18:12 01/03/2022

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thể kiểm tra đột xuất Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con

Vũ Phong

Trên cơ sở kế hoạch thanh tra, kiểm tra giám sát tuân thủ hàng năm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tổ chức kiểm tra đột xuất khi cần thiết...

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 06/2022/TT-BTC hướng dẫn công tác giám sát tuân thủ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Thông tư có hiệu lực thi hành từ 24/3/2022.

Theo Thông tư, phương thức giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trên cơ sở báo cáo của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; phản ánh của các tổ chức, cá nhân hoạt động trên thị trường chứng khoán và các nguồn tin trên phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến việc tuân thủ quy định pháp luật trong việc tổ chức và thực hiện các hoạt động nghiệp vụ chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Trên cơ sở kế hoạch thanh tra, kiểm tra giám sát tuân thủ hàng năm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra định kỳ đối với Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và tổ chức kiểm tra đột xuất khi cần thiết.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện giám sát tuân thủ pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam về 16 hoạt động nghiệp vụ.

Thứ nhất, xây dựng và ban hành các quy chế về đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán và các quy chế nghiệp vụ khác theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Thứ hai, chấp thuận, thu hồi Giấy chứng nhận thành viên lưu ký; chấp thuận, thu hồi giấy chứng nhận thành viên bù trừ cơ sở; chấp thuận, hủy bỏ tư cách thành viên bù trừ chứng khoán phái sinh; giám sát việc duy trì điều kiện đăng ký thành viên lưu ký; giám sát việc thực hiện quyền của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam đối với thành viên của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; hoạt động giám sát của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam đối với thành viên của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam trong việc tuân thủ pháp luật về chứng khoán và quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; việc xử lý vi phạm đối với thành viên lưu ký, thành viên bù trừ của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam theo quy định của pháp luật chứng khoán và theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Thứ ba, đăng ký chứng khoán, thay đổi đăng ký chứng khoán, hủy đăng ký chứng khoán; cấp, quản lý mã chứng khoán; thực hiện quyền của người sở hữu chứng khoán; chuyển quyền sở hữu chứng khoán không qua hệ thống giao dịch chứng khoán.

Thứ tư, mở, quản lý tài khoản lưu ký chứng khoán; ký gửi, rút, chuyển khoản, phong tỏa, giải tỏa chứng khoán.

Thứ năm, cấp, quản lý mã số giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức phát hành chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ sáu, việc thực hiện nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam theo quy định pháp luật; hoạt động giám sát của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam đối với thành viên lưu ký, thành viên bù trừ trong việc thực hiện nghĩa vụ báo cáo theo quy chế nghiệp vụ của tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Thứ bảy, việc tổ chức thực hiện hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán; sửa lỗi, xử lý lỗi, lùi thời hạn thanh toán, từ chối thế vị giao dịch của thành viên bù trừ, loại bỏ thanh toán giao dịch, chuyển sang thanh toán bằng tiền; lập, quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ thanh toán; lập, quản lý và sử dụng Quỹ bù trừ; sử dụng Quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ để đảm bảo thanh toán giao dịch chứng khoán.

Thứ tám, việc thiết lập hệ thống bảo đảm quản lý tách biệt tài khoản, tài sản của thành viên bù trừ với tài khoản, tài sản của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; tách biệt tài khoản, tài sản của từng thành viên bù trừ; tách biệt tài khoản, tài sản ký quỹ của thành viên bù trừ và các khách hàng của chính thành viên bù trừ đó.

Thứ chín, việc quản lý hệ thống vay và cho vay chứng khoán (SBL), quản lý hệ thống giao dịch hoán đổi chứng chỉ quỹ của quỹ hoán đổi danh mục (quỹ ETF).

Thứ mười, việc giám sát tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng, quỹ đại chúng theo quy định của pháp luật gồm: Giám sát các công ty đại chúng, quỹ đại chúng đã đăng ký chứng khoán tập trung tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam không thực hiện đăng ký hoặc hủy mã số giao dịch chứng khoán theo đúng quy định pháp luật; Giám sát công ty đại chúng đã đăng ký chứng khoán tập trung tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có tỷ lệ sở hữu nước ngoài vượt tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận.

Thứ mười một, bảo đảm hoạt động liên tục của hệ thống đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán; việc thực hiện giám sát an ninh, an toàn đối với hệ thống đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán; giám sát thành viên của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam trong việc thực hiện hoạt động này.

Thứ mười hai, việc thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm, quản lý đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán đăng ký tập trung tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Thứ mười ba, lưu trữ bảo mật hồ sơ, chứng từ, dữ liệu gốc liên quan tới việc thực hiện nghiệp vụ chứng khoán.

Thứ mười bốn, hoạt động kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro theo từng nghiệp vụ.

Thứ mười năm, hoạt động đền bù thiệt hại cho khách hàng khi cung cấp dịch vụ liên quan đến hoạt động nghiệp vụ.

Thứ mười sáu, các hoạt động khác của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có liên quan đến hoạt động nghiệp vụ chứng khoán.