23:00 16/03/2008

Quỹ đầu tư “ôm” tiền đợi gì?

Duy Cường

Thị trường tuần qua đã ổn định hơn, nhưng diễn biến thị trường tuần tới và lượng cầu của nhiều quỹ đầu tư vẫn là điều bí ẩn

Ngày 17/3 là hạn cuối để các ngân hàng thương mại mua 20,3 nghìn tỷ tín phiếu bắt buộc từ ngân hàng Nhà nước. Nhiều người lo ngại sự kiện này sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán - Ảnh: Việt Tuấn.
Ngày 17/3 là hạn cuối để các ngân hàng thương mại mua 20,3 nghìn tỷ tín phiếu bắt buộc từ ngân hàng Nhà nước. Nhiều người lo ngại sự kiện này sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán - Ảnh: Việt Tuấn.
Thị trường tuần qua đã ổn định hơn, nhưng diễn biến thị trường tuần tới và lượng cầu của nhiều quỹ đầu tư vẫn là điều bí ẩn.

VN-Index tuần qua có những chuyển biến tích cực hơn. Biên độ dao động tăng, giảm đã không còn “đụng trần”, “chạm sàn” như diễn biến của tuần trước đó. VN-Index đóng cửa phiên cuối tuần ở mức 643,8 điểm.

Đáng chú ý, quan hệ cung cầu đã có sự cân bằng, giằng co hơn so với tuần trước. Càng về cuối tuần, khối lượng giao dịch “có giảm”, nhưng nhìn chung vẫn có hơn 10 triệu đơn vị được giao dịch mỗi phiên.

Theo Phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI): tuần qua là một tuần “nhạy cảm” của Vn-Index và cũng là một tuần “thử lửa” tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân. Điều đáng mừng là diễn biến tuần qua cho thấy tâm lý nhà đầu tư dường như đã ổn định hơn.

Đánh giá vai trò của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) trong tuần qua, chuyên gia kinh tế Tống Minh Tuấn (Phòng Phân tích và Tư vấn của IPA Invesment) cho rằng SCIC đang đóng vai trò tạo niềm tin cho nhà đầu tư, tức là thể hiện sự quan tâm của Chính phủ tới thị trường chứng khoán. "Cho nên, dù có thể SCIC giải ngân chưa nhiều, thị trường cũng đã có một niềm tin nhất định", ông nói.

Trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến việc SCIC đã mua bao nhiêu tiền, mua cổ phiếu nào? Tuy nhiên, ông Tuấn lại cho rằng lúc này nhà đầu tư không nên dành nhiều sự quan tâm đến SCIC, mà nên quan tâm đến niềm tin vào thị trường - niềm tin do chính họ tạo ra.

“Nếu SCIC chưa giải ngân nhiều mà thị trường đã tạm ổn định như hiện nay thì đó nên xem là dấu hiệu tốt. Ngược lại, sẽ rất nguy hiểm nếu nhà đầu tư cho rằng thị trường chứng khoán được Nhà nước "chống đỡ", vì như vậy niềm tin vào thị trường sẽ bị bóp méo, dẫn đến thị trường phục hồi giả tạo”, ông Tuấn nói.

VN-Index tuần này?

Ngày 17/3 là hạn cuối để các ngân hàng thương mại mua 20,3 nghìn tỷ đồng tín phiếu bắt buộc từ ngân hàng Nhà nước. Nhiều người lo ngại sự kiện này sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, đánh giá tác động của sự kiện này, ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Phân tích - Công ty Chứng khoán Quốc tế (VIS) cho rằng: thời gian qua - cùng với việc buộc phải thực hiện Quyết định 03 của Ngân hàng Nhà nước - có vẻ như nhiều ngân hàng thương mại đã chuẩn bị sẵn sàng.

"Số tiền đó tuy lớn, nhưng theo tôi nó sẽ tác động đến thị trường bất động sản mạnh hơn thị trường chứng khoán", ông nói.

Đáng chú ý, ông Bình (người có dự báo VN-Index tuần trước sẽ dao động trong khoảng giá trị 650 điểm) đã đưa ra nhận định VN-Index tuần này sẽ tiếp tục dao động xoay quanh giá trị 650 điểm.

Liên quan đến dự báo về thị trường chứng khoán, mới đây HSBC đã đưa ra khuyến nghị đây là khoảng thời gian “tích luỹ” để mua vào với mục tiêu dài hạn.

Đồng quan điểm với HSBC, SSI cho rằng: "Nhà đầu tư nên hướng về dài hạn và thực sự mua cổ phiếu theo đúng nghĩa ‘đầu tư’, tức là nên tìm hiểu kỹ về công ty mình có ý định đầu tư vào, tham gia Đại hội đồng cổ đông và có những yêu cầu cụ thể với Ban giám đốc, quan sát, đánh giá, theo dõi hoạt động kinh doanh của công ty và mua vào dần dần."

Còn nếu nhà đầu tư muốn kiếm lời nhanh, đây dường như không phải là thời điểm thích hợp.

Quỹ đầu tư “ôm” tiền đợi gì?

Bên cạnh nhiều quỹ đầu tư vẫn “âm thầm” mua mỗi khi thị trường đi xuống trong tuần qua, còn có một số quỹ vẫn “án binh bất động”, dù trước đó họ công bố “sẵn sàng” tung vốn để mua, thậm chí còn đưa ra khuyến nghị nhà đầu tư nên mua vào…

Một câu hỏi đặt ra, những quỹ này đang đợi gì?

Dưới góc độ một nhà phân tích, ông Tống Minh Tuấn nhận định: thị trường chứng khoán Việt Nam đang chờ các số liệu về tình hình lạm phát trong tháng 3 và tháng 4, bởi đây là yếu tố quan trọng tác động đến chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Và nhiều nhà đầu tư cũng đang có kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ có chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn.

Tuy nhiên, Phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư của SSI lại đưa ra một lý do khác nữa, đó là những diễn biến của nền kinh tế Mỹ và thế giới rất có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Dù có những quan ngại như vậy, nhưng trong giai đoạn hiện nay, liệu chúng đã đủ để trả lời câu hỏi vừa nêu?

Thử lý giải thêm, ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng: "Cũng có thể, họ đang chờ sự mất kiên nhẫn của nhà đầu tư cá nhân để mua cổ phiếu với giá rẻ hơn nữa!".

Trong bối cảnh thị trường chưa có nhiều thông tin hỗ trợ, các chính sách về thị trường chứng khoán còn cần thời gian để thực sự phát huy hiệu quả thì thị trường trong ngắn hạn khó có khả năng bứt phá. "Chính vì vậy, dù nhiều quỹ đầu tư vẫn có những tuyên bố mạnh dạn, nhưng họ chỉ ngồi nhìn và chờ đợi sự mất kiên nhẫn của thị trường, sau đó mua cổ phiếu với giá rẻ và rẻ hơn nữa, vì những mục tiêu lâu dài", ông Bình nói.