21:04 21/02/2022

Yếu tố nào sẽ chi phối lợi nhuận ngân hàng năm 2022?

An Nhiên

Tỷ lệ NPL công bố có thể sẽ tăng lên trong nửa cuối năm 2022, sau khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN hết hạn vào ngày 30/06. Nếu những khoản nợ này trở thành nợ xấu, các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng có tỷ lệ LLR thấp, sẽ phải tăng thêm dự phòng, điều này sẽ làm giảm lợi nhuận..

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Lợi nhuận của toàn ngành ngân hàng bao gồm 27 ngân hàng niêm yết trong quý 4/2021 đã đạt 36 nghìn tỷ đồng tăng 16% so với quý liền kề trước đó và tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 146 nghìn tỷ đồng tăng 33% so với cùng kỳ trong năm 2021, phần lớn nhờ vào thu nhập lãi ròng và thu nhập phí tăng cao hơn. Đây là theo thống kê mới nhất từ Yuanta, trong báo cáo cập nhật mô hình Camel mà công ty chứng khoán này thực hiện định kỳ hàng quý.

Báo cáo này, Yuanta cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng ít nhất là đến giữa năm nay nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế bị tác động bởi đại dịch.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm mạnh lãi suất như họ đã làm vào năm trước. Lãi suất liên ngân hàng đã tăng lên đáng kể trong vòng 2 tháng qua do tác động mùa vụ. Tuy nhiên, lãi suất liên ngân hàng sẽ giảm trong thời gian tới nhờ vào chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước.

Trong năm 2022, kỳ vọng chi phí huy động vốn sẽ đi ngang hoặc chỉ tăng nhẹ. Tương tự như vậy, lãi suất cho vay vẫn có thể sẽ duy trì tiệm cận với mức hiện tại hoặc chỉ tăng nhẹ do các ngân hàng thực hiện theo chính sách của NHNN để hỗ trợ người đi vay ít nhất là hết nửa đầu năm 2022.

Vì thế, Yuanta cũng kỳ vọng tỷ lệ NIM của toàn ngành sẽ đi ngang trong thời gian tới. Do đó, các ngân hàng với tỷ lệ CASA cao (như VCB, MBB và TCB) sẽ có khả năng tăng NIM hiệu quả hơn so với các ngân hàng có tỷ lệ CASA thấp.

Yếu tố nào sẽ chi phối lợi nhuận ngân hàng năm 2022? - Ảnh 1

Hầu hết các ngân hàng đều tăng khả năng bao phủ nợ xấu (LLR) bằng cách tăng dự phòng trong năm 2021, đây là một chiến lược thận trọng khi xét đến tác động của đại dịch đối với chất lượng tài sản. Một vài ngân hàng có tỷ lệ LLR cao vẫn tiếp tục gia tăng dự phòng so với cùng kỳ năm trước (như VCB, MBB, BID, ACB và CTG) nhằm tạo bước đệm vững chắc hơn.

Ngược lại, một vài ngân hàng có tỷ lệ LLR thấp đã giảm dự phòng trong 2021. Nhìn chung, tỷ lệ LLR của toàn ngành vẫn tương đối cao khi đạt 146% (+45ppt YoY), điều này có thể làm giảm thiểu rủi ro hệ thống có liên quan đến chất lượng tài sản của toàn ngành.

Công ty chứng khoán này cũng cho rằng các ngân hàng có tỷ lệ LLR cao sẽ là những ngân hàng có nền tảng vững chắc hơn nhằm hạn chế sự suy giảm trong chất lượng tài sản do đại dịch. Tỷ lệ LLR của VCB là 424% (cao nhất ngành) cho phép VCB linh hoạt hơn trong việc giảm dự phòng và từ đó thúc đẩy lợi nhuận năm 2022 mà không làm giảm chất lượng tài sản của ngân hàng. MBB và ACB cũng đang áp dụng chiến lược thận trọng với tỷ lệ LLR cao.

Yếu tố nào sẽ chi phối lợi nhuận ngân hàng năm 2022? - Ảnh 2

Đánh giá về triển vọng lợi nhuận nhóm ngân hàng, theo Yuanta, lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2022 phần lớn sẽ phục thuộc vào khả năng thu hồi lại những khoản nợ vay tái cơ cấu.

"Tỷ lệ NPL công bố có thể sẽ tăng lên trong nửa cuối năm 2022, sau khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN hết hạn vào ngày 30/06. Nếu những khoản nợ này trở thành nợ xấu, các ngân hàng – đặc biệt là các ngân hàng có tỷ lệ LLR thấp – sẽ phải tăng thêm dự phòng, điều này sẽ làm giảm lợi nhuận", báo cáo nhấn mạnh.

Đối với lãi dự thu, theo Yuanta, một số ngân hàng có tỷ lệ lãi dự thu/tổng tài sản tương đối cao, điều này có thể khiến lợi nhuận chưa được phản ánh chính xác. Điều này cũng đồng thời làm tăng rủi ro tiềm ẩn nếu các ngân hàng không thu được các khoản lãi dự thu này. Các ngân hàng buộc sẽ phải ghi giảm doanh thu nếu khoản lãi không được thu trong cùng kỳ kế toán, hoặc sẽ phải ghi tăng chi phí nếu điều này xảy ra ở một kỳ kế toán khác.

Lưu ý rằng Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng không ghi nhận lãi dự thu từ những khoản nợ vay tái cơ cấu. Đó có thể là lý do tại sao tỷ lệ lãi dự thu/ tổng tài sản giảm đi trong năm 2021: trung vị ngành của tỷ lệ lãi dự thu / tài sản là 0,9% trong năm 2021, so với năm 2020 là 1,2%.

Yếu tố nào sẽ chi phối lợi nhuận ngân hàng năm 2022? - Ảnh 3

Yuanta nhấn mạnh, các nhà đầu tư nên chú ý nhiều hơn đến các ngân hàng có lãi dự thu cao và đang trong xu hướng tăng khi đánh giá chất lượng lợi nhuận và các rủi ro báo cáo tài chính.

Về mặt định giá cổ phiếu, Yuana cho rằng các ngân hàng đang được dịnh giá hợp lý. Ngành ngân hàng đang giao dịch tương ứng với P/B 2022E đạt 1,7x lần và ROE kỳ vọng là 20%.

Dựa trên đánh giá mô hình Camel, Yuanta khuyến nghị tập trung vào các ngân hàng có tỷ lệ LLR và tỷ lệ CASA cao như VCB, MBB và ACB. VCB vẫn là ngân hàng có chất lượng tốt nhất trong bảng xếp hạng và VCB xứng đáng với mức định giá cao hơn so với ngành. Tuy nhiên, lựa chọn hàng đầu của công ty chứng khoán này là MBB do đây là một ngân hàng chất lượng cao và có mức định giá hấp dẫn.