16:04 15/10/2024

Ước tính đến cuối 2024, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư 60,8 nghìn tỷ đồng

Nhật Dương

Ước tính đến cuối năm 2024, số dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 60,8 nghìn tỷ đồng, tăng thêm 0,1 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2023, theo báo cáo của Chính phủ...

Người lao động chờ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Hà Nội. Ảnh: N.Dương.
Người lao động chờ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Hà Nội. Ảnh: N.Dương.

Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, và dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025 của các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý, số dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp dự kiến tiếp tục tăng trong cuối năm nay.

CHÊNH LỆCH THU - CHI KHOẢNG 0,1 NGHÌN TỶ ĐỒNG

Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024 của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, báo cáo của Chính phủ cho biết tổng số thu bảo hiểm thất nghiệp cả năm ước khoảng 23,7 nghìn tỷ đồng, bằng 103,6% so với kế hoạch. Còn tổng số chi bảo hiểm thất nghiệp cả năm ước khoảng 23,6 nghìn tỷ đồng, bằng 107,1% so với kế hoạch.

Chênh lệch thu - chi Quỹ năm 2024 ước khoảng 0,1 nghìn tỷ đồng. Số dư Quỹ cuối năm 2024 khoảng 60,8 nghìn tỷ đồng, tăng 0,1 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2023.

Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006; Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ quy định về bảo hiểm thất nghiệp.

Từ ngày 1/1/2015, Quỹ hoạt động theo quy định của Luật Việc làm và Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.

Quỹ do Bảo hiểm xã hội Việt Nam trực tiếp quản lý, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Quỹ.

Nguồn thu của Quỹ gồm: Từ người lao động đóng, người sử dụng lao động đóng và ngân sách Nhà nước hỗ trợ.

Trong đó, người lao động đóng 1% tiền lương hàng tháng; người sử dụng lao động đóng 1% quỹ tiền lương hàng tháng của người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Ngoài ra, nguồn thu Quỹ còn đến từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư; nguồn thu hợp pháp khác.

Từ ngày 1/1/2015, ngân sách Nhà nước hỗ trợ Quỹ theo nguyên tắc đảm bảo duy trì số dư Quỹ hàng năm bằng 2 lần tổng các khoản chi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, và chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp của năm trước liền kề, nhưng mức hỗ trợ tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Hiện nay, Quỹ được sử đụng để chi trả trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp; chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng Quỹ.

Từ ngày 1/1/2015, Quỹ còn được sử dụng để hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động.

DỰ KIẾN SỬA ĐỔI MỨC ĐÓNG VÀO QUỸ 

Đề cập đến Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, trong báo cáo tổng kết Luật Việc làm 2013, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đánh giá, nhìn chung, Quỹ được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, bảo đảm an toàn và được Nhà nước bảo hộ. Trong đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan thực hiện việc thu, chi, quản lý và sử dụng Quỹ theo quy định.

Người lao động thất nghiệp được tư vấn, hỗ trợ giới thiệu việc làm. Ảnh: N.Dương.
Người lao động thất nghiệp được tư vấn, hỗ trợ giới thiệu việc làm. Ảnh: N.Dương.

Quy định về mức đóng vào Quỹ là phù hợp, đảm bảo kết dư, là cơ sở để triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động.

Các nội dung chi từ Quỹ tạo thuận lợi cho việc tổ chức triển khai thực hiện và chi trả các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, nhất là trợ cấp thất nghiệp; các quy định về chi phí quản lý và hoạt động đầu tư Quỹ đảm bảo sự phù hợp, thống nhất với các quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn tình trạng người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp, dẫn đến việc hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp sai quy định (chiếm 3,2% tổng số trường hợp phải thu hồi).

Đồng thời, một số người lao động chưa tuân thủ các quy định pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp. Phổ biến là có việc làm trong thời gian chờ hưởng trợ cấp thất nghiệp, hoặc trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng không thông báo theo quy định, dẫn đến phải thu hồi (chiếm 90% tổng số trường hợp phải thu hồi).

Về chi phí tổ chức và hoạt động bảo hiểm thất nghiệp, Luật Việc làm chưa có các quy định về chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ về bảo hiểm thất nghiệp tại Trung ương và địa phương, trong khi nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước hầu như không được bố trí, như: Cải cách thủ tục bảo hiểm thất nghiệp; phát triển, quản lý người tham gia, người thụ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…

Mặt khác, Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội cũng đã nhấn mạnh “chi phí tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp lấy từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, không lấy từ ngân sách Nhà nước”.

Vì vậy, tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung các quy định cụ thể về chi phí tổ chức và hoạt động bảo hiểm thất nghiệp, theo hướng sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ về bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, bổ sung các quy định về sử dụng Quỹ đối với các chế độ, nội dung mới.

Về mức đóng dự kiến cũng được sửa đổi theo hướng: Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia và do ngân sách Trung ương bảo đảm.

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.