09:45 03/04/2007

“Tiếp tục đàm phán giai đoạn hội nhập sâu”

Hồng Thoan

Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự nói về tiến trình đàm phán trong giai đoạn tiếp tục hội nhập sâu của Việt Nam

"Hiện nay, lĩnh vực tồn tại lớn nhất là thủ tục hải quan, thứ hai là hài hoà các tiêu chuẩn, thứ ba là những biện pháp phi thuế quan".
"Hiện nay, lĩnh vực tồn tại lớn nhất là thủ tục hải quan, thứ hai là hài hoà các tiêu chuẩn, thứ ba là những biện pháp phi thuế quan".
Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự nói về tiến trình đàm phán trong giai đoạn tiếp tục hội nhập sâu của Việt Nam.

Trong giai đoạn này, Việt Nam đang tiến hành đàm phán với một số nước đối tác để tăng cường khả năng hội nhập sâu hơn nữa vào nền kinh tế quốc tế. Cụ thể, chúng ta đang tiến hành đàm phán với những đối tác nào, thưa Thứ trưởng?

Việt Nam đã là thành viên của WTO nên sẽ yêu cầu các nước phải mở cửa thị trường cho những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh.

Ví dụ như sắp tới đây, chúng ta phải đàm phán về đối tác kinh tế với Nhật Bản. Trước đây, Việt Nam đã đàm phán song phương với Nhật Bản để gia nhập WTO, còn trong giai đoạn này, chúng ta sẽ đàm phán đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam với Nhật Bản nhằm tăng cường trao đổi thương mại, đầu tư giữa 2 nước.

Trước kia, Nhật Bản mới dành cho chúng ta MFN về thuế, còn các biện pháp phi thuế thì hiện nay cần tiếp tục đàm phán để tạo điều kiện cho hàng hoá của Việt Nam vào Nhật. Tiếp theo là tiếp tục đàm phán về dịch vụ giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Australia, New Zealand.

Vì vậy, đây chính là giai đoạn tiếp tục hội nhập sâu của Việt Nam vào khu vực ASEAN và ASEAN+6.

Thưa Thứ trưởng, từ thời điểm này trở đi, công tác đàm phán của chúng ta có gì khác so với giai đoạn trước?

Trong giai đoạn trước, đối với các nước thành viên trong khối ASEAN, chúng ta chủ yếu đàm phán về thuế.

Còn giai đoạn từ nay trở đi, chúng ta tiếp tục đàm phán cả về thuế, về dịch vụ và về những biện pháp phi thuế bằng cách yêu cầu các nước trong ASEAN tiếp tục rỡ bỏ các hàng rào phi thuế để tạo điều kiện cho thương mại trong khu vực ngày càng phát triển. Bởi một trong những nguyên nhân chính thương mại giữa các nước ASEAN chậm phát triển là do các nước cam kết thì cao nhưng thực hiện lại chưa được nhiều.

Hiện nay, lĩnh vực tồn tại lớn nhất là thủ tục hải quan, thứ hai là hài hoà các tiêu chuẩn, thứ ba là những biện pháp phi thuế quan.

Tôi dẫn ra một ví dụ, chế độ hải quan một cửa đã được Singapore áp dụng từ rất lâu, thủ tục nhập khẩu, khai báo hải quan và đóng thuế trong vòng 30 phút/ 1 lô hàng, còn những lô hàng phải có giấy phép cũng làm xong mọi thủ tục trong 3 giờ đồng hồ.

Còn tại Việt Nam, Chính phủ đã giao cho Tổng cục Hải quan để áp dụng chế độ hải quan một cửa làm thí điểm cho một số mặt hàng. Nhưng thực tế hiện nay đang được thực hiện rất chậm và vẫn đang yêu cầu các doanh nghiệp làm cả 2 cách, thứ nhất là vẫn làm theo cách cũ, hai là làm theo thủ tục hải quan điện tử, chính vì thế, các doanh nghiệp không muốn làm.

Xin Thứ trưởng cho biết trong những cuộc đàm phán sắp tới, Việt Nam đang và sẽ gặp phải những khó khăn gì?

Chúng ta có một số khó khăn, nhưng khó khăn lớn nhất chính là những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh trong sản xuất trong nước, ví dụ như mặt hàng nông sản, hàng công nghiệp tiêu dùng... nên chúng ta phải yêu cầu các nước mở cửa thị trường hơn nữa cho những mặt hàng này để sản phẩm của Việt Nam có thể thâm nhập vào thị trường các nước trong khu vực.

Vì vậy, mục tiêu mà chúng ta đặt ra gồm: Thứ nhất, yêu cầu các nước công nghiệp phát triển phải giảm và bỏ trợ cấp đối với hàng nông sản vì hiện nay mức trợ cấp của các nước công nghiệp phát triển đang rất cao (bình quân khoảng 1 tỷ USD/ ngày).

Thứ hai, yêu cầu giảm, bỏ các hàng rào phi thuế quan, ví dụ rút ngắn thời gian đánh giá rủi ro đối với hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu vì quy trình đánh giá rủi ro của các nước thường rất dài. Ví dụ, hàng rau quả xuất khẩu sang Nhật, Mỹ đánh giá rủi ro tới 3 năm vẫn chưa xong.

Thứ ba, yêu cầu theo cam kết gia nhập WTO, các nước phát triển cần hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo các chuyên gia liên quan đến quản lý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản và thực phẩm.

Vậy chúng ta có những điều kiện thuận lợi gì để phục vụ cho quá trình đàm phán hội nhập sâu đạt kết quả cao không, thưa Thứ trưởng?

Thuận lợi cơ bản nhất là chúng ta đã có được một hệ thống pháp luật khá hoàn chỉnh. Trong 2 năm qua, Quốc hội đã ưu tiên dành thời gian để xây dựng hệ thống pháp luật, tạo ra môi trường pháp lý ổn định, thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước làm ăn, mở rộng hợp tác.

Cũng chính nhờ có môi trường pháp luật ổn định đó thì Việt Nam mới có điều kiện để đàm phán với các đối tác bên ngoài. Điều kiện thuận lợi thứ hai, Việt Nam hiện đang là một thị trường hấp dẫn về thương mại, đầu tư cũng như du lịch đối với thế giới và khu vực.

Xin Thứ trưởng cho biết Bộ Thương mại dự kiến quá trình đàm phán sẽ kéo dài trong bao lâu?

Bây giờ chúng ta mới ở giai đoạn bắt đầu và cũng cần phải có nhiều thời gian nên chúng ta chưa thể xác định thời gian kết thúc đàm phán nhưng lộ trình dự kiến có thể kéo dài hàng năm chứ không thể nhanh hơn được.

Hơn nữa, đàm phán là công việc của nhiều Bộ, ngành chức năng (Bộ Tài chính, Công nghiệp, Nông nghiệp, Thủy sản, Kế hoạch và Đầu tư) chứ không riêng gì Bộ Thương mại.

Công việc cụ thể của Bộ Thương mại là tổng hợp một số lĩnh vực liên quan đến dịch vụ và Bộ chỉ được Thủ tướng Chính phủ giao cho nhiệm vụ chủ trì công tác đàm phán, nên rất khó định tính được thời gian kết thúc đàm phán là khi nào.