7 yếu tố và 3 hành động để doanh nghiệp tư nhân vượt Covid-19
Báo cáo thứ 3 của Deloitte trong năm với chủ đề “Khủng hoảng là chất xúc tác: Tăng tốc chuyển đổi” về doanh nghiệp tư nhân trên toàn cầu cho thấy hơn 2/3 nhà lãnh đạo tham gia khảo sát tin tưởng vào triển vọng của doanh nghiệp mình trong 12 tháng tới…
Kết quả khảo sát 2.750 lãnh đạo của các doanh nghiệp tư nhân trên 33 quốc gia từ ngày 21/01 đến ngày 09/03/2021 cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp tư nhân đang trong quá trình xây dựng khả năng phục hồi dựa trên 7 yếu tố; bao gồm: chiến lược, tăng trưởng, vận hành, công nghệ, lực lượng lao động, nguồn vốn và xã hội.
Các doanh nghiệp tham gia khảo sát tự đánh giá tình hình doanh nghiệp trong việc thực hiện các yếu tố thể hiện sự kiên cường này để xây dựng “thang điểm khả năng phục hồi”.
Dựa trên phần trả lời cho những câu hỏi được đưa ra, các doanh nghiệp tham gia khảo sát được phân thành ba loại: nhóm các doanh nghiệp có khả năng phục hồi cao, nhóm các doanh nghiệp có khả năng phục hồi trung bình, và nhóm các doanh nghiệp có khả năng phục hồi thấp.
Trong đó, các tổ chức có khả năng phục hồi cao thường lạc quan hơn về tiềm năng tăng trưởng dài hạn của mình so với các doanh nghiệp có khả năng phục hồi thấp. Hơn 52% các doanh nghiệp có khả năng phục hồi cao đặc biệt tin tưởng vào triển vọng doanh nghiệp trong 3 năm tới, so với chỉ 15% của các doanh nghiệp có khả năng phục hồi thấp.
So sánh giữa lãnh đạo của các doanh nghiệp tư nhân khác trên toàn cầu, lãnh đạo tại Hoa Kỳ là những người lạc quan nhất về doanh thu, lợi nhuận và năng suất trong năm tới. Bên cạnh đó, các lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng tăng trưởng và công nghệ, bao gồm chuyển đổi số, là những yếu tố nằm trong danh mục các yếu tố quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp kiên cường hơn trong môi trường đại dịch cũng như sau đại dịch Covid-19.
Theo ông Bùi Tuấn Minh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Deloitte Private, Việt Nam, báo cáo không chỉ nêu ra cách thức các doanh nghiệp tư nhân trên thế giới ứng phó với khủng hoảng đại dịch Covid-19, mà còn đưa ra 7 yếu tố quan trọng trong lộ trình xây dựng khả năng phục hồi của doanh nghiệp.
“Theo đó, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thể tham khảo và áp dụng những bài học thực tiễn của các doanh nghiệp tư nhân trên thế giới, từ đó, giúp hoạch định chiến lược và xây dựng những kế hoạch phù hợp hơn để vững vàng chèo lái doanh nghiệp vượt qua mọi thách thức”, ông Minh nhấn mạnh.
Để làm được điều này, ông Bùi Tuấn Minh cho rằng các doanh nghiệp tư nhân phải tập trung vào 3 hành động cụ thể.
Thứ nhất, rà soát việc thực thi 7 yếu tố tạo nên doanh nghiệp kiên cường, từ đó có thể đánh giá khả năng phục hồi của doanh nghiệp mình trong và sau khủng hoảng.
Thứ hai, tổ chức thảo luận trong doanh nghiệp về 25 câu hỏi phát triển tư duy được nêu trong báo cáo như: Sự gián đoạn trên thị trường có tác động thế nào đến mô hình kinh doanh của doanh nghiệp? Cách thức doanh nghiệp đã và sẽ phản ứng với sự thay đổi về sở thích của khách hàng? Tác động lâu dài của những thay đổi này là gì? Mô hình kinh doanh của doanh nghiệp sẽ như thế nào? Công nghệ đóng vai trò gì trong nỗ lực nâng cao năng suất lao động của doanh nghiệp?
Cuối cùng, lãnh đạo thống nhất ưu tiên yếu tố nào phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp mình và tập trung vào hành động.
“Hành động để biến tất cả những lo lắng và mối quan tâm của doanh nghiệp về sự thất bại trong ngắn hạn hay dài hạn thành nguồn năng lượng tích cực. Năng lượng tích cực này sẽ giúp tăng thêm sức mạnh trong giai đoạn hiện nay. Hành động quyết định đến 90% khả năng thành công của doanh nghiệp”, ông Minh nhấn mạnh.