15:27 04/07/2012

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Ngành xi măng không “bội thực”

Nguyên Trang

“Chúng ta vẫn đang nắm vững và có sự điều chỉnh kịp thời trước diễn biến của mỗi giai đoạn đối với ngành công nghiệp xi măng”

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam.
“Chúng ta vẫn đang nắm vững và có sự điều chỉnh kịp thời trước diễn biến của mỗi giai đoạn đối với ngành công nghiệp xi măng”.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam với trước thông tin cho rằng, ngành xi măng đang “bội thực” vì cung vượt cầu với lượng tồn kho lên tới 2,8 triệu tấn.

Trao đổi với VnEconomy và báo giới, ông Nam nói:

- Trong 6 tháng đầu năm 2012, tiêu thụ xi măng đạt khoảng 28 triệu tấn. Cộng với lượng tồn kho lũy kế từ năm 2011, số tồn kho xi măng tính đến thời điểm hiện tại là 2,8 triệu tấn.

Tuy nhiên, theo tôi, tồn kho 2,8 triệu tấn của toàn ngành xi măng, tương đương với sản lượng 20 ngày sản xuất, là nằm trong giới hạn cho phép và an toàn. Điều đáng nói, trong cái gọi là tồn kho chung của toàn ngành với 2,8 triệu tấn nói trên cũng không phải là tình trạng chung của tất cả các doanh nghiệp xi măng. Rất nhiều nhà máy hiện không hề có hàng tồn kho.

Có nghĩa là vấn đề quy hoạch sản xuất xi măng của chúng ta vẫn chưa đáng báo động như một số chuyên gia quan ngại?

Tôi xin thông tin thêm, toàn ngành xi măng hiện có 62 dây chuyền sản xuất xi măng lò quay, tổng công suất đạt 57,6 triệu tấn/năm. Nếu như nhu cầu xi măng năm 2011 chỉ từ 54 - 55 triệu tấn, thì chỉ tới năm 2015, chỉ số tiêu thụ dự báo là 75-76 triệu tấn; năm 2020 là 93-95 triệu tấn; năm 2030 sẽ là 113 - 115 triệu tấn. Nếu chúng ta chỉ lấy thời điểm khó khăn hôm nay để đánh giá và điều chỉnh quy hoạch thì không hợp lý.

Chúng ta vẫn đang nắm vững và có sự điều chỉnh kịp thời trước diễn biến của mỗi giai đoạn đối với ngành công nghiệp xi măng.

Bên cạnh đó, có thể nhận định sản lượng xi măng tiêu thụ trong nước năm 2012 sẽ chỉ đạt quanh con số như năm 2011, nhưng đặt trong bức tranh tổng thể của ngành sản xuất vật liệu xây dựng nói chung, thì thấy ngành công nghiệp xi măng vẫn có sản lượng tiêu thụ tốt hơn, tồn kho giữ ở mức thấp nhất, không có chuyện “bội thực” quy hoạch, sản lượng như một số ý kiến lo ngại.

Vậy những thông tin phản ánh về tình trạng thua lỗ, đắp chiếu của khá nhiều dự án sản xuất xi măng thì sao, thưa ông?

Thực tế này chúng tôi cũng không giấu diếm gì. Tôi có thể kể nêu đích danh những cái tên đang gây nhức nhối trong ngành xi măng như: Xi măng Hạ Long, Xi măng Đồng Bành, Xi măng Quang Sơn, Xi măng Tam Điệp... Hiện lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng đã kiểm tra làm rõ nguyên nhân yếu kém và đi đến kết luận với từng dự án cụ thể.

Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý, chẳng hạn như Nhà máy Xi măng Đồng Bành thua lỗ là do các cổ đông không đóng góp đủ vốn điều lệ, thiếu vốn hoạt động, lại tổ chức sản xuất không tốt; Xi măng Hạ Long thì do bị kéo dài thời gian đầu tư, bị tăng tổng mức đầu tư và do trượt giá nên dù sản xuất tốt, hàng tiêu thụ hết nhưng vẫn thiếu hụt dòng tiền…

Mới đây, Bộ Xây dựng cũng thực thi những động thái quyết liệt như đình chỉ 3 dự án nghiền clinker ở phía Nam khi phát hiện không nằm trong quy hoạch được phê duyệt.

Việc kết luận rõ như vậy cho thấy dù dự án được xây dựng đúng quy hoạch, có thị trường tốt nhưng tổ chức triển khai dự án không tốt, không cân đối giữa vốn tự có và vốn vay, tổ chức sản xuất không tốt, thiếu sự đồng lòng quyết tâm vượt khó của những người vận hành dự án, thì kể cả trong điều kiện sản xuất bình thường cũng nan giải chứ chưa nói tới bối cảnh chung vô cùng khó khăn của nền kinh tế trong thời điểm này.

Còn trên thực tế, đa số các nhà máy xi măng hoạt động có hiệu quả, trong đó phải kể đến như: Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM) tiêu thụ được 9,75 triệu tấn sản phẩm, đạt 51% kế hoạch năm, lợi nhuận trước thuế 419 tỷ đồng, đạt 64,5% kế hoạch năm; Công ty Xi măng Tafico có lãi ngay từ năm thứ 2 sản xuất, trả nợ tốt...

Tôi có thể khẳng định, ngành xi măng tuy gặp khó bởi bối cảnh chung nhưng đã hạn chế được phần nhiều những “biến chứng” nguy hiểm trong bối cảnh hiện nay.

Có nghĩa là, những tồn tại của ngành xi măng hiện nay cũng chỉ là việc “con sâu làm rầu nồi canh”?

Tôi cho rằng vượt qua những khó khăn với các dư chấn về các đợt “nóng - lạnh” bất thường từng xảy ra trong quá khứ, ngành xi măng đang dần dần đi đúng vào “quỹ đạo” trong quy hoạch phát triển ngành, ở từng giai đoạn cụ thể. Chúng ta cũng rất thận trọng xem xét rà soát quy hoạch hàng năm để có những điều chỉnh cần thiết phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.

Trước tình hình thực tế khó khăn chung của ngành vật liệu xây dựng như hiện nay, Bộ Xây dựng một mặt khuyến khích các doanh nghiệp xi măng nỗ lực thực thi các kế sách vượt khó như: tăng cường quản lý đầu tư và không ngừng hợp lý hóa sản xuất, nâng cao tỷ trọng nội địa hóa cơ khí xi măng, huy động đủ vốn điều lệ nhằm giảm áp lực trả lãi vay, sử dụng nhiệt khí thải nhằm giảm chi phí tài chính, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cả về chất lượng và giá bán, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu...

Một mặt khuyến cáo các doanh nghiệp phải cân nhắc hết sức thận trọng về các quy định đầu tư mới, đảm bảo đủ vốn và kiểm soát dòng tiền của mình, không để vì yếu kém đơn lẻ của một vài doanh nghiệp khiến xã hội nhìn nhận sai về hiệu quả chung của ngành, hoặc đổ lỗi do quy hoạch ngành sai sót.

Nhưng quy hoạch chuẩn xác mà quản lý không tốt thì cũng là thất bại...

Nói đi thì cũng phải nói lại, từ cuối những năm 1980, chúng ta liên tục thiếu xi măng, hàng năm phải nhập khẩu từ 3 - 4,5 triệu tấn. Chỉ đến tận cuối những năm 2010 trở lại đây, nguồn cung xi măng mới chính thức đáp ứng được thực cầu thị trường trong nước, thậm chí bắt đầu thực hiện xuất khẩu. Như vậy, rõ ràng quy hoạch xi măng giai đoạn 2005-2010 đã chuẩn xác.

Với việc đầu tư công nghệ sản xuất xi măng được theo hướng hiện đại hơn, sản lượng mỗi ngày một cao hơn, toàn ngành xây dựng của cả nước đã chấm dứt hoàn toàn thời kỳ thiếu xi măng kéo dài.

Đồng thời, suốt 15 năm qua, xi măng cũng là một trong những mặt hàng phát huy tốt vai trò bình ổn giá theo chỉ đạo của Chính phủ (trong 15 năm qua, giá xi măng chỉ tăng khoảng 20%, trung bình mỗi năm chỉ tăng hơn 1%), bất chấp nhiều lúc toàn ngành đối mặt với bối cảnh hầu như tất cả các nguyên nhiên vật liệu đầu vào như than, điện đều tăng giá, tỷ giá biến động mạnh, lãi suất ngân hàng bị đẩy lên quá cao...

Năm 2010, các doanh nghiệp xi măng bắt đầu hiện thực hóa mục tiêu xóa bớt khoảng cách chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu và từ năm 2011 chúng ta đã xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu.