15:36 25/03/2008

Suy thoái kinh tế: Lời “tự thú” của một người trẻ Mỹ

Kiều Oanh

Thế hệ tôi không biết thế nào là tiết kiệm. Và điều đó có thể dẫn tới thảm họa

Những người trẻ tuổi ở Mỹ đã quá quen với lối sống hưởng thụ.
Những người trẻ tuổi ở Mỹ đã quá quen với lối sống hưởng thụ.
Thế hệ tôi không biết thế nào là tiết kiệm. Và điều đó có thể dẫn tới thảm họa.

Ông ngoại tôi là một người Ukraine tị nạn nhập cư vào Mỹ từ trước khi Chiến tranh Thế giới II kết thúc. Khi còn sống, ông thường tích trữ những chiếc túi nilon đựng những mẩu bánh mì vụn trong phòng riêng nhằm đề phòng trường hợp gia đình lại rơi vào cảnh phá sản và đói rét.

Gia đình ông tôi rời khỏi quê hương Ukraine vào năm 1943 và ông mãi không thể quên nỗi sợ hãi khi chạy trốn quân Đức quốc xã. Sau khi đã có được cuộc sống yên ấm trong một ngôi nhà trị giá 13.000 USD tự mình mua được ở bang California, ông tôi vẫn tiếp tục dự trữ những mẩu bánh mì. Ông không thể bỏ những thói quen cũ, hay cũng có thể gọi là những đức tính cũ.

Giờ đây, nhiều thập kỷ sau đã trôi qua từ ngày ông tôi tới Mỹ, tôi cũng có thói quen tích lũy những chiếc túi nhựa trong phòng riêng. Nhưng thay vì đựng những mẩu bánh mì cũ, những chiếc túi này đựng đầy quần áo còn mới đẹp mà tôi phải đem cho đi vì tủ đựng quần áo của tôi đã quá chật.

Vấn đề to lớn nhất mà tôi phải đối mặt khi tôi mở phòng để đồ của mình là cân nhắc xem phải mặc một chiếc jacket hiệu Ann Taylor hay một chiếc áo chui hiệu Gap.

Lúc này, khi mà vấn đề suy thoái và việc dân Mỹ phải thắt lưng buộc bụng trở thành chủ đề chính trên các tờ báo, tôi tự hỏi mình đã đánh mất tính tiết kiệm của ông tôi ở đâu và như thế nào.

Cũng giống như nhiều người trẻ tuổi khác, tôi (năm nay 36 tuổi) nắm rất vững những lời huấn thị của cấp trên về vấn đề làm việc chăm chỉ. Nhưng thế hệ tôi “tích lũy” các khoản nợ giống như cách mà ông bà tôi tích lũy từng đồng xu. Một nghiên cứu mới thực hiện cách đây không lâu cho thấy, những người Mỹ trong độ tuổi từ 18 đến 40 là những người hay “bóc ngắn cắn dài” nhất.

Trước đây, ông tôi từ chối những lời chào mời cho vay cầm cố. Nhưng cách đây 2 năm tôi đã mua một căn hộ hai phòng riêng giá 450.000 USD bằng khoản vay kéo dài 7 năm. Mặc dù ngập trong nợ nần, tôi vẫn ngủ ngon giấc hàng đêm.

“Thế hệ các bạn có quan điểm hoàn toàn khác về chuyện vay nợ”, GS. George Loewenstein về kinh tế và tâm lý học tại đại học Carneigie Mellon đã nhận xét về những người trẻ như tôi.

Theo vị giáo sư này, chính nguồn hàng hóa dồi dào với mức giá rẻ, dịch vụ bán hàng trên mạng, và thời gian nhiều hơn cho việc lượn lờ trong các cửa hàng đã giúp người trẻ có nhiều “cơ hội” để phung phí tiền bạc. “Trước đây, việc đóng, mở cửa hàng có ý nghĩa nhất định trong việc kiểm soát hành vi chi tiêu của người tiêu dùng. Nhưng với Internet, điều đó hiện nay không còn nữa”, vị giáo sư này nói thêm.

Thế hệ tôi lớn lên khi chuyện tề gia nội trợ không còn chỗ đứng và thẻ tín dụng bắt đầu tràn ngập (thẻ tín dụng được sử dụng với mục đích tổng hợp bắt đầu phổ biến từ cuối thập niên 1960).

Mặc dù lúc nào cũng gánh trên lưng khoản nợ kha khá, những cuộc trò chuyện của chúng tôi về chủ đề các mẫu xe ôtô mới vẫn nhiều hơn rất nhiều so với những câu chuyện về chủ đề tiết kiệm. Chúng tôi cũng bàn đến những thú giải trí khác nhiều hơn chuyện hóa đơn.

Tần suất xuất hiện của những từ “tằn tiện” và “tiết kiệm” trong các cuộc nói chuyện của chúng tôi dường như bằng không. Mà nếu có họa hoằn xuất hiện, những từ này sẽ không được dùng với ý nghĩa khen ngợi. Đối với chúng tôi, những từ ngữ này chỉ thích hợp với thập niên 1930.

Nhưng có lẽ đã đến lúc chúng tôi phải cần tới những từ này. “Những người ở độ tuổi 30 hiện nay chưa phải trải qua một giai đoạn suy thoái kinh tế nghiêm trọng hay kéo dài”, nhà nghiên cứu hành vi người tiêu dùng Larry Compeau tại Đại học Clarkson cho biết. “Tôi lo ngại rằng, họ không có khả năng phản ứng đủ nhanh để thích nghi với những tình huống xấu có thể xảy ra sắp tới. Thế hệ này không chỉ tiết kiệm ít hơn, mà còn có ít hơn để tiết kiệm”, ông nói.

Trên thực tế, tỷ lệ tiết kiệm trong thu nhập dành cho chi tiêu của người Mỹ đã sụt giảm mạnh từ mức 7 - 10% trong những năm 1960 và 1970 xuống còn 0,4% vào năm 2007.

Có người bảo kinh tế Mỹ đã suy thoái, có người bảo không, nhưng xu hướng cắt giảm chi tiêu của người Mỹ đã nổi lên rõ nét. Những cửa hiệu bán đồ sang trọng như Tiffany đã có doanh số giảm hẳn. Còn tại Wal-Mart, hàng ngàn người đã sử dụng thẻ quà tặng của mình để đổi lấy những mặt hàng thiết yếu như giấy toilet và nước xốt, thay vì iPods và đĩa DVD.

Tuy nhiên, việc “thắt lưng buộc bụng” này có vẻ giống như một phản ứng tâm lý nhất thời hơn là lối sống tiết kiệm thực sự. Nhiều bà mẹ trẻ mà tôi gặp tỏ ý tự hào khi đi một đôi giày rẻ tiền hiệu Payless - một thứ đồ dùng chứng tỏ họ đang tiết kiệm - nhưng cũng chính họ lại vẫn đang mặc những chiếc quần jeans giá vài trăm USD và vẫn lái những chiếc xe sang trọng.

Tôi cũng không khác gì họ. Tôi nghĩ, liệu có ích gì không khi mỗi ngày tôi nấu bữa trưa ở nhà rồi đóng hộp, đem tới văn phòng dùng, một khi tôi đã nợ quá nhiều rồi?

Nhưng thực ra, một việc làm như thế là có ích. Nếu mỗi ngày bạn bỏ qua không ăn một gói khoai tây chiên, rồi sẽ đến lúc bạn giảm cân đáng kể. Giống như vậy, nếu bạn tiết kiệm những chi phí nhỏ, sẽ đến lúc bạn tiết kiệm được một khoản lớn.

Một blogger người New York có nickname “Madame X” đã viết trên website của cô rằng: “Giá cả đang tăng chóng mặt và những người vào blog của tôi đang cố gắng để tiết kiệm”.

Blogger này đang “phấn đấu” trở thành một hình mẫu tiết kiệm và cho biết, cô không còn giữ thói quen đi mua sắm với bạn bè và chỉ nấu những bữa ăn rẻ tiền ở nhà. Tôi chắc rằng, ông bà của blogger này sẽ tự hào về cô.

(Theo Newsweek)