13:00 01/08/2022

Nửa cuối năm 2022, có thể thiếu hụt lao động?

Thu Hằng

Dự báo nửa cuối năm, nhiều nhóm ngành tiếp tục “tăng tốc” tuyển dụng, việc thiếu hụt lao động là khó tránh khỏi, song có thể là không đáng kể…

Người lao động đăng ký tìm việc tại Hà Nội tháng 7/2022.
Người lao động đăng ký tìm việc tại Hà Nội tháng 7/2022.

Thị trường lao động tiếp tục có sự phục hồi và phát triển mạnh trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, nhu cầu tuyển dụng lao động trong các nhóm ngành tăng mạnh dẫn đến có tình trạng thiếu hụt lao động.

THIẾU HỤT LAO ĐỘNG LÀ KHÓ TRÁNH

Tại Hà Nội, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết trong thời gian vừa qua đơn vị này có nhận được phản hồi của các doanh nghiệp về việc thiếu hụt lao động hay khó tuyển dụng. Điều này có nguyên nhân từ việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động sâu rộng đến thị trường lao động, đặc biệt khi dịch bùng phát mạnh tại các địa phương phía Nam đã có một lực lượng lớn lao động dịch chuyển về quê. Chính vì vậy, khi nền kinh tế phục hồi và áp dụng các biện pháp mới trong công tác phòng chống dịch dẫn đễn các thị trường dần sôi động trở lại, từ đó khiến một số địa phương thiếu lao động cục bộ.

“Đây cũng là thực tế bình thường, bởi lẽ trong giai đoạn phục hồi, người lao động trở về địa phương có thể đã tìm kiếm được việc làm. Riêng tại Hà Nội, theo quan sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, mặc dù cũng có sự thiếu hụt lao động song điều này là quy luật của thị trường lao động, bởi rất khó đòi hỏi sự tiệm cận giữa cung và cầu”, ông Thành lý giải.

Theo thống kê từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, ngay như thời gian trước đây khi chưa có dịch bệnh, việc doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động cũng thường xuyên xảy ra. Bên cạnh đó, không phải người lao động nào cũng dễ dàng tìm kiếm được việc làm. “Hai bên vẫn đang tìm kiếm nhau, đó là lý do vì sao vẫn có sự chênh lệch giữa cung và cầu, hay cung không gặp cầu và ngược lại”, ông Thành nhận định.

Qua việc thường xuyên thực hiện kết nối với các doanh nghiệp nên Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận thấy dù có nhận được phản hồi về việc thiếu lao động tuy nhiên mức độ thiếu hụt tại Hà Nội không nhiều như các tỉnh khác. Trước đó, dịch bệnh có ảnh hưởng trực tiếp đến các khu công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nhưng chưa quá nghiêm trọng, bởi các doanh nghiệp đã tương đối chủ động trong công tác phòng, chống dịch.

Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực không thiết yếu trước đây bị ảnh hưởng, hay tạm dừng hoạt động như: Nhóm dịch vụ hàng không, du lịch có sự đình trệ, lực lượng lao động phải nghỉ việc lớn thì đến nay sau khi hoạt động bình thường đang cần tuyển dụng lao động rất nhiều. Hơn nữa, trong quá trình nghỉ việc nhiều người lao động cũng đã chuyển đổi nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, với các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất trước đó do dịch bệnh cũng phải hoạt động cầm chừng, thiếu đơn hàng, nguyên vật liệu do “ngăn sông cấm chợ”, đến nay khi quay trở lại đang cần tuyển lực lượng sản xuất, đặc biệt là nhóm lao động phổ thông rất cao, nhất là ở nhóm điện tử, may mặc hiện đang tiếp nhận những đơn hàng với số lượng tuyển dụng rất lớn. Đây cũng là những nhóm ngành đang thiếu lao động nhiều nhất trong thời điểm này.

NHIỀU NGÀNH NGHỀ TIẾP TỤC “KHÁT” LAO ĐỘNG

Trong bối cảnh doanh nghiệp tiếp tục có nhu cầu lớn về lao động, ông Thành cho biết, đơn vị này tiếp tục phối hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong tuyển dụng. Ngoài ra, không chỉ riêng tại Hà Nội, việc tuyển dụng sẽ có sự liên kết với các tỉnh, thành lân cận như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên… để giới thiệu nguồn lao động cho doanh nghiệp, qua đó phần nào đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhận định về thị trường lao động từ nay đến cuối năm, Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng với những tín hiệu phục hồi khả quan của nền kinh tế sẽ dẫn đến thị trường lao động tiếp tục khởi sắc. “Qua tiếp nhận các đơn hàng từ phía doanh nghiệp với nhu cầu rất đa dạng ở tất cả các lĩnh vực, vị trí việc làm, chúng tôi dự báo ngoài nhóm ngành sản xuất ra, một số đơn vị tuyển dụng số lượng lớn sẽ tập trung ở nhóm thương mại dịch vụ, du lịch, công nghệ thông tin”, ông Thành cho biết.

Riêng với nhóm ngành công nghệ thông tin, tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng do nhu cầu mở rộng và phát triển kinh doanh trong năm 2022. Công nghệ thông tin cũng là ngành không bị ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19 nên vẫn là ngành sôi động khi các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tuyển dụng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, thực tế nhóm ngành này đòi hỏi về số lượng không quá nhiều nhưng lại có rất nhiều đơn vị tuyển dụng, bởi cần có những vị trí việc làm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Ngoài ra, một số nhóm ngành khác cũng được dự báo sẽ có xu hướng tuyển dụng lớn trong thời gian tới là nhóm ngành chăm sóc sức khỏe, giao nhận hàng và công nghiệp chế biến…

Tại thị trường lao động lớn nhất cả nước là TP. HCM, theo dự báo của Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. HCM, từ nay đến cuối năm, nhu cầu tuyển dụng nhân lực của thành phố vào khoảng 136.000 - 150.000 người, tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ; công nghiệp - xây dựng và nông, lâm, thủy sản.

Trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng yếu gồm: Cơ khí; sản xuất hàng điện tử; chế biến lương thực thực phẩm, đồ uống; hóa dược - nhựa - cao su chiếm 20,12%. Chín ngành dịch vụ chính gồm: Thương mại; vận tải kho bãi; du lịch; bưu chính viễn thông; công nghệ thông tin; truyền thông; tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; kinh doanh tài sản - bất động sản; thông tin tư vấn khoa học - công nghệ; giáo dục - đào tạo; y tế, chiếm 52,89%.

Nhu cầu nhân lực có trình độ đại học trở lên chiếm 21,84%, cao đẳng (18,46%), trung cấp (25,88%), sơ cấp (20,4%); nhu cầu lao động chưa qua đào tạo (3,42%). Trong khi đó, nhu cầu việc làm của người lao động cũng tập trung ở các nhóm ngành kinh doanh, thương mại, hành chính - văn phòng – biên, phiên dịch, kế toán, nhân sự, marketing…