16:40 19/08/2024

Thị trường xa xỉ châu Âu “vỡ bong bóng”, khách du lịch đổ xô tới Nhật Bản

Băng Hảo

Ở Mitsukoshi, một trung tâm thương mại cao cấp ở Ginza (Tokyo, Nhật Bản), những ngày này thường xuyên chật kín khách du lịch. Tại các cửa hàng Gucci và Chanel, phần lớn người mua đến từ Hàn Quốc và Trung Quốc…

Ảnh: Financial Times
Ảnh: Financial Times

Ngành công nghiệp hàng xa xỉ của châu Âu vốn được coi là biểu tượng cho uy tín và sức mạnh kinh tế đang xuất hiện những dấu hiệu căng thẳng, và thậm chí có thể là những vết nứt cảnh báo về một vụ “vỡ bong bóng” nghiêm trọng.

Cụ thể, báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2024 của LVMH, tập đoàn xa xỉ lớn nhất châu Âu tính theo giá trị thị trường, được cho là đáng thất vọng. Kering, chủ sở hữu của các thương hiệu như Gucci, Bottega Veneta và Yves Saint Laurent, cũng báo cáo sự sụt giảm mạnh về doanh số bán hàng trên toàn bộ danh mục đầu tư, ghi nhận cổ phiếu lao dốc trong các phiên giao dịch.

Tháng 6/2024, Burberry, thương hiệu thời trang xa xỉ của Anh, công bố lợi nhuận giảm 40%; còn công ty thời trang xa xỉ của Đức Hugo Boss báo cáo lợi nhuận giảm 42%. Chỉ có vài điểm sáng như Richemont của Thụy Sỹ, sở hữu thương hiệu xa xỉ phẩm Cartier và Van Cleef & Arpels, song bức tranh nhìn chung là ảm đạm, với doanh số và lợi nhuận đồng loạt giảm.

Sự phát triển và vị thế của nhiều tập đoàn xa xỉ phẩm thành công cùng danh tiếng toàn cầu là động lực cho các thị trường chứng khoán châu Âu. Cổ phiếu của LVMH là một trong những động lực đưa Paris vượt qua London trở thành sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất châu Âu. Hiệu suất kém gần đây của các công ty này đã dẫn đến biến động đáng kể trên thị trường, với cổ phiếu xa xỉ chứng kiến sự sụt giảm mạnh và kéo theo sự suy giảm của các chỉ số thị trường rộng lớn hơn.

Việc giảm chi tiêu của người tiêu dùng cho hàng xa xỉ đã ảnh hưởng đến các thị trường chủ chốt như châu Âu và Bắc Mỹ.
Việc giảm chi tiêu của người tiêu dùng cho hàng xa xỉ đã ảnh hưởng đến các thị trường chủ chốt như châu Âu và Bắc Mỹ.

Thực tế này phản ánh những vấn đề mang tính hệ thống trong ngành. Theo Bloomberg, những năm gần đây, người tiêu dùng Trung Quốc đã có những thay đổi đáng kể trong thái độ và hành vi đối với hàng xa xỉ châu Âu. Họ không còn chỉ quan tâm đến các thương hiệu nổi tiếng mà còn chú trọng đến chất lượng và giá trị thực sự của sản phẩm.

Thêm vào đó, những cơn gió ngược kinh tế toàn cầu, ngành công nghiệp xa xỉ không miễn nhiễm với những thách thức kinh tế rộng lớn hơn. Áp lực lạm phát, căng thẳng địa chính trị và tác động kéo dài của đại dịch COVID-19 đều góp phần tạo ra một môi trường kinh tế đầy thách thức hơn. Những yếu tố này có thể dẫn đến việc giảm chi tiêu của người tiêu dùng cho hàng xa xỉ, đặc biệt là ở các thị trường chủ chốt như châu Âu và Bắc Mỹ.

Sự thống trị của các thương hiệu xa xỉ châu Âu cũng đối mặt với thách thức ngày càng tăng từ các đối thủ châu Á. Những xu hướng ngày càng nổi bật từ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc cùng nhiều thị trường châu Á khác là thứ khó thể phớt lờ. Khi các thương hiệu này có được sức hút, họ có thể làm xói mòn thị phần của các thương hiệu xa xỉ truyền thống của châu Âu, ngay trên chính “sân nhà”.

Trong khi đó, cũng theo báo cáo tài chính quý 2/2024, nhiều ông lớn trong ngành hàng xa xỉ như LVMH Moet Hennessy Louis Vuitton, Hermes, Richemont (công ty mẹ của Cartier) và Kering (sở hữu Gucci) đều chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ tại thị trường Nhật Bản, khi du khách đổ xô đến đây để mua sắm hàng hiệu với giá rẻ nhờ đồng Yên suy yếu.

Du khách Trung Quốc đổ xô đến Nhật Bản du lịch và không tiếc tiền mua sắm khi tận dụng đồng Yên yếu.
Du khách Trung Quốc đổ xô đến Nhật Bản du lịch và không tiếc tiền mua sắm khi tận dụng đồng Yên yếu.

Trong tháng 7, Burberry báo cáo doanh số bán hàng giảm 23% tại Anh, nơi vốn là thị trường bán chạy nhất của hãng. Doanh số bán tại Trung Quốc, thị trường lớn nhất của hãng, cũng giảm, còn Nhật là thị trường tăng trưởng duy nhất, 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu từ người dân địa phương tại Nhật Bản vẫn yếu, nhưng chi tiêu du lịch mạnh mẽ từ khách châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, đã thúc đẩy doanh số, theo Burberry.

Điều tương tự tại LVMH. Doanh số bán hàng của công ty tiếp tục giảm ở châu Á, ngoại trừ Nhật Bản. Công ty mẹ của Louis Vuitton ở nước này thậm chí chứng kiến mức tăng trưởng hai chữ số và phần lớn nhờ vào lượng khách hàng Trung Quốc. Theo Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO), khoảng 17,8 triệu lượt khách quốc tế đã đến Nhật trong 6 tháng đầu năm. Hàn Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất, tiếp đến là Trung Quốc, Mỹ.

Các cửa hàng bách hóa lớn là nơi hưởng lợi nhiều nhất từ hoạt động mua sắm hàng xa xỉ của khách du lịch. Trong nửa đầu tháng 7, ba cửa hàng thuộc top đầu của tập đoàn Isetan Mitsukoshi Holdings ở Tokyo có doanh số tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Daimaru Matsuzakaya Department Stores, một công ty thuộc tập đoàn J. Front Retailing, đã đạt mức tăng 21,9% về doanh số miễn thuế so với cùng kỳ. Các mặt hàng như túi xách và ví thiết kế bán chạy nhất.

Chi tiêu du lịch mạnh mẽ từ khách châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, đã thúc đẩy doanh số của nhiều thương hiệu.
Chi tiêu du lịch mạnh mẽ từ khách châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, đã thúc đẩy doanh số của nhiều thương hiệu.

Dù vậy, các thương hiệu xa xỉ toàn cầu không mấy vui vẻ vì hàng hóa của họ, từ giày thể thao hàng hiệu cho đến rượu whisky, hiện có xu hướng rẻ hơn tính theo đồng USD ở Nhật Bản so với những nơi khác, làm giảm lợi nhuận của các nhà sản xuất. Một số khách du lịch, đặc biệt là người Trung Quốc, đang trì hoãn việc mua hàng hiệu ở trong nước và vung tiền để sang Nhật Bản.

Sự biến động của đồng Yên có nghĩa là các công ty không thể dễ dàng tăng giá để điều chỉnh theo sự mất giá của đồng tiền, khiến họ bị mắc kẹt với tỷ suất lợi nhuận thấp hơn ở Nhật Bản, ít nhất là trong lúc đồng Yên vẫn yếu. The Wall Street Journal đưa tin: "Hầu hết thương hiệu của chúng tôi đã phải tính đến việc triển khai nhiều chiến lược tăng giá để đối phó với tình trạng đồng Yên mất giá", Armelle Poulou, giám đốc tài chính của Kering, chia sẻ trong một cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh.

Chiếc túi xách Alma BB nổi tiếng của Louis Vuitton có giá 14.800 nhân dân tệ ở Trung Quốc, tương đương 2.050 USD. Tại Nhật Bản, nó được bán với giá 279.400 Yên, tương đương 1.875 USD. Tháng trước, chiếc túi này còn được bán với giá thấp nhất là 1.725 USD khi đồng Yên ở mức yếu nhất. Đồng yên sẽ phải tăng giá lên khoảng 136 Yên ăn 1 USD để đưa giá túi Nhật Bản ngang bằng với Trung Quốc. Trong khi đồng tiền này ở mức 149,30 vào thứ Năm tuần trước, không xa mức mạnh nhất trong 4 tháng rưỡi nay.

Công ty mẹ của Louis Vuitton ở Nhật thậm chí chứng kiến mức tăng trưởng hai chữ số và phần lớn nhờ vào lượng khách hàng Trung Quốc.
Công ty mẹ của Louis Vuitton ở Nhật thậm chí chứng kiến mức tăng trưởng hai chữ số và phần lớn nhờ vào lượng khách hàng Trung Quốc.

Đầu tháng 7, đồng Yên đã chạm mức thấp nhất so với đô la Mỹ kể từ năm 1986. So với euro, đồng yen đã đạt mức thấp nhất kể từ năm 1990, theo FactSet. Đồng Yên đã phục hồi phần nào trong những tuần gần đây nhờ Ngân hàng Nhật Bản tăng lãi suất, nhưng vẫn ở mức thấp lịch sử. Từ đó, sự sụt giảm doanh số bán hàng tại Trung Quốc phần nào được bù đắp bởi chi tiêu của khách du lịch Trung Quốc ở nước ngoài. "Chúng tôi đã có một sự chuyển dịch lớn về kinh doanh từ châu Á sang Nhật Bản", giám đốc tài chính của LVMH, Jean-Jacques Guiony, cho biết.

Trong quý 2, tổng chi tiêu của du khách nước ngoài đạt mức kỷ lục 2,1 nghìn tỷ Yên, với gần 21% là khách du lịch Trung Quốc, theo Cơ quan Du lịch Nhật Bản. Chính phủ dự kiến con số có thể đạt kỷ lục lên tới 8 nghìn tỷ Yên trong năm nay. "Chúng tôi hài lòng với sự tăng trưởng tạo ra ở Nhật Bản, song phải chấp nhận thêm chi phí đáng kể từ góc độ lợi nhuận và biên lợi nhuận", Guiony từ LVMH cho biết.