17:32 16/05/2022

Tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp phân bón sẽ giảm dần từ Quý 2/2022?

Thu Minh

Nếu không có đóng góp từ doanh thu xuất khẩu, cộng thêm tác động từ biên LNG thu hẹp, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng có thể giảm dần trong Q2/22 mặc dù kết quả vẫn khả quan so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Dữ liệu thu thập từ 24 công ty phân bón niêm yết (tỷ lệ doanh thu chiếm khoảng 100% tổng doanh thu ngành) của Chứng khoán KIS cho thấy, ngành phân bón tiếp tục đạt được kết quả tích cực trong Q1/2022. Doanh thu toàn ngành tăng 71,2% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 30.925 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế gấp 7,9 lần năm trước tương ứng đạt 6.811 tỷ đồng. 

“Cặp đôi vàng” DPM – DCM chi phối ngành phân bón với tổng lợi nhuận sau thuế là 3.644 tỷ đồng, chiếm 54% tổng lợi nhuận toàn ngành. DPM đạt mức tăng trưởng lợi nhuần ròng đáng kể 11 lần so với năm và 27% theo quý trong Q1/22. DCM không hề kém cạnh với mức tăng trưởng lợi nhuận là 9 lần theo năm và 38% theo quý. Một cách cụ thể hơn, tăng trưởng lợi nhuận ròng được đóng góp bởi biên lợi nhuận gộp mở rộng 15,7% theo năm và tỷ suất chi phí hoạt động SG&A (chi phí bán hàng & chi phí quản lý) giảm 1,6%. Đặc biệt, tỷ lệ SG&A – Doanh thu của DPM giảm mạnh từ 12% xuống còn 6% trong Q1/22.

Tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp phân bón sẽ giảm dần từ Quý 2/2022? - Ảnh 1

Tỷ suất lợi nhuận gộp toàn ngành đạt đỉnh mới trong Q1/22 tại mức 31,7%, tăng 3,5% so với quý liền kề trước đó và 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù tỷ suất lợi nhuận gộp đạt đỉnh trong Q1/22 nhưng theo dự báo của KIS, sẽ khó duy trì trong các quý tiếp theo.

Trong quý 1, giá bán ure trên thị trường giảm nhẹ 2% so với quý trước đó, nhưng vẫn còn khá cao so với cùng kỳ năm trước trong khi giá gas đầu vào tăng 20% theo quý và tăng 20% theo năm. Giá gas đầu vào tại tháng 4 tăng đến 9% trong khi giá bán ure chững lại so với tháng 3. Nếu giá phân bón có xu hướng giảm trong những tháng tiếp theo, cùng với tốc độ tăng phi mã của giá nhiên liệu do căng thẳng chính trị toàn cầu, tỷ suất LNG của ngành phân bón trong các quý tiếp theo có thể giảm sau khi đạt đỉnh trong Q1/22.

Tuy nhiên ngành phân bón vẫn hứa hẹn đạt được những kết quả tích cực trong quý 2 so với cùng kỳ 2021.

Tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp phân bón sẽ giảm dần từ Quý 2/2022? - Ảnh 2

Cho cả năm 2022, theo Kis, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng có thể giảm dần từ Q2/22. Hiện, Bộ Tài Chính đang thu thập ý kiến về việc áp thuế xuất khẩu 5% lên mặt hàng phân bón nhằm hạ nhiệt giá phân bón trong nước và ổn định nguồn cung.

Chỉ trong Q1/22, tổng sản lượng xuất khẩu của hai công ty đầu ngành DPM/DCM đạt khoảng 200.000 tấn. Các đơn vị sản xuất phân bón sẽ tập trung đáp ứng nhu cầu trong nước trong vụ Hè-Thu sắp đến, sau đó sẽ tiếp tục cân nhắc đến việc xuất khẩu. Cambodia, Malaysia, và Philippines là ba thị trường xuất khẩu phân bón chính của Việt Nam. Một số mặt hàng khi xuất khẩu vào các nước trong khối ASIAN sẽ được dỡ bỏ hàng rào thuế quan.

"Chúng tôi đang cân nhắc tác động của việc áp thuế xuất khẩu 5% lên mặc hàng phân bón từ Bộ Tài Chính. Tuy nhiên, mức thuế 5% có thể không đáng kể đối với các đơn vị xuất khẩu, do các công ty này có thể đạt được một khoảng “hậu hĩnh” nhờ đơn giá xuất khẩu ở mức cao so với giá bán trong nước (T1-22: xuất khẩu USD808/tấn vs giá bán trong nước USD717/tấn).

DPM và DCM sẽ ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước và hạn chế xuất khẩu trong Q2/22. Nếu không có đóng góp từ doanh thu xuất khẩu, cộng thêm tác động từ biên LNG thu hẹp, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng có thể giảm dần trong Q2/22 mặc dù kết quả vẫn khả quan so với cùng kỳ năm trước", công ty chứng khoán này nhấn mạnh.

Dù vậy, từ Q2/22, Việt Nam bắt đầu vào mù vụ Hè-Thu, nhu cầu trong nước tăng cao sẽ giúp bù đắp phần doanh thu bị mất đi do hạn chế xuất khẩu (nếu có).