14:35 25/07/2024

Sự giao thoa giữa thời trang xa xỉ và văn hóa đương đại

Băng Sơn

Ngày nay, ai cũng biết sự hợp tác giữa nghệ thuật và thương hiệu xa xỉ mang lại lợi ích đôi bên. Do đó, không ai lấy làm lạ khi các “ông lớn” trong ngành đang chủ động xây dựng hình ảnh gắn với văn hóa qua việc xây dựng bảo tàng, tổ chức triển lãm…

Ảnh: Fashion United
Ảnh: Fashion United

Ở chiều ngược lại, các nhà đấu giá vốn giao dịch các tác phẩm mỹ thuật cao cấp, giờ đây cũng mở rộng sang mặt hàng thời trang xa xỉ, giày thể thao và trang sức. Nhiều nghệ sỹ sáng tạo cũng đã nhận lời cộng tác với nhà thiết kế để tạo nên các bộ sưu tập.

Đối với mỗi thương hiệu, đây là nước cờ "chắc thắng". Bắt tay với nghệ thuật giúp nâng tầm thương hiệu, thoát khỏi đánh giá đơn thuần là thương mại. Sản phẩm cao cấp của nhãn hàng, về lâu dài, được kỳ vọng xếp ngang hàng với các tác phẩm nghệ thuật.

Trong giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu và lạm phát giá cả như hiện nay, quan hệ hợp tác giữa một thương hiệu với một nghệ sỹ sáng tạo còn được xem là chiến lược hiệu quả nhất nhằm mở rộng tệp khách hàng. Theo số liệu thống kê của Công ty Hiệu suất Marketing Verb, hơn 60% khách hàng thuộc thế hệ Z và Millennials chuộng mua sản phẩm limited edition từ các bộ sưu tập hợp tác giữa thời trang và nghệ thuật.

Trong một cuộc khảo sát khác nghiên cứu hành vi tiêu dùng ở Trung Quốc, 22% khách hàng cho biết sở hữu một món đồ như vậy khiến họ cảm thấy vô cùng tự hào; 14% người tiêu dùng cho rằng sự hợp tác giữa thời trang và nghệ thuật đem đến những sáng tạo đột phá mà không làm thay đổi bản sắc của thương hiệu. Từ đó, các buổi biểu diễn thời trang gắn với một loại hình nghệ thuật đang trở thành xu thế. Buổi trình diễn thời trang nam Xuân - Hè 2025 của Loewe mới đây là một ví dụ.

Sự giao thoa giữa thời trang xa xỉ và văn hóa đương đại - Ảnh 1
Sự giao thoa giữa thời trang xa xỉ và văn hóa đương đại - Ảnh 2
 
Sự giao thoa giữa thời trang xa xỉ và văn hóa đương đại - Ảnh 3
Sự giao thoa giữa thời trang xa xỉ và văn hóa đương đại - Ảnh 4
 
Sự giao thoa giữa thời trang xa xỉ và văn hóa đương đại - Ảnh 5
Sự giao thoa giữa thời trang xa xỉ và văn hóa đương đại - Ảnh 6
 

Một thập kỷ kể từ bộ sưu tập đầu tiên cho Loewe, Jonathan Anderson vẫn đang tìm kiếm những hướng nghiên cứu mới để khai thác sự mới mẻ. Vì vậy bộ sưu tập Xuân - Hè 2025 của anh đã diễn ra trong khuôn khổ một buổi trưng bày nhóm các tác phẩm của những nhà sáng tạo mà anh ấy ngưỡng mộ. Với những chiếc lông vũ dài và nhiều bộ vest đen, Jonathan Anderson đã dàn dựng một màn trình diễn thôi miên tràn ngập những ý tưởng sáng tạo đương đại.

Trước buổi trình diễn, khách mời được gửi một thiệp mời có in hình đôi giày cao gót đen trắng do Peter Hujar chụp. Đó là một nhiếp ảnh gia người Mỹ nổi tiếng, sau khi chết được biết đến nhiều nhất nhờ chụp được khung cảnh trung tâm thành phố New York vào những năm 70 và 80. Tại triển lãm, tác phẩm gốc của Peter Hujar được trưng trên giá vẽ bằng sắt trông rất công nghiệp.

Cảm giác tối giản được tái khám phá nhờ sự đơn giản cực độ. Một loạt người mẫu mặc những bộ vest được may đo vừa vặn và đội những chiếc lông vũ dài trên chiếc băng đô che kín khuôn mặt. Anderson cho biết những chiếc lông vũ màu vàng hoặc đơn sắc ở đó để phân chia tầm nhìn của chúng ta về những khuôn mặt bên dưới.

Sự giao thoa giữa thời trang xa xỉ và văn hóa đương đại - Ảnh 7
Sự giao thoa giữa thời trang xa xỉ và văn hóa đương đại - Ảnh 8
 
Sự giao thoa giữa thời trang xa xỉ và văn hóa đương đại - Ảnh 9
Sự giao thoa giữa thời trang xa xỉ và văn hóa đương đại - Ảnh 10
 
Sự giao thoa giữa thời trang xa xỉ và văn hóa đương đại - Ảnh 11
Sự giao thoa giữa thời trang xa xỉ và văn hóa đương đại - Ảnh 12
 

Những tác phẩm thời trang trong BST trình làng kỹ thuật, chi tiết may đo chính xác một cách tỉ mỉ. Thoạt đầu các chi tiết đó trông có vẻ tối giản hiếm thấy trong vũ trụ sáng tạo của Jonathan, nhưng lại là một biểu trưng cho tay nghề may đo đẳng cấp và nét sang trọng đầy tinh tế mà anh mong muốn diễn giải trong kỷ nguyên mới của Loewe.

Anderson cho biết Loewe đã phát triển loại vải bằng lụa dệt mohair để có được bề mặt xốp có chủ đích. Những chiếc áo có cổ xếp nếp nổi lên từ áo khoác blazer, áo ghi lê bằng xà cừ hoặc kim loại, áo khoác da không có ve và quần dài. Áo sơ mi poplin trắng bó sát eo với thắt lưng rất dài, áo polo dệt kim mùa hè bó sát và áo khoác dạ hầm hố trở thành áo choàng ngắn.

Trên tài khoản Instagram của mình, vị giám đốc sáng tạo đã đề cập đến các nghệ sĩ có mặt với các tác phẩm của họ trong bối cảnh của buổi trình diễn thời trang, lấy cảm hứng từ triển lãm "Erotics of Art" của Susan Sontag, cùng những bức ảnh của nhiếp ảnh gia người Mỹ Peter Hujar, nhà thiết kế và họa sĩ theo trường phái Tân nghệ thuật Charles Rennie Mackintosh, nhà thiết kế người Ý Carlo Scarpa và họa sĩ người Mỹ Paul Thek.

Một cuộc triển lãm bao gồm những đồ vật thường ngày được nâng lên tầm phi thường: một chiếc ghế, một giá treo áo khoác và một giá vẽ có độ phức tạp của một tòa nhà, bức ảnh chụp một chiếc giày trở nên hoành tráng và một loạt hiện vật được tái hiện trên chất liệu bằng đồng. Jonathan Anderson còn có tài trong việc cân bằng vẻ đẹp mơ hồ từ nghệ thuật với sự thực tế của thương mại. Theo Lyst, một ứng dụng thời trang theo dõi thị hiếu của người tiêu dùng, Loewe đứng ở vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng các thương hiệu được tìm kiếm nhiều nhất, chỉ sau Miu Miu và Prada.

Sự giao thoa giữa thời trang xa xỉ và văn hóa đương đại - Ảnh 13
Sự giao thoa giữa thời trang xa xỉ và văn hóa đương đại - Ảnh 14
 
Sự giao thoa giữa thời trang xa xỉ và văn hóa đương đại - Ảnh 15
Sự giao thoa giữa thời trang xa xỉ và văn hóa đương đại - Ảnh 16
 
Sự giao thoa giữa thời trang xa xỉ và văn hóa đương đại - Ảnh 17
Sự giao thoa giữa thời trang xa xỉ và văn hóa đương đại - Ảnh 18
 

Được truyền tải một cách hữu hình, những sản phẩm may mặc của Jonathan Anderson cũng được ngắm nhìn như tác phẩm nghệ thuật. Quần short và áo phông được sơn hoàn thiện với được viền ống vàng và tỏa ra ánh sáng lấp lánh, trông gần như bằng gốm. Áo sơ mi và quần được liên kết bằng một chiếc thắt lưng hình tròn đôi xoắn ốc từ bụng đến hông như tác phẩm điêu khắc. Đường viền cổ sâu không cài cúc của chiếc áo sơ mi xanh được kéo dài xuống dưới cạp quần như một bức họa... Cùng với đó, những chiếc túi mang tính biểu tượng như túi Puzzle và túi hobo mềm Pebble xuất hiện trên sàn diễn với những diện mạo mới mẻ.

Trước đó, vào cuối tháng 6, tại Galleria Borghese, với sự hậu thuẫn của nhà mốt Fendi, “Louise Bourgeois: Unconscious Memories” là triển lãm đầu tiên dành riêng cho nữ nghệ sĩ đương đại ở Rome, Ý. Triển không chỉ là sự tôn vinh địa hạt nghệ thuật điêu khắc đương đại, văn hóa nhân loại mà còn cả nguồn cảm hứng lâu năm trong thế giới thời trang cao cấp. Sự tài trợ của Fendi nhấn mạnh mối quan hệ lâu dài giữa nghệ thuật và thời trang, hai lĩnh vực mà ảnh hưởng của Bourgeois tiếp tục gây tiếng vang. 

Triển lãm “Louise Bourgeois: Unconscious Memories” do Fendi tài trợ.
Triển lãm “Louise Bourgeois: Unconscious Memories” do Fendi tài trợ.

Có thể nói, trong thời đại 4.0, các tín đồ thời trang có thể dõi theo từng show diễn, ngắm nhìn từng mẫu thiết kế chỉ với một lần click chuột. Thế nhưng, khi tất cả đều đang vội vã hòa nhập với thời đại, người xem chỉ có vài giây choáng ngợp trước mỗi thiết kế được trình diễn, rồi tất cả lại lướt qua chỉ trong vài phút; thì việc cảm nhận từng đường kim mũi chỉ, thấu hiểu dụng ý sáng tạo, ngắm nhìn mỗi thiết kế theo cách hữu hình… mới thực sự mang tới giá trị xa xỉ.