm nhấn nhiều cổ phiếu nhóm này vẫn đang ở vùng giá hấp dẫn. 

NHIỀU CỔ PHIẾU NGÂN HÀNG CÓ ĐỊNH GIÁ RẺ 

Cho đến ngày 18/11/2024, thống kê dữ liệu thị trường cho thấy khối ngoại đã bán ròng 85.243 tỷ từ đầu 2024 đến giờ, cũng là mức bán ròng mạnh nhất trong 8 năm trở lại đây. Tuy nhiên toàn ngành ngân hàng bị bán ròng 18.540 tỷ, tương đương mức đóng góp 22% trong khi vốn hóa ngành ngân hàng chiếm tới 40% vốn hóa thị trường.

Hơn nữa, năm nay ngành ngân hàng có sự kiện cổ đông chiến lược cũ của ngân hàng VIB là Commonwealth Bank (CBA) thực hiện thoái 15% vốn, đóng góp chủ yếu vào lượng bán ròng của khối ngoại. Nếu bỏ sự kiện bất thường này và coi như nó không xảy ra thì lương bán ròng của ngành ngân hàng chỉ đóng góp khoảng 12% tổng lượng bán ròng toàn thị trường.

Ghi nhận đến nay ngành ngân hàng có 4 cổ phiếu đang full room ngoại là VIB, MBB, TCB và ACB. Do vậy có thể thấy ngành ngân hàng không phải là
đối tượng chính mà các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn để thoái vốn.

Hiện tại về PB của ngành là khá hấp dẫn so với lịch sử khi chỉ có 1.5 lần, tiệm cận mức -1 STD, và thấp hơn nhiều so với mức trung bình 10 năm 1.8 nên so với lịch sử thì P/B hiện tại đang giao dịch ở một mức khá hấp dẫn.

Đến cuối quý 3 chỉ có 5 ngân hàng có mức P/B tương đương mức trung bình ngành trở lên, trong đó ngoài VCB và BID vẫn luôn giữ vị trí cao hơn trung bình ngành thì còn có LPB, EIB là 2 ngân hàng có vị thế nhỏ trong ngành và chưa thể hiện tiềm năng tăng trưởng, do vậy 2 ngân hàng này đang được thị trường định giá cao.

Hầu hết các ngân hàng tư nhân lớn đang giao dịch quanh mức P/B 1.2-1.4 lần, vẫn dưới trung bình ngành nên các cơ hội hấp dẫn hơn nằm ở các ngân hàng như CTG, VIB, TPB, TCB và VPB.

DỰ BÁO LỢI NHUẬN NĂM 2025 CHỈ TĂNG NHẸ

Một số điểm nhấn chính của nhóm ngân hàng như tính đến hết 9 tháng năm 2024 lợi nhuận đạt 218.206 tỷ đồng, hoàn thành 74,3% dự báo lợi nhuận cả năm 2024. Trong Q3/2024, lợi nhuận trước thuế đạt 70.143 tỷ đồng tăng 18% so với cùng kỳ.

Tăng trưởng tín dụng của ngành đã đạt 10,08% tính đến hết tháng 10/2024. Một số ngân hàng tư nhân ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao trong Q3 như TPB (+9,7% chỉ trong Q3); BVB (+7,8% chỉ trong Q3) và VIB (+7% chỉ trong Q3). Mặt khác, những ngân hàng đã tăng trưởng mạnh trong 6T2024 như LPB và ACB chững lại và chỉ tăng 1% trong Q3, dù có dư địa tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác.

NIM bị thu hẹp từ 20-30 điểm cơ bản ở hầu hết các ngân hàng. Tỷ lệ CASA của toàn ngành giảm nhẹ xuống 20,7% từ mức 21,4% trong quý trước, nhưng vẫn cao hơn so với Q3/23 là 19,3%. Chi phí vốn của ngành giảm mạnh từ 5,2% trong Q3/23 xuống 3,9% trong Q3/24. NIM bị thu hẹp trong 6 tháng qua và xu hướng này sẽ tiếp tục trong những năm tới do cạnh tranh gay gắt và chi phí vốn tăng lên.

Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ dẫn tới nhiều quan ngại về chính sách bảo hộ thương mại có thể gây ảnh hưởng tới thương mại toàn cầu, ảnh hưởng GDP toàn cầu trong năm tới và việc chính sách thuế gia tăng trên toàn cầu có thể đem áp lực lạm phát toàn cầu quay trở lại và cản trở quá trình giảm lãi suất của FED, EU.

VPBankS đã đặt ra các kịch bản kỳ vọng thấp hơn vào lộ trình giảm lãi suất của FED, dự báo USD duy trì sức mạnh tương đối so với mức hiện tại. Đối với Việt Nam, áp lực tỷ giá là một yếu tố tác động quan trọng tới nền lãi suất và chính sách tiền tệ, theo đó dư địa nới lỏng tiền tệ sẽ hẹp hơn, nền lãi suất dưới áp lực tỷ giá sẽ không lợi cho COF của ngành ngân hàng và những ngân hàng có tỷ trọng casa cao sẽ chiếm ưu thế trong hạ thấp chi phí vốn huy động.

Do đó, CASA sẽ trở nên rất quan trọng đối với COF trong những năm tới, điều này có nghĩa là các ngân hàng cần chuẩn bị để phục vụ khách hàng bán lẻ tốt hơn nhằm duy trì lòng trung thành của họ trong việc sử dụng ngân hàng làm tài khoản thanh toán chính. Do vậy các ngân hàng sẽ phải đầu tư nhiều hơn vào công nghệ.

Nợ xấu của ngành có thể đạt đỉnh trong Q3 trước khi đi ngang hoặc giảm nhẹ trong Q4. Hiện tại, tỷ lệ nợ xấu của ngành đang ở mức 2,23%, đi ngang so với quý trước. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã giảm theo quý ở hầu hết các ngân hàng, kể cả các ngân hàng quốc doanh. Nợ nhóm 2 trong Q3/2024 giảm -10,3% trong khi ở Q3/2023 đã tăng 83%, đi cùng với tỷ lệ thu hồi nợ khá tốt ở các ngân hàng bán lẻ như VPB (tăng gấp 3 lần) và VIB (tăng gấp 2 lần) là tín hiệu tích cực cho NPL.

Nhưng với kịch bản nền kinh tế năm tới còn nhiều biến số, ảnh hưởng của cơn bão Yagi và Thông tư 02&06 hết hiệu lực, NPL sang năm sẽ đi ngang so với năm nay.

Cơn bão gây ra 13.500 vụ tổn thất trong thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, tương đương số tiền bồi thường 13.100 tỷ đồng, chiếm 16% trên tổng thiệt hại trên cả nền kinh tế (ghi nhận 81.800 tỷ đồng). Đối với ngành Ngân hàng, khoảng 192.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng, tương đương hơn 1% tổng dư nợ toàn ngành.

Ngoài việc số dư nợ bị ảnh hưởng chiếm một phần nhỏ trên tổng dư nợ hiện tại, các ngân hàng cũng có những động thái hỗ trợ nhanh chóng như giảm lãi suất và gia hạn thời gian trả nợ, từ đó giảm ảnh hưởng của cơn bão lên KQKD ngành tới mức tối thiểu.

Các chính sách của Trump sẽ giúp các doanh nghiệp tại Mỹ, nhưng lại gây tổn hại cho các doanh nghiệp ở nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) ở Việt Nam, khi mà SMEs chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam và đóng góp đáng kể vào GDP của quốc gia. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 7% vào năm 2025. Do đó, lãi suất có thể phải duy trì ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế. Do đó, lợi nhuận trong năm 2025 của ngành ngân hàng dự kiến sẽ chỉ tăng nhẹ so với năm 2024.