21:24 08/05/2023

Thủ tướng yêu cầu Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước có phương án xử lý dứt điểm một số dự án thua lỗ trong tháng 5

Tùng Thư

Tại Chỉ thị 12/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngay trong tháng 5/2023, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp lý phải có phương án xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng đã kéo dài nhiều năm nay...

Dự án gang thép Thái nguyên giai đoạn 2 là một trong ba dự án được Thủ tướng yêu cầu xử lý dứt điểm trong tháng 5/2023.
Dự án gang thép Thái nguyên giai đoạn 2 là một trong ba dự án được Thủ tướng yêu cầu xử lý dứt điểm trong tháng 5/2023.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị 12/CT-TTg về nhiệm vụ, giải pháp đổi mới hoạt động của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy nguồn lực đầu tư của 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc.

XỬ LÝ DỨT ĐIỂM  DỰ ÁN, DOANH NGHIỆP THUA LỖ

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/5/2023 kế hoạch triển khai kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục hoàn thiện và đổi mới hoạt động của Ủy ban theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 1200/VPCP-ĐMDN ngày 14/4/2023 của Văn phòng Chính phủ.

Xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng đã kéo dài nhiều năm, nhất là các vấn đề đã có thời hạn yêu cầu trình Ban cán sự đảng Chính phủ, Bộ Chính trị, trong đó, phải hoàn thành xử lý dứt điểm trong tháng 5 năm 2023 báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các dự án, doanh nghiệp: Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên, Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Dự án nhà máy gang thép Lào Cai, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất. 

 

Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phải hoàn thành xử lý dứt điểm trong tháng 5 năm 2023 báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các dự án, doanh nghiệp: Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên, Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Dự án nhà máy gang thép Lào Cai, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất.

Ngoài ra, trước ngày 30/5/2023, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phải hoàn thiện các nội dung công việc sau để báo cáo Chính phủ.

Một là, chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 05 năm giai đoạn 2021-2025 của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc.

Hai là, chủ trương sắp xếp giai đoạn 2022-2025 của từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quy định tại Phụ lục IV Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022-2025.

Ba là, tiếp thu, giải trình ý kiến các bộ, cơ quan theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ để tổng hợp hoàn thiện, hoàn thành phê duyệt hoặc trình Thủ tướng Chính phủ Đề án cơ cấu lại của từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc theo quy định tại Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”, nhất là Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN KHẮC PHỤC

Thủ tướng đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được thời gian qua, Ủy ban và 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn những tồn tại.

Thứ nhất, cơ sở pháp lý cho mô hình hoạt động của Ủy ban còn có vướng mắc, chưa thực sự hiệu quả.

Thứ hai, sự chủ động, linh hoạt, tích cực, sáng tạo còn hạn chế, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương còn nhiều vướng mắc.

Thứ ba, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa chủ động phát huy hết hiệu quả nguồn lực vốn, tài sản Nhà nước giao, đặc biệt là trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư lớn, quan trọng, hầu như không có dự án nào được khởi công mới trong các giai đoạn vừa qua.

Thủ tướng nhận định những tồn tại, hạn chế xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan thuộc trách nhiệm của nhiều chủ thể liên quan: Chính phủ, các bộ ngành, ủy ban và các doanh nghiệp,... Trong đó, có những nguyên nhân chính như: vướng mắc lớn về pháp lý; sự phối hợp với các bộ, ngành còn chưa chặt chẽ, hiệu quả; cần sự cố gắng, nỗ lực và chủ động hơn nữa của Ủy ban và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Quốc hội, năm 2018, Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp  và giao Ủy ban thực hiện quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc - hiện đang nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế, chiếm trên 60% nguồn lực về vốn và tài sản của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước.