10:21 30/05/2022

Nội bộ EU lục đục về cấm vận dầu Nga

Đức Anh

Cuộc họp đặc biệt của các nhà ngoại giao cấp cao Liên minh châu Âu (EU) ngày 29/5 đã rơi vào bế tắc khi thảo luận những vấn đề xoay quanh lệnh cấm nhập khẩu đối với dầu mỏ từ Nga...

EU chưa tìm được tiếng nói chung trong chủ trương cấm vận dầu Nga - Ảnh: AP
EU chưa tìm được tiếng nói chung trong chủ trương cấm vận dầu Nga - Ảnh: AP

Bất đồng hiện nay xoay quanh đề xuất EU cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga qua đường biển nhưng cho phép nhập dầu qua đường ống trên đất liền. Với đề xuất này, các quốc gia như Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc sẽ tiếp tục được cung ứng dầu qua đường ống Druzhba từ Nga, chạy qua Ukraine.

Hơn ba tuần sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đề xuất ban hành một lệnh cấm hướng tới ngừng nhập khẩu hoàn toàn dầu mỏ từ Nga vào cuối năm nay, các nước thành viên EU vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Hungary, quốc gia phụ thuộc lớn vào dầu Nga, cho biết nước này cần 5 năm và 5 tỷ USD để nâng cấp hệ thống các nhà máy lọc dầu của mình.

Kết quả của cuộc họp này phủ bóng đen lên hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU diễn ra tại Brussels, Bỉ ngày 30-31/5, nơi các vấn đề về kinh tế, chính trị và việc hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine cũng như cuộc khủng hoảng nguồn cung thực phẩm toàn cầu sẽ được đưa ra thảo luận.

Các đại sứ EU sẽ nhóm họp trong buổi sáng ngày 30/5 (giờ địa phương) nhằm tiếp tục tìm tiếng nói chung về lệnh cấm vận dầu Nga.

“Việc này có thể thành công, có thể không, nhưng tôi cho rằng chúng tôi có trách nhiệm phải thử”, một quan chức cấp cao của EU nói với The Guardian. “Việc loại trừ các đường ống dẫn dầu khỏi lệnh cấm vận của EU sẽ bảo vệ khoảng 1/3 dầu mỏ Nga nhập khẩu vào khối và đây vẫn là một nguồn doanh thu giá trị đối với Moscow”.

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy dự kiến sẽ tham gia cùng các nhà lãnh đạo EU qua hình thức trực tuyến trong ngày 30/5. Tuần trước, ông tuần trước đã lên tiếng chỉ trích việc EU không thể đi đến thống nhất về lệnh cấm vận dầu.

“Hãy nhìn vào số tuần mà EU đã thảo luận về gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga”, ông Zelenskiy nói hôm 26/5, đồng thời cho biết EU trả cho Nga gần 1 tỷ Euro (1,07 tỷ USD) mỗi ngày để nhập khẩu năng lượng. “Vì cớ gì mà những nước phản đối gói trừng phạt thứ 6 lại có nhiều quyền lực đến vậy?”.

 

Việc Hungary phản đối đồng nghĩa các biện pháp khác trong gói trừng phạt thứ 6 của EU nhằm vào Nga chưa thể đi vào thực thi. Các biện pháp này bao gồm thắt chặt hạn chế đối với nhiều ngân hàng Nga và đóng băng tài sản, cấm đi lại đối với hàng chục nhân vật cấp cao của Nga.

Khi ý tưởng về việc loại trừ nhập khẩu dầu qua đường ống khỏi lệnh cấm vận nhen nhóm vài tuần trước, một số nước thành viên EU đã lập tức phản đối. Các nước này cho rằng loại trừ như vậy mang lại lợi thế không công bằng đối với những quốc gia có thể tiếp tục mua dầu giá rẻ của Nga. Theo ước tính từ nội bộ EU, Hungary có thể hưởng lợi từ dầu rẻ hơn 35% so với các nước láng giềng. Tuy nhiên, sau nhiều tuần đình trệ, ngày càng nhiều quốc gia đang tìm cách phá vỡ sự bế tắc đó.

“Không đạt được thỏa thuận nào hoặc đẩy mọi thứ đi xa hơn là điều tồi tệ nhất. Nhưng những kết gượng ép cũng gây thất vọng không kém”, một nhà ngoại giao cấp cao EU đánh giá.

Vấn đề này làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa Hungary và các đồng minh Trung Âu truyền thống. Một nhà ngoại giao cấp cao của Ba Lan nói rằng họ không thể hiểu được logic trong chính sách của Budapest về vấn đề Ukraine. Người này cho việc Hungary phản đối lệnh cấm vận dầu Nga mang tính chính trị nhiều hơn về mặt kỹ thuật.

“Về mặt kỹ thuật, Hungary đã nhận được mọi thứ chính đáng”, người này nói, đề cập tới việc Budapest được cho phép hoãn áp lệnh cấm dầu Nga trong 2 năm để có thời gian cải tạo các nhà máy lọc dầu và xây dựng các tuyến dẫn dầu mới từ nước láng giềng Croatia.

Theo một số chuyên gia, EU không nên vội vàng tiến tới thỏa thuận về việc loại trừ nói trên, bởi vì lệnh cấm vận dầu Nga theo đề xuất phải tới cuối năm nay mới có hiệu lực. Trong khi đó, một số khác cho rằng sự chậm trễ sẽ phát đi tín hiệu chính trị đáng lo ngại trong bối cảnh các lực lượng của Nga dường như đang giành ưu thế ở Donbas phía Đông Nam Ukraine với các cuộc không kích và hỏa lực pháo binh liên tiếp.

Hungary càng khiến một số quốc gia EU “nóng mặt” khi cho rằng vấn đề này không nên được đưa ra thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh ngày 30/5.

“Việc này chỉ càng cho thấy sự chia rẽ trong nội bộ của chúng ta mà không mang lại cơ hội thực tế nào để giải quyết các bất đồng”, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán tuần trước đã nói Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel – người sẽ chủ trì hội nghị.

Thủ tướng Hungary Viktor Orbán - Ảnh: Getty Images
Thủ tướng Hungary Viktor Orbán - Ảnh: Getty Images

Budapest đang tìm kiếm tài trợ từ EU để nâng các nhà máy lọc dầu trong nước – hiện chỉ có thể nhận dầu từ Nga. Ông Orbán phàn nàn rằng trong kế hoạch gần đây của Ủy ban châu Âu về việc ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch của Nga không đề cập nhiều chi tiết về nguồn hỗ trợ tài chính cho các quốc gia Trung Âu không giáp biển.

Hungary hiện ở vị thế dễ bị tổn thương bởi đường ống dẫn dầu Druzhba chạy qua Ukraine. Một quan chức cấp cao Ukraine tuần trước mô tả phần của đường ống này nối tới Hungary là một “đòn bẩy lớn”. Olena Zerkal, cố vấn của Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ukraine, cho biết sẽ “rất thích đáng nếu có điều gì đó xảy ra với đường ống dẫn dầu này”.

Việc Hungary phản đối đồng nghĩa các biện pháp khác trong gói trừng phạt thứ 6 của EU nhằm vào Nga chưa thể đi vào thực thi. Các biện pháp này bao gồm thắt chặt hạn chế đối với nhiều ngân hàng Nga và đóng băng tài sản, cấm đi lại đối với hàng chục nhân vật cấp cao của Nga.