02:21 05/03/2007

Tính xác thực của thông tin?

Lan Hương

Có lẽ chưa bao giờ, thị trường chứng khoán Việt Nam lại có nhiều chuyện lạ đến như vậy

Trong phần nhận định về P/E, IMF cho rằng hệ số này của Việt Nam là rất cao so với hầu hết các chuẩn mực thị trường khác - Ảnh: Việt Tuấn.
Trong phần nhận định về P/E, IMF cho rằng hệ số này của Việt Nam là rất cao so với hầu hết các chuẩn mực thị trường khác - Ảnh: Việt Tuấn.
Có lẽ chưa bao giờ, thị trường chứng khoán Việt Nam lại có nhiều chuyện lạ đến như vậy.

Chỉ với việc loan tin rằng tập đoàn tài chính quốc tế Goldman Sachs là đối tác chiến lược của Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS) mà không có bất cứ một lễ ký kết hay văn bản hợp tác nào nhưng cũng đã khiến cho giá cổ phiếu của công ty dễ dàng tăng lên gấp 6, 7 lần mệnh giá.

Cùng lúc đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố tóm tắt bản đánh giá và khuyến nghị về thị trường chứng khoán Việt Nam của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), mà trong đó, những số liệu làm căn cứ phân tích thì lại... thiếu chính xác. (?)

Trong đánh giá của mình, IMF nhấn mạnh rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển chưa từng có trong năm 2006 cả về số lượng công ty niêm yết và chỉ số chứng khoán. Tuy nhiên, những con số ước tính mà IMF đưa ra để chứng minh cho những nhận định trên lại hoàn toàn khác xa so với những số liệu công bố của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM.

Thứ nhất, nếu căn cứ trên số liệu P/E của các cổ phiếu niêm yết trên Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM tại thời điểm phiên giao dịch ngày 31/1/2007 được đăng tải trên Bản tin Thị trường chứng khoán của Trung tâm, thì P/E trung bình của 20 công ty lớn nhất tại đây chỉ là 54,25, trong khi IMF đưa ra con số 73.

Thứ hai, tiêu chí để tính toán P/E bình quân này là căn cứ trên P/E của 20 công ty có tỷ trọng vốn hóa thị trường lớn nhất. Nhưng theo số liệu của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM thì tỷ trọng vốn hóa thị trường của 20 công ty này chỉ là 73,3%, thấp hơn hẳn so với mức 99% như IMF công bố.

Thứ ba, trong phần nhận định về P/E, IMF cho rằng hệ số này là rất cao so với hầu hết các chuẩn mực thị trường khác. Nhưng ngay trong bảng so sánh với một số thị trường chứng khoán châu Á, tỷ lệ P/E trung bình của Nhật Bản mà IMF đưa ra là 266,1, vượt xa so với mức 73 của Việt Nam.

Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì khẳng định rằng, Ủy ban sẽ không có bất kỳ một nhận định nào về báo cáo này vì đây là ý kiến tham khảo của IMF. Về mặt định lượng thì không tính lại nhưng về định tính, về cơ bản, các giải pháp của IMF đưa ra tương đối phù hợp với các giải pháp điều chỉnh của Ủy ban.

Về sự chênh lệch với số liệu của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định rằng chưa có thời gian tính lại và cũng cảm thấy có sự chưa chính xác. Bởi cách tính chỉ số EPS về mặt kỹ thuật cũng còn nhiều tranh cãi nên dẫn đến việc chênh lệch về P/E. Tuy nhiên, do sức ép của dư luận và thị trường nên Ủy ban buộc phải công bố với những nội dung tóm tắt.

Khi có tin đồn Goldman Sachs đã chọn Chứng khoán Thiên Việt (TVS) làm đối tác, ông Nguyễn Trung Hà - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Chứng khoán Thiên Việt - không khẳng định tin đồn đó đúng hay sai mà chỉ trả lời: Goldman Sachs tin tưởng vào Thiên Việt và chọn Thiên Việt làm đối tác nội địa để thực hiện các dự án cụ thể tại Việt Nam.

Về mặt nguyên tắc, các thông tin chưa được ký kết thì không phải là thông tin chính thức, nhưng tại sao TVS lại công bố như một thông tin chính thức? Trả lời báo giới, một đại diện có trách nhiệm phát ngôn cho TVS (từ Galaxy Communications) cho biết: “Thiên Việt có làm việc với Chủ tịch của Tập đoàn Goldman Sachs và ông này đã nói như vậy trong cuộc họp. Thường là một lời của ông ấy nói ra thì mọi người coi đó như một sự khẳng định và không cần phải ký gì cả”.

Liệu rằng sự vênh về thông tin nói trên có được đính chính lại hay không?