10:59 18/04/2008

Tiền bạc = Hạnh phúc?

Kiều Oanh

Những quan điểm đối chọi nhau về mối quan hệ giữa tiền bạc và mức độ hài lòng đối với cuộc sống

Một cuộc điều tra do viện thăm dò dư luận Gallup của Mỹ tiến hành cho thấy, mức độ hài lòng đối với cuộc sống của người dân tại các quốc gia giàu có nhất trên thế giới đạt mức cao nhất.
Một cuộc điều tra do viện thăm dò dư luận Gallup của Mỹ tiến hành cho thấy, mức độ hài lòng đối với cuộc sống của người dân tại các quốc gia giàu có nhất trên thế giới đạt mức cao nhất.
Sau Đại chiến Thế giới 2, kinh tế Nhật Bản trải qua một trong những giai đoạn phát triển bùng nổ mạnh mẽ nhất mà nhân loại từng biết tới. Từ năm 1950 tới năm 1970, GDP đầu người của nước này đã tăng gấp hơn 7 lần.

Chỉ trong vòng vài thập kỷ, Nhật Bản đã chuyển mình từ một quốc gia bị chiến tranh tàn phá trở thành một trong những đất nước giàu có nhất thế giới.

Quan điểm cũ

Nhưng kỳ lạ thay, các công dân của nước Nhật lại dường như không hạnh phúc hơn trong cuộc sống của họ. Theo một cuộc điều tra, tỷ lệ người Nhật lựa chọn câu trả lời lạc quan nhất về mức độ hài lòng của họ đối với cuộc sống vào thời điểm đầu những năm 1970 đã giảm so với vào thời điểm cuối thập niên 1950. Rõ ràng, người Nhật đã giàu có hơn, nhưng lại không hạnh phúc hơn.

Sự đối nghịch này đã trở thành một ví dụ nổi tiếng trong học thuyết mang tên “Nghịch lý Easterlin”. Vào năm 1974, Richard Easterlin, một nhà kinh tế học của Đại học Pennsylvania (Mỹ), đã xuất bản này, với nội dung cho rằng tăng trưởng kinh tế chưa chắc đã khiến con người cảm thấy hài lòng hơn với cuộc sống.

Chắc chắn, người dân tại các nước nghèo sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn một khi họ được đáp ứng đầy đủ những nhu cầu cần thiết cơ bản. Nhưng ngoài những nhu cầu này, của cải gia tăng dường như không tỷ lệ thuận với hạnh phúc. Chẳng hạn ngày nay, việc sở hữu một chiếc iPod không khiến bạn cảm thấy vui hơn, vì bạn còn muốn có một thứ “xịn” hơn, như một chiếc iPod Touch chẳng hạn.

Cũng theo Easterlin, thu nhập tương đối - số tiền bạn kiếm được so với số tiền mà những người xung quanh bạn kiếm được - khiến bạn phải suy nghĩ nhiều hơn so với con số tuyệt đối của nó.

Nghịch lý này đã nhanh chóng trở thành một lý thuyết kinh điển của ngành xã hội học và đã được trích dẫn trong nhiều bài báo và trên các phương tiện thông tin đại chúng khác, khiến không ít người tin chắc rằng, tiền bạc không thể đem lại hạnh phúc. Nhưng hiện nay, lý thuyết mà Easterlin đưa ra đang bị bác lại mạnh mẽ.

Quan điểm mới

Cách đây không lâu, hai nhà kinh tế học trẻ tuổi có tên Betsey Stevenson và Justin Wolfers, cũng đến từ Đại học Pennsylvania, đã giới thiệu một lý thuyết trái ngược hẳn với những gì mà Easterlin đưa ra.

Hai tác giả của học thuyết mới này cho rằng, tiền bạc thực sự có thể đem đến cho còn người hạnh phúc. Họ lập luận rằng, trong vòng 34 năm kể từ khi Easterlin đưa ra nghịch lý của ông, hàng loạt những cuộc điều tra dư luận đã được tiến hành để soi sáng vấn đề. “Thông điệp chính thu được từ những cuộc điều tra này là: Thu nhập thực sự có ý nghĩa đối với hạnh phúc”, nhà kinh tế học Stevenson nói.

Một cuộc điều tra do viện thăm dò dư luận Gallup của Mỹ tiến hành cho thấy, mức độ hài lòng đối với cuộc sống của người dân tại các quốc gia giàu có nhất trên thế giới đạt mức cao nhất. Cư dân tại các quốc gia này có vẻ như hiểu rằng, những cái mà họ có đều khá ổn, cho dù họ có sở hữu một chiếc iPod Touch hay không.

Mặt khác, lý thuyết mới này cũng cho thấy, thu nhập tuyệt đối dường như có ý nghĩa nhiều hơn so với thu nhập tương đối.

Tại Mỹ, hơn 90% số người là thành viên của các hộ gia đình có thu nhập ít nhất 250.000 USD/năm cho biết họ “rất hạnh phúc”. Trong khi đó, tỷ lệ này tại các hộ gia đình có thu nhập dưới 30.000 USD/năm chỉ là 42%. Những số liệu điều tra quốc tế cũng cho thấy, những người có thu nhập dưới 30.000 USD chưa chắc đã hạnh phúc hơn nếu họ sống ở một quốc gia nghèo hơn.

Mặt khác, hai nhà kinh tế học này cũng chỉ ra rằng, các lựa chọn mà cuộc điều tra trước đây đưa ra cho người được hỏi đã thay đổi theo thời gian, dẫn tới kết quả không chính xác. Vào cuối thập niên 1950 và đầu những năm 1960, lựa chọn lạc qua nhất về mức độ hài lòng đối với cuộc sống là: “Mặc dù chưa hoàn toàn tuyệt đối hài lòng, nhìn chung tôi cảm thấy thoải mái với cuộc sống hiện nay”. Nhưng tới năm 1964, lựa chọn lạc quan nhất lại là: “Hoàn toàn hài lòng”.

Như vậy, chắc chắn tỷ lệ người lựa chọn câu trả lời lạc quan nhất sẽ giảm xuống theo thời gian. Còn nếu theo dõi những năm điều tra mà các lựa chọn trả lời được giữ nguyên, người ta sẽ thấy tỷ lệ người cảm thấy thỏa mãn với cuộc sống rõ ràng tăng lên.

Đâu là sự thật?

Phản ứng trước lý thuyết mới đi ngược lại những gì mà ông đã khẳng định trước đó, nhà kinh tế học Easterlin, hiện đang công tác tại Đại học Nam California (Mỹ), cho biết, ông đồng ý với quan niệm cho rằng người dân ở các nước giàu có hơn có mức độ hài lòng đối với cuộc sống cao hơn. Nhưng ông nghi ngờ việc sự giàu có đem đến cho họ hạnh phúc.

Theo nhà kinh tế học này, có thể chính những khác biệt văn hóa ở các quốc gia khác nhau đã ảnh hưởng đến lựa chọn câu trả lời của những người được điều tra. Mặt khác, ở một số nước, thu nhập tăng khiến người dân hạnh phúc hơn, nhưng ở một số nước khác - trong đó có Mỹ và Trung Quốc - mọi cái không diễn ra đúng như vậy.

Bảo vệ quan điểm của mình, Stevenson và Wolfers khẳng định, từ năm 1970 tới nay, mức độ hạnh phúc đã tăng tại 8 trong số 10 nước châu Âu được điều tra và cả ở Nhật Bản. Còn chuyện mức độ hạnh phúc không tăng tại Mỹ trong thời gian gần đây có thể là do thu nhập bình quân theo giờ của phần lớn công nhân tại nước này không tăng.

Vậy tóm lại, điều gì có thể được rút ra từ những nghiên cứu này?

Đúng như những gì Easterlin đã khẳng định, bản thân tăng trưởng kinh tế chắc chắn không đủ để đảm bảo sự hạnh phúc cho con người. Chẳng hạn, ở một quốc gia nào đó, những vấn đề nan giải trong hệ thống y tế không bắt nguồn từ sự thiếu hụt những nguồn lực cần thiết. Những nghiên cứu gần đây cũng đã chỉ ra rằng, có nhiều thứ khiến con người ta cảm thấy hạnh phúc nhất - như không phải đi lại xa, có thời gian để gặp gỡ bạn bè - vốn là những thứ không liên quan gì đến thu nhập cao.

Nhưng sẽ là sai lầm nếu đưa lập luận này đi quá xa.

Sự thật là tăng trưởng kinh tế không chỉ khiến một quốc gia nào đó giàu lên ở phương diện vật chất trên bề mặt. Tăng trưởng kinh tế còn giúp chi trả các khoản đầu tư vào nghiên cứu khoa học để tìm ra cách sống lành mạnh hơn, nâng cao tuổi thọ của con người.

Tăng trưởng kinh tế cũng cho phép những người thân đã lâu ngày không gặp mặt được đoàn tụ, hoặc cho phép người ta được tới thăm những nơi chưa bao giờ đặt chân tới. Khi bạn giàu hơn, bạn có thể quyết định sẽ làm việc ít đi, và dành nhiều thời gian hơn cho bạn bè.

Và những điều này, chắc chắn sẽ làm bạn cảm thấy cuộc sống này tươi đẹp hơn.

(Theo New York Times)