06:07 17/03/2007

Trung Quốc: Gió sắp xoay chiều!

Trung Quốc sẽ thông qua bộ luật về quyền sở hữu tài sản, trong đó luật hóa quyền tư hữu của công dân

Trung Quốc sắp tới sẽ trở thành nhà đầu tư toàn cầu hùng mạnh nhất?
Trung Quốc sắp tới sẽ trở thành nhà đầu tư toàn cầu hùng mạnh nhất?
Quốc hội Trung Quốc, trong kỳ họp khai mạc thứ Hai tuần trước và kéo dài tới cuối tuần này, đã thảo luận và thông qua một số đạo luật và biện pháp tổ chức làm nền tảng pháp lý cho hướng phát triển bền vững và công bằng hơn.

Bảo vệ tài sản hợp pháp của người dân

Thay đổi có tính chất bước ngoặt là thông qua bộ luật về quyền sở hữu tài sản - một văn bản pháp lý gây ra nhiều tranh cãi và kéo dài nhất trong lịch sử lập pháp của Trung Quốc - luật hóa quyền tư hữu của công dân.

Mặc dù còn nhiều ý kiến phản đối cho rằng bộ luật vi phạm nguyên tắc về công hữu của chủ nghĩa xã hội và kích thích lòng tham của người dân, “biến của công thành của tư”, song các nhà lập pháp Trung Quốc vẫn kiên trì đấu tranh để thông qua bộ luật vào cuối kỳ họp này và coi đó là một yêu cầu khách quan, tất yếu của công cuộc phát triển.

Khu vực kinh tế tư nhân đã lớn mạnh và làm ra hai phần ba tổng sản lượng nội địa của Trung Quốc, hàng trăm triệu người đã thoát khỏi nghèo đói trở thành tiểu chủ nên không có lý do gì để từ chối quyền sở hữu của họ đối với những thành quả lao động mà họ tạo ra.

Luật mới cung cấp sự bảo vệ pháp lý đối với tài sản hợp pháp của cá nhân; qua đó kích thích người dân nỗ lực làm ra nhiều của cải. Mặc dù quyền sở hữu ruộng đất của nông dân chưa được thừa nhận đầy đủ, luật sở hữu tài sản sẽ làm giảm tình trạng tự tiện chiếm dụng đất đai gây nên nhiều bất bình hiện nay, từ đó giữ vững ổn định xã hội.

Tờ báo kinh tế uy tín Economist đã gọi việc thông qua bộ luật này là cuộc cách mạng mới ở Trung Quốc. “Quyết định của Đảng [Cộng sản Trung Quốc] đưa bộ luật này vào cuộc sống bất chấp sự phản đối là một chiến thắng có tính biểu tượng lớn lao của công cuộc cải cách kinh tế và chế độ pháp quyền”, tờ báo viết.

Trở thành nhà đầu tư toàn cầu

Từ một nước mời gọi đầu tư gần như bằng mọi giá, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư toàn cầu tầm cỡ và sự thay đổi này sẽ tác động sâu sắc đến thị trường tài chính quốc tế.

Thứ Sáu vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Jin Renqing chính thức xác nhận việc thành lập cơ quan đầu tư của chính phủ nhằm quản lý nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ và đầu tư số tiền đó sao cho “thận trọng, có lời và hiệu quả”.

Cuối năm ngoái, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc là 1.066 tỉ đô la, mỗi tháng tăng thêm khoảng 20 tỉ đô la nhờ thặng dư thương mại. Cơ quan đầu tư của chính phủ Trung Quốc sẽ sử dụng nguồn vốn này để mua lại hoặc nắm quyền kiểm soát các doanh nghiệp, các tài sản ở nước ngoài có ý nghĩa chiến lược, tập trung vào các lĩnh vực dầu khí, khoáng sản và nguyên liệu ở châu Phi và châu Mỹ Latinh.

“Đây sẽ là quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, là một thế lực mới trên thị trường tài chính có khả năng làm thay đổi giá trị của mọi tài sản. Giá nguyên liệu sẽ tăng và cuộc cạnh tranh sẽ rất gay gắt trong việc sở hữu các nguồn nhiên liệu chiến lược”, một nhà kinh tế nhận xét.

Nhận định này rất có cơ sở nếu lưu ý rằng công ty đầu tư rất thành công của nhà nước Singapore, Temasek, chỉ có vốn 84 tỉ đô la, tập đoàn Blackstone Group đang chi phối thị trường tài chính Mỹ cũng chỉ có 125 tỉ đô la - những con số nhỏ nhoi so với số vốn của Cơ quan Đầu tư nhà nước Trung Quốc.

Bình đẳng và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Đã có nhiều tiền, Trung Quốc bắt đầu “lựa chọn” dự án đầu tư nước ngoài. Nếu như đầu thập niên 1980, Trung Quốc nới lỏng các luật lệ về môi trường và lao động và ưu đãi thuế hậu hĩnh để thu hút FDI thì nay quan điểm đó đang thay đổi.

Theo luật thuế vừa thông qua, từ 1/1/2008, thuế thu nhập doanh nghiệp của các dự án đầu tư nước ngoài tăng từ 15% lên 25% trong khi doanh nghiệp nội địa giảm từ 33% xuống 25%, chỉ có các dự án FDI trong lĩnh vực công nghệ cao mới được tiếp tục hưởng thuế suất ưu đãi 15%.

Sự thay đổi về thuế này sẽ giúp Trung Quốc mỗi năm có thêm 5,5 tỉ đô la tiền thuế nhưng quan trọng hơn là sẽ tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp và giúp Trung Quốc “lái” dòng vốn đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước chưa có lợi thế.

Song song với việc thay đổi luật thuế, lần đầu tiên người ta thấy Trung Quốc đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility - CSR). Từ lâu dư luận vẫn cho rằng sự phồn vinh của Trung Quốc phải trả giá bằng mồ hôi nước mắt của người lao động và sự tàn phá môi sinh, nay thì các quan chức Trung Quốc muốn cải thiện hình ảnh đó.

Không chỉ nói suông, Trung Quốc đang có kế hoạch áp dụng thuế môi trường, đánh thuế vào khí thải, khích lệ việc tiết kiệm nhiên liệu và năng lượng. Quốc hội Trung Quốc đề ra mục tiêu vào năm 2010 giảm 20% lượng nhiên liệu tiêu thụ trên một đơn vị GDP và giảm 10% lượng khí độc thải ra so với hiện nay.

Các doanh nghiệp cũng bị buộc phải có chính sách nâng cao phúc lợi công nhân mà trước mắt là bảo đảm các điều kiện về an toàn lao động.

Hiện nay Trung Quốc có dư tiền để đầu tư công nghệ chế tạo năng lượng sạch, xây dựng hạ tầng nông thôn và cải thiện điều kiện y tế, giáo dục cho các vùng kém phát triển hơn ở miền Tây, thực hiện chiến lược “Đại khai phá miền Tây” để phân phối sự thịnh vượng ra cả nước.

Rõ ràng Trung Quốc đang nhắm tiến tới một nền kinh tế thị trường nhân bản hơn. Trong ngắn hạn chưa thể mong đợi một sự chuyển biến ngay song Trung Quốc ngày càng bộc lộ ý chí cải tổ không thể đảo ngược. Cuộc chuyển biến của Trung Quốc có thể đặt ra thêm những thách thức và cạnh tranh cho các nước khác song cũng có thể là bài học kinh nghiệm quý giá.