17:34 19/06/2023

Vụ lộ đề thi tốt nghiệp môn Sinh và kiến nghị rà soát lại quy trình ra đề thi

Đỗ Mến

Do không đảm bảo nguyên tắc rút đề ngẫu nhiên dẫn đến vụ việc có 2 giảng viên sử dụng bộ câu hỏi trong ngân hàng đề thi để ôn thi cho các học sinh. Bộ Công an có kiến nghị Bộ Giáo dục Đào tạo phải rà soát quy trình, quy chế để khắc phục sơ sở, thiếu sót, tránh sai phạm tương tự.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ để TAND TP Hà Nội thụ lý, đưa ra xét xử vụ án lộ đề thi môn Sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

LÀM TRÁI CÔNG VỤ ĐƯỢC GIAO

Theo cáo trạng, do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2021 được tổ chức thành 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 6-9/7/2021; đợt 2 từ ngày 5-7/8/2021.

Hết đợt 1, báo chí đã phản ánh về nghi vấn lộ đề thi môn Sinh học do đề ôn tập trên mạng internet có tỷ lệ giống đến 80% đề thi chính thức.

Vào cuộc xác minh, cơ quan điều tra đã làm rõ hành vi sai phạm của ông Bùi Văn Sâm (SN 1949) và bà Phạm Thị My (SN 1963, đều là cựu giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội).

Cáo trạng thể hiện, ông Sâm và bà My được phân công tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và Hội đồng ra đề thi môn Sinh học. Trong đó ông Sâm làm tổ trưởng, bà My làm tổ phó.

Do biết được phần mềm rút câu hỏi không phải ngẫu nhiên nên ông Sâm, bà My đã lợi dụng chức vụ được giao để mang tài liệu về nhà biên soạn thành câu hỏi. Cả hai sắp xếp câu hỏi vào các vị trí để được rút ra làm nguồn đề thi chính thức và định hướng chọn các tổ hợp câu hỏi do mình biên soạn để xây dựng thành đề thi chính thức. Sau đó, hai người này dùng câu hỏi trên để giảng dạy, ôn thi cho 8 học sinh lớp 12.

Các mã đề trên được các thành viên Tổ ra đề thi thẩm định, phản biện, chỉnh sửa. Tuy nhiên, nội dung vấn đề hỏi vẫn được giữ nguyên. Một số câu thay đổi cách hỏi hoặc thay đổi vị trí, phương án khác nhau trong đáp án và được Hội đồng ra đề thi phê duyệt làm đề thi chính thức.

Quá trình điều tra, ông Sâm tự nguyện giao nộp 3 tập tài liệu do bà My in và chuyển cho ông Sâm. Do chiếc USB lưu trữ nội dung các tài liệu câu hỏi thi và đáp án do bà My và ông Sâm biên tập, soạn thảo đã bị mất nên cơ quan điều tra không thu giữ được.

Hội đồng giám định Bộ giáo dục và Đào tạo xác định, tập tài liệu do ông Sâm cung cấp với 4 tổ hợp đề thô 210,211,212,213 có nội dung giống các câu hỏi giống tổ hợp đề thi chính thức trên 70%.

Với hành vi trên, ông Sâm và bà My bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Viện kiểm sát xác định, các bị can vì động cơ cá nhân, làm trái công vụ, xâm phạm trực tiếp đến hoạt động đúng đắn của cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến thiếu tính công bằng, minh bạch, gây bức xúc dư luận.

Quá trình điều tra, ông Sâm đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, gia đình có công cách mạng, có nhiều bằng khen…

LỖ HỔNG Ở ĐÂU?

Cáo trạng thể hiện, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tài liệu trong quá trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa không thuộc danh mục bí mật nhà nước. Nhưng theo quy định về bảo mật an ninh nội bộ thì “các chuyên gia tham gia biên soạn câu hỏi thô; thẩm định, biên tập, phân tích câu hỏi thi và các cán bộ điều phối của trung tâm không được phép đem theo bất cứ tài liệu, vật dụng nào vào khu vực xây dựng câu hỏi ngân hàng thì chuẩn hóa và cũng không được phép mang các tài liệu, vật dụng liên quan đến câu hỏi thi ra khỏi khu vực…

Các chuyên gia và cán bộ trực tiếp tiếp xúc câu hỏi không được phép cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa cho bất kỳ cá nhân, tổ chức dưới bất kỳ hình thức nào”.

Trung tâm Khảo thí quốc gia cũng yêu cầu các chuyên gia phải ký vào Bản cam kết bảo mật theo quy định.

Ban đầu phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoạt động theo cơ chế chọn ngẫu nhiên và áp dụng trong Hội đồng ra đề thi năm 2018.

Song quá trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi năm 2018, ông Sái Công Hồng – cựu phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng ngân hàng câu hỏi và Chủ tịch Hội đồng ra đề thi năm 2018,2019,2020 chỉ đạo phải đảm bảo cân bằng độ khó giữa các câu hỏi trong tổ hợp câu hỏi mang đi thử nghiệm và giữa các tổ hợp câu hỏi được chọn cần phải có sự liên kết.

Do đó, ông Đỗ Thế Chuẩn, cán bộ Trung tâm khỏa thí quốc gia đã chỉnh sửa phần mềm bằng cách viết mã code (nguồn) mới để thêm tính năng xếp hạng thứ tự câu hỏi thi trong từng ô câu hỏi. Vì vậy, phần mềm không còn được rút câu hỏi ngẫu nhiên mà sẽ rút các tổ hợp câu hỏi trong đó các câu hỏi có cùng số thứ tự xếp hạng sẽ vào cùng một tổ hợp đề.

Bộ Công an cho rằng, ông Hồng và ông Chuẩn đã chỉnh sửa, thay đổi cơ chế “xuất đề” của phần mềm, không đảm bảo nguyên tắc rút đề ngẫu nhiên, vi phạm quy định Quy chế thi THPT. Cơ quan điều tra, bộ Công an kết luận chưa có cơ sở xác định các ông này và một số cá nhân liên quan có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, không biết việc các bị can thực hiện hành vi phạm tội nên không có căn cứ xử lý hình sự.

Cơ quan điều tra kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, xem xét, xử lý trách nhiệm các cá nhân liên quan. Đồng thời rà soát quy trình, quy chế để khắc phục sơ hở, thiếu sót, không để xảy ra sai phạm tương tự.