Sau nâng hạng, niềm tin là điều quan trọng
Nâng hạng thị trường chứng khoán đem tới cho Việt Nam nhiều cơ hội hút vốn “khủng” từ các nhà đầu tư nước ngoài; tuy nhiên, để thị trường phát triển mạnh và bền vững, cần thêm nhiều yếu tố...
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 ngày 28/2/2024, Chính phủ đã tiếp tục quyết tâm thực hiện mục tiêu nâng hạng khi giao thời hạn hoàn thành nhiệm vụ này cho các bộ, ngành vào năm 2025.
Những rào cản hiện nay về mặt kỹ thuật là có thể xử lý được, thế nhưng được nâng hạng không phải là “chén thánh” để thị trường phát triển mạnh và bền vững. Điều quan trọng với nhà đầu tư là niềm tin ở sự phát triển của các doanh nghiệp và họ được chia phần xứng đáng với đóng góp của mình.
NHỮNG RÀO CẢN CÓ THỂ XỬ LÝ ĐƯỢC
Việt Nam hiện đang ở nhóm thị trường cận biên theo xếp hạng của cả hai tổ chức là MSCI và FTSE Russell. Với FTSE Russell thì Việt Nam đang ở trong danh sách xem xét nâng hạng, các tiêu chí của FTSE Russell ít và dễ đáp ứng hơn so với MSCI. Vì vậy, chỉ cần đáp ứng được các tiêu chí cứng còn thiếu thì mục tiêu nâng hạng sẽ được hoàn thành.
Những rào cản chính hiện nay bao gồm việc giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, công bố thông tin bằng tiếng Anh thì các giải pháp xử lý cũng đã được cân nhắc hay chuẩn bị.
Với việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, một số ngành không mang tính trọng yếu thì có thể tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 70% thay vì 51% như hiện nay. Đối với việc ký quỹ thì cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) đã được chuẩn bị bởi Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán (VSDC). Việc công bố thông tin bằng tiếng Anh thì các doanh nghiệp niêm yết có thể thực hiện được dễ dàng trong một thời gian ngắn.
Bên cạnh một số rào cản chính cần tháo gỡ để nâng cao khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài, cũng còn một số quan ngại khác như vấn đề kiểm soát tỷ giá, vấn đề kiểm soát dòng vốn. Những vấn đề này cũng đã, đang và sẽ được cân nhắc để hài hòa lợi ích của các bên vì Việt Nam cũng cần có một số biện pháp phòng vệ cho chính mình.
Việc nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút thêm một dòng vốn mới và đáng kể, vì các quỹ đầu tư nước ngoài họ có nhiệm vụ phải giải ngân theo điều lệ cũng như cấu trúc sản phẩm, ví dụ như có một tỷ trọng nhất định cho các thị trường mới nổi. Nhưng dù vậy thì dòng vốn nước ngoài họ cũng phải cân nhắc giữa các thị trường mới nổi để tối đa lợi ích của mình.
THU HÚT NHÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ VÀ TRONG NƯỚC
Dòng vốn đến từ các quỹ đầu tư nước ngoài hiện nay tập trung vào một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Vương quốc Anh, Đài Loan (TQ), Trung Quốc, Liechtenstein, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Luxembourg. Quy mô các quỹ rót tiền cũng khác nhau, từ vài chục triệu đến 1-2 tỷ USD. Khi được nâng hạng, quy mô đầu tư vào thị trường Việt Nam của các quỹ này và các quỹ mới sẽ tăng lên đáng kể, vì chỉ cần vài phần trăm nhỏ của một quỹ trăm tỷ USD thì con số cũng đã ấn tượng rồi.
Tuy nhiên, đầu tư ở đâu cũng vậy, dù quốc tế hay trong nước thì mục tiêu cuối cùng vẫn là tìm kiếm lợi nhuận. Mà lợi nhuận là nằm ở kỳ vọng hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và lợi tức thực tế mà nhà đầu tư nhận được.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có hơn 20 năm hoạt động nhưng với nhiều nhà đầu tư, họ vẫn chưa được đối xử “fairplay” (bình đẳng) bởi các cổ đông lớn, bởi ban lãnh đạo của doanh nghiệp. Mặc dù Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển và có nhiều tiềm năng, nhưng lợi ích mà nhà đầu tư được nhận dường như chưa xứng đáng với đồng vốn họ bỏ ra.
Tồn tại đầu tiên là việc rất hạn chế chia cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông, thay vào đó nhiều doanh nghiệp luôn ưu tiên chia cổ tức bằng cổ phiếu, đây cũng là cách các doanh nghiệp giữ vốn và hạn chế các lựa chọn của nhà đầu tư (nếu nhận cổ tức tiền mặt thì nhà đầu tư có thể tái đầu tư vào cổ phiếu hoặc đầu tư vào tài sản khác). Thêm vào đó, tỷ lệ chi trả cổ tức trung bình cũng thấp, dù nhiều doanh nghiệp dùng cách tính trên mệnh giá thay vì giá hiện tại.
Tồn tại thứ hai là việc pha loãng cổ phiếu thông qua phát hành cổ phiếu cho nhân viên (ESOP), cho các đối tác chiến lược, tăng vốn điều lệ. Số lượng cổ phiếu phát hành tăng khiến cho tỷ lệ sở hữu của nhiều cổ đông bị giảm, giá thị trường của cổ phiếu cứ ì ạch hoặc thậm chí giảm theo thời gian.
Tồn tại thứ ba là việc kiểm soát các khoản chi lương thưởng phúc lợi cho ban lãnh đạo, các giao dịch với bên có liên quan mà các cổ đông nhỏ hoàn toàn không biết là nó có ảnh hưởng đến quyền lợi của mình. Lấy ví dụ như doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả nhưng lương và phúc lợi của ban lãnh đạo vẫn cao ngất, các giao dịch với bên thứ ba có liên quan thực chất là việc rút ruột doanh nghiệp.
Cuối cùng là chất lượng lợi nhuận cũng như sự lựa chọn lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. So với các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực, xếp hạng về chất lượng lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp niêm yết hàng đầu của Việt Nam ở mức khá thấp, các doanh nghiệp có vốn hóa lớn chủ yếu tập trung ở lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, và tiêu dùng.
Như vậy, việc nâng hạng thị trường chứng khoán theo tiêu chuẩn của FTSE Russell là hoàn toàn khả thi, sau đó có thể là MSCI. Thế nhưng đây chỉ là một trong số các điều kiện góp phần vào sự phát triển của thị trường chứng khoán chứ không phải là cây đũa thần hay “chén thánh”. Điều quan trọng nhất để cho một thị trường phát triển chất lượng và bền vững là ở sự tin tưởng của nhà đầu tư. Muốn vậy, lợi ích của họ phải được bảo vệ, được gia tăng cùng với sự phát triển của doanh nghiệp, của các cổ đông lớn.
---
(*) Tác giả là Giảng viên ĐH Kinh tế TP.HCM, IPAG Business School, thành viên AVSE Global.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 12-2024 phát hành ngày 18/03/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam