19:17 22/07/2021

Ủy ban Kinh tế Quốc hội: “Cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh”

Ánh Tuyết

Lo hụt thu ngân sách cuối năm và giải ngân trì trệ đối với đối tượng dễ bị tổn thương là nội dung quan trọng tại buổi nghe báo cáo kết quả kinh tế xã hội kỳ họp Quốc hội chiều 22/7...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Ngày 22/7, Quốc hội nghe báo cáo kết quả thực hiện kinh tế - xã hội, ngân sách 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm; kế hoạch phát triển 5 năm 2021-2025. Ủy ban Kinh tế lo ngại tình trạng thất thu thuế, thu từ cổ phần hoá giậm chân tại chỗ trong khi chi ngân sách thiếu hiệu quả, sẽ gây áp lực và rủi ro cho ngân sách trong 6 tháng cuối năm. 

VẪN ĐỂ SÓT, LỌT NGUỒN THU

Về thu ngân sách Nhà nước, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh  lưu ý: “Một số khoản thu ngân sách Nhà nước hoàn thành, tăng cao so với dự toán một phần là do việc lập dự toán thu ngân sách Nhà nước chưa sát với thực tế”.

Việc lập dự toán thu năm 2021 dựa trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ thu đến tháng 9/2020 khi dự báo thu năm 2020 bị hụt thu khá cao do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ.

 
"Tình trạng thất thu thuế, buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp ở khu vực kinh tế tư nhân, vẫn còn diễn ra phổ biến, nợ đọng thuế tăng cao hơn so với cùng kỳ. Số nợ thuế nội địa tính đến ngày 30/6/2021 ước gần 116 nghìn tỷ đồng, tăng 20,8 nghìn tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2020".
Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Vì vậy, khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi từ quý 4/2020 đến tháng 4/2021, nhiều khoản thu đạt cao so với dự toán, góp phần tăng thu. Kết quả này cũng có góp phần của giá nhiên nguyên vật liệu, giá dầu thô tăng cao.

Ngoài ra, ông Thanh cũng lo ngại việc thu từ cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước đạt kết quả rất thấp. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2021 mới thực hiện thoái vốn tại 12 doanh nghiệp, thu về 2.165 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế, thu, chi ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt kết quả khả quan. Tổng thu đạt 58,2% dự toán năm, tăng 16,3% so với cùng kỳ; trong đó, số thu nội địa 6 tháng đầu năm tăng 13,9%. Tiến độ các khoản thu quan trọng từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của 3 khu vực kinh tế trong những tháng đầu năm 2021 tăng cao.

Thu từ 3 khu vực kinh tế trong những tháng đầu năm 2021 tăng cao. Nguồn: Ủy ban Kinh tế Quốc hội. 
Thu từ 3 khu vực kinh tế trong những tháng đầu năm 2021 tăng cao. Nguồn: Ủy ban Kinh tế Quốc hội. 
Cụ thể, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 52,8% dự toán, tăng 17,8% so với cùng kỳ; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 57,7% dự toán, tăng 19,9% so với cùng kỳ; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 59,3% dự toán, tăng 39,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, thu ngân sách Nhà nước 6 tháng từ hoạt động xuất, nhập khẩu tăng 37,5% so với cùng kỳ. Kết quả đạt được trên là do tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2020, nhất là tăng nhập khẩu một khối lượng lớn mặt hàng có thu cao như: ô tô nguyên chiếc, nhóm chất dẻo và nguyên phụ liệu, xăng dầu, máy móc, thiết bị.

GIẢI NGÂN VẪN Ì ẠCH 

Về chi ngân sách Nhà nước, tổng chi đạt 41,2% dự toán năm, giảm 4,9%. Điều đáng nói, chi thường xuyên ước đạt 501 nghìn tỷ đồng chiếm tỷ lệ lên tới khoảng 72% tổng chi. Triển khai phân bổ ngân sách còn chậm, tổng số vốn đầu tư chưa phân bổ còn 11,68% kế hoạch. Dự toán chi thường xuyên còn lại chưa phân bổ của các Bộ, cơ quan trung ương khoảng 1.400 tỷ đồng.

 
Nguồn vốn vay nước ngoài giải ngân rất thấp, chỉ đạt 7,37%. Hiện có 9 Bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn; 3 Bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 1%.

"Điều quan ngại là nguồn vốn đầu tư chưa phát huy động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 29,02% kế hoạch, thấp hơn mức 34% của cùng kỳ năm trước", Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết.

Vốn đầu tư phát triển của các chương trình mục tiêu Quốc gia đã được Quốc hội phân bổ 16 nghìn tỷ đồng, nhưng đến nay chưa được giao kế hoạch, không có khả năng giải ngân trong những tháng cuối năm 2021.

Tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là việc thiếu hụt nguồn vật liệu để phục vụ thi công, dự án có khả năng phải kéo dài, không đáp ứng được yêu cầu hoàn thành trong năm 2022 và 2023.

Về việc triển khai chính sách, thực hiện các gói hỗ trợ, đã góp phần khắc phục những khó khăn trong đời sống của nhân dân, người lao động và hoạt động của doanh nghiệp. Dự kiến nguồn lực ban đầu khi đề xuất gói hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 theo Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 khoảng 61.580 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, việc triển khai còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, tỷ lệ giải ngân thấp, chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Cụ thể, thứ nhất, gói hỗ trợ tiền mặt thực hiện được khoảng 13.100 tỷ đồng/35.880 tỷ đồng, tương ứng với 36,5% quy mô gói hỗ trợ.

 
Đã bố trí ngân sách nhưng tốc độ giải ngân cho đôi tượng tổn thương bởi đại dịch chậm trễ. Nguồn: Ủy ban Kinh tế Quốc hội.   
Đã bố trí ngân sách nhưng tốc độ giải ngân cho đôi tượng tổn thương bởi đại dịch chậm trễ. Nguồn: Ủy ban Kinh tế Quốc hội.   

Thứ hai, gói hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc thông qua chính sách cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội với quy mô 16.000 tỷ đồng đã giải ngân cho 245 chủ sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc cho 11.276 người lao động với số tiền 41,8 tỷ đồng, tương ứng với 0,26% quy mô gói hỗ trợ.

Thứ ba, gói hỗ trợ thông qua chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với quy mô khoảng 6.500 tỷ đồng đã nhận và giải quyết cho cho 192.503 lao động của 1.846 đơn vị, doanh nghiệp với tổng số tiền là trên 786 tỷ đồng, tương ứng với 12,1% quy mô gói hỗ trợ.

CHỦ ĐỘNG XÂY DỰNG CÁC KỊCH BẢN

Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần chủ động xây dựng các kịch bản, chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra.

Trong đó, chú trọng triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Duy trì và phục hồi hoạt động doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, tạo việc làm cho người lao động.

 
"Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, khiến kinh tế phục hồi không chắc chắn, nguy cơ bất ổn tài chính tại một số nước do nợ công tăng cao; tiềm ẩn nguy cơ về bong bóng tài sản khi một số quốc gia lớn thực hiện chính sách “siêu nới lỏng” về tài chính và tiền tệ, gây áp lực lạm phát, rủi ro lớn trong trung và dài hạn".
 Ủy ban Kinh tế Quốc hội 

Thực hiện phương châm “cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh” để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid-19. Phát huy vai trò các quỹ về hỗ trợ, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghiên cứu chính sách phù hợp cho mô hình hộ kinh doanh; thúc đẩy sự phát triển, nâng cao năng lực, hiệu quả của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Chú trọng các giải pháp để tiếp tục giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý thu, điều hành chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ. "Cảnh báo về các yếu tố tăng, giảm số thu ngân sách Nhà nước, mức trần nợ công. Đồng thời, có biện pháp điều hành thu, chi kịp thời. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên", Ủy ban Kinh tế khuyến nghị. Nghiêm túc thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc mua sắm công, nhất là vaccine, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Thực hiện nghiêm Luật Quản lý thuế, các luật thuế, chống lạm thu, chống thất thu, chống chuyển giá, giảm nợ đọng thuế, tạo dư địa phát triển nhiều hơn cho doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu.