10:22 15/03/2007

“2008 sẽ hoàn thành đổi mới doanh nghiệp nông nghiệp”

Trần Lê thực hiện

Phỏng vấn ông Đoàn Đình Thiêm, Trưởng ban Đổi mới và quản lý doanh nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Theo ông Đoàn Đình Thiêm, đối với nợ của các doanh nghiệp mía - đường, phải trình Thủ tướng có cơ chế đặc thù, để giúp các doanh nghiệp có điều kiện cổ phần hoá.
Theo ông Đoàn Đình Thiêm, đối với nợ của các doanh nghiệp mía - đường, phải trình Thủ tướng có cơ chế đặc thù, để giúp các doanh nghiệp có điều kiện cổ phần hoá.
Phỏng vấn ông Đoàn Đình Thiêm, Trưởng ban Đổi mới và quản lý doanh nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Năm 2006, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo sát sao việc sắp xếp - đổi mới các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ. Ông có thể đưa ra cái nhìn khái quát không?

Đối với các tổng công ty, đã sáp nhập 4 tổng công ty thành 2 tổng công ty. 2 tổng công ty: xây dựng thuỷ lợi 1 và cơ điện nông nghiệp - thuỷ lợi thành tổng công ty cơ điện - xây dựng nông nghiệp và thuỷ lợi.

Hai tổng công ty: Xuất nhập khẩu nông sản và thực phẩm chế biến và Rau quả Việt Nam thành Tổng công ty Rau quả - Nông sản. Bốn tổng công ty: Chăn nuôi, Rau quả - Nông sản, Chè, Lương thực miền Nam chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

Bộ đã trình Thủ tướng xét duyệt Tổng công ty Vật tư nông nghiệp được cổ phần hóa. Riêng Tổng công ty Cao su đã được Thủ tướng cho phép hình thành Tập đoàn Cao su Việt Nam. Như vậy là đã sắp xếp đổi mới toàn bộ 18 tổng công ty (nay sáp nhập còn 16 tổng công ty).

Đối với các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ, đến hết năm 2006 cũng đã cổ phần hóa 202 doanh nghiệp, giao và bán 21 doanh nghiệp, giải thể 14 doanh nghiệp, phá sản 16 doanh nghiệp, chuyển thành đơn vị hạch toán phụ thuộc tổng công ty 48 doanh nghiệp, chuyển thành công ty TNHH một thành viên 9 doanh nghiệp, cơ cấu lại để chuyển đổi sở hữu 39 doanh nghiệp, chuyển đi 4 doanh nghiệp, chưa sắp xếp đổi mới 37 doanh nghiệp.

Về lĩnh vực nông - lâm trường, đã sắp xếp đổi mới 37 doanh nghiệp.

Quá trình sắp xếp đổi mới của ngành nông nghiệp thường xuyên gặp khó khăn ở lĩnh vực nông-lâm trường. Vì sao như thế? Phải làm gì để “đánh bật” trở ngại thâm căn cố đế này?

Các nông-lâm trường quốc doanh hầu hết đều thua lỗ, chủ yếu chỉ sống vào tiền cho thuê đất, nên không quan tâm phát triển rừng. Sắp xếp đổi mới stạo ra hướng mở cho các nông-lâm trường về hoạt động công ích và sản xuất - kinh doanh.

Quan trọng hơn, là giúp cho nông-lâm trường giải quyết những tồn tại, bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai. Sau sắp xếp đổi mới, các nông-lâm trường sẽ là các công ty nông nghiệp và công ty lâm nghiệp, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nên sẽ tự chủ hơn trong sản xuất - kinh doanh, giũ bỏ dần và đoạn tuyệt với thói quen trông chờ Nhà nước.

Nói vậy, nhiều địa phương vẫn không làm đúng với tiêu chí và hướng dẫn của sắp xếp đổi mới, nên kéo dài thời gian thẩm định và phê duyệt. Có thể do nguyên nhân khách quan là năm 2005 phải điều chỉnh quy hoạch đất đai (lâm trường và ban quản lý rừng) theo 3 loại rừng, hoặc do thiếu kinh phí rà soát, quy hoạch, cắm mốc lại...

Nhưng có không ít chính quyền địa phương cũng không nhận bàn giao các công trình công cộng từ nông-lâm trường vì không có tiền đền bù. Trong khi đó, nông-lâm trường lại bị giảm vốn (vì công trình công cộng là tài sản của nông-lâm trường), không đủ nguồn bù đắp trả ngân hàng.

Có phải đấy là các nguyên nhân chính đáng, hay chỉ là thủ thuật “câu giờ” để nông-lâm trường vẫn “ôm đất” cho thuê?

Tôi không nghĩ như thế. Nhưng trong thực tế quả là việc các nông-lâm trường chủ yếu là lâm trường, vẫn còn quản lý diện tích quá lớn. Cho nên cần có một cuộc tổng kiểm tra đất đai của nông-lâm trường sau sắp xếp đổi mới, để thu hồi lại đất đai đang bị lãng phí.

Không riêng nông-lâm trường bị thua lỗ, mà rất nhiều doanh nghiệp cũng hoạt động không có hiệu quả. Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào quá khứ kém cỏi đó, phải không thưa ông?

Đúng vậy, khi sắp xếp đổi mới gặp khó khăn đầu tiên là về tư tưởng không thông, nhưng về sau thì trở ngại tài chính mới là lớn, hầu như ở tất cả các doanh nghiệp không nhiều thì ít.

Các tổng công ty Chè, Xây dựng 4, Dâu - Tằm tơ, Lương thực cấp 1 Lương Yên, Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Hà Nội nợ vốn ODA từ nhiều năm. Cho nên phải khoanh nợ, giãn nợ, xoá nợ tương ứng với lỗ luỹ kế tại thời điểm chuyển đổi của doanh nghiệp.

Đối với nợ của các doanh nghiệp mía - đường, phải trình Thủ tướng có cơ chế đặc thù, để giúp các doanh nghiệp có điều kiện cổ phần hoá.

Công ty Chế biến thực phẩm xuất khẩu Kiên Giang, Công ty Giao nhận và Xuất nhập khẩu Hải Phòng, Tổng công ty Dâu - Tằm tơ... đã được xoá nợ. Tổng công ty Vật tư nông nghiệp đã phải bán tài sản để cơ cấu lại vốn, Công ty Thức ăn chăn nuôi Trung ương cũng phải làm như vậy để có đủ vốn cổ phần hoá...

Vấn đề tài chính nan giải làm cho công tác quyết toán chậm. Thậm chí có doanh nghiệp chẳng những đã mất hết vốn Nhà nước mà còn lỗ sang nguồn vốn khác, như Công ty Xây dựng thuỷ lợi 2, Công ty Xây dựng 46, Công ty Muối Thanh Hoá...

Đây cũng là nguyên nhân làm cho doanh nghiệp lo ngại thoát ly khỏi Nhà nước, nên cố ý giữ 100% vốn Nhà nước, không tiến hành đúng tiến độ cổ phần hoá.

Vậy, theo ông, cần những kiến giải nào?

Đề nghị Nhà nước cho Bộ được phép giải thể, phá sản các doanh nghiệp thuộc diện có nợ thu khó đòi để bàn giao sang công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp. Mặt khác, sớm hướng dẫn phương pháp xác định giá trị tài sản vô hình khi chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, ban hành cơ chế kiểm tra các đơn vị tham gia thực hiện định giá doanh nghiệp, ban hành quy chế hoạt động của người đại diện phần vốn Nhà nước tại công ty cổ phần.

Trong 2 năm 2007-2008, Bộ sẽ sớm sắp xếp đổi mới xong toàn bộ 37 doanh nghiệp còn lại, tiếp tục bán tiếp phần vốn Nhà nước tại công ty cổ phần, nhất là các công ty cổ phần chi phối... Chậm nhất hết năm 2008 sẽ sắp xếp đổi mới toàn bộ 85 doanh nghiệp còn lại và 16 tổng công ty, hoàn thành công tác sắp xếp đổi mới. doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ.

Bộ kiên quyết loại bỏ những quy định không cần thiết, tăng cường phân cấp cho các tổng công ty các công việc thuộc thẩm quyền của Bộ, và yêu cầu các tổng công ty phải làm đúng quyết định của Thủ tướng về sắp xếp đổi mới các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ. Làm thật kiên quyết, nhưng phải đúng pháp luật, phải đúng với quy chế dân chủ cơ sở.