VIB huỷ phương án phát hành gần 47 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ
Đồng thời, phương án tăng vốn điều lệ theo hình thức phát hành quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành tối đa bằng 10% vốn điều lệ không được chấp thuận...
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) vừa công bố Nghị quyết lấy ý kiến bằng văn bản của cổ đông về các vấn đề liên quan đến phát hành cổ phiếu.
Theo Nghị quyết, cổ đông đã thông qua hủy phương án phát hành tối đa gần 46,6 triệu cổ phiếu, tương đương 3% vốn điều lệ.
Trước đó, ngày 24/3, Đại hội đồng cổ đông ngân hàng đã thông qua 2 phương án tăng vốn điều lệ. Thứ nhất là tăng vốn bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng, số lượng tối đa gần 44 triệu cổ phiếu. Thứ hai là tăng vốn từ phát hành cổ phiếu số lượng tối đa gần 46,6 triệu cổ phiếu.
Được biết, hồi tháng 8/2021, VIB đã hoàn thành kế hoạch tăng vốn bằng chia cổ phiếu thưởng, vốn điều lệ tăng từ 11.094 tỷ đồng lên 15.521 tỷ đồng.
Còn đối với tăng vốn từ chào bán cổ phiếu, xem xét thấy bối cảnh thị trường và nhu cầu kinh doanh của VIB, đề xuất lấy ý kiến của Đại hội đồng cổ đông thông qua việc thay đổi phương án tăng vốn từ phát hành tối đa gần 46,6 triệu cổ phiếu bằng phương án phát hành tối đa 155,3 triệu cổ phiếu (10% vốn).
Tuy nhiên, cổ đông chỉ thông qua việc hủy phương án phát hành chào bán tối đa 46,6 triệu cổ phiếu, còn phương án tăng vốn điều lệ theo hình thức phát hành quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành tối đa bằng 10% vốn điều lệ không được chấp thuận do tỷ lệ tán thành chỉ đạt 40,7%.
Về kết quả kinh doanh, tại ngày 30/9/2021, tổng tài sản VIB ghi nhận hơn 285 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ tín dụng đạt 190 nghìn tỷ đồng, tăng 11%, huy động tiền gửi từ khách hàng đạt hơn 170 nghìn tỷ đồng, tăng 13%, CASA tăng gần 20%. Mảng bán lẻ tiếp tục đóng góp trên 85% danh mục cho vay của ngân hàng.
Tổng thu nhập hoạt động của VIB trong 9 tháng đầu năm đạt hơn 10.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5.300 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ.
Tỷ lệ an toàn vốn theo Basel 2 (CAR) được quản lý ở mức 10,6% và tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) là 73%. Chi phí hoạt động trong quý 3 tương đương với quý 2/2021 với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) được duy trì ở mức 39%.