“Anh em Super Mario” dẫn đầu doanh thu phòng vé, điện ảnh dựa trên game “hot” trở lại?
Chính thức công chiếu vào cuối tuần trước tại nhiều thị trường trên toàn cầu, bao gồm Việt Nam, bộ phim “The Super Mario Bros. Movie" (Anh em Super Mario) đã đạt doanh thu phòng vé ước tính 368 triệu USD…
Tại riêng thị trường Bắc Mỹ, The Super Mario Bros. Movie đã mang về ước tính 137 triệu USD trong ba ngày cuối tuần và 195 triệu USD trong năm ngày tính từ thứ tư, ngày 5/4 vừa qua. Trên toàn cầu, bộ phim đã đạt 173 triệu USD chỉ trong cuối tuần công chiếu đầu tiên.
The Super Mario Bros. Movie đã vượt qua doanh thu 358 triệu USD của Frozen 2 để giành vinh dự có được màn ra mắt lớn nhất thế giới từ trước tới nay đối với một bộ phim hoạt hình. Bên cạnh đó, nó cũng trở thành bộ phim có màn ra mắt lớn nhất năm 2023 tính tới lúc này sau khi phá vỡ kỷ lục 225,3 triệu USD của bom tấn siêu anh hùng Ant-Man and the Wasp: Quantumania (Người Kiến và Chiến Binh Ong: Thế Giới Lượng Tử).
Với ngân sách hơn 100 triệu USD, The Super Mario Bros. Movie lập tức sinh lời ngay từ tuần đầu ra mắt. Bộ phim nối dài thành công của hãng Illumination sau hàng loạt dự án như Despicable Me, Minions, Sing hay The Secret Life of Pets. Ông Jim Orr, Giám đốc mảng phát hành phim của Universal nói với tờ Variety: "Kết quả này thể hiện tình yêu của khán giả với nhân vật thuộc hãng trò chơi điện tử Nitendo và cách kể chuyện do Illumination thể hiện".
The Super Mario Bros. Movie do hãng Nintendo và các hãng phim llumination, Universal hợp tác thực hiện. Shigeru Miyamoto - "cha đẻ" của loạt trò chơi điện tử - tham gia sản xuất. Aaron Horvath và Michael Jelenic – người đứng sau thành công của Teen Titans Go! – làm đạo diễn. Kịch bản do Matthew Fogel (The LEGO Movie 2: The Second Part) đảm nhận. Ông Miyamoto nói về dự án: "Chúng tôi đưa Mario lên màn ảnh một cách sống động. Khán giả, dù đã chơi hoặc chưa từng nghe đến game Mario, đều có thể thưởng thức phim".
Bộ phim dựa trên loạt game của Nintendo cũng đã có màn ra mắt lớn nhất mọi thời đại đối với một bộ phim dựa trên video game khi vượt qua doanh thu 210 triệu USD của Warcraft. Không chỉ vậy, nó cũng lập tức trở thành bộ phim có màn ra mắt lớn thứ 4 trong lịch sử hãng Universal, đứng sau Fast & Furious 8 (543 triệu USD), Jurassic World (525 triệu USD), và Fast & Furious 7 (398 triệu USD).
Làm phim ăn theo game là không mới mẻ, thậm chí nền tảng Netflix còn xem đây là một phần quan trọng trong việc kinh doanh của mình. Trong vài năm trở lại đây, các hãng phim và các nền tảng trưc tuyến đều xem game thủ là đối tượng khách hàng mới của mình, và đã liên tục khai thác các nội dung có liên quan. Từ làm game mobile mới đến phát triển các bộ phim ăn theo game, ngành “điện ảnh game” này đang làm mọi cách để mở rộng tầm phủ sóng.
Khoảng 10 năm trước, một xu hướng làm phim với kịch bản chuyển thể từ các trò chơi nổi tiếng đã có một khoảng thời gian cực thịnh. Vào năm 2012, Transformers, G.I.Joe, Battleship hay Game of Thrones… là những đại diện được xem là thành công trong việc chuyển thể phim từ game. Trong đó, Battleship được xem là bộ phim bom tấn của năm với kinh phí thực hiện là 200 triệu USD. Với những người từng đam mê trò chơi khoa học viễn tưởng thì Battleship của hãng Milton Bradley đã một lần nữa minh chứng cho sự tồn tại lâu đời của game.
“Khi bạn thực hiện những bộ phim được chuyển thể từ văn học hay truyện tranh, khán giả đã biết trước rất nhiều điều về các nhân vật trong phim. Còn đây lại là một thử thách hoàn toàn khác, bởi chúng tôi phải tạo ra các nhân vật trong phim. Sự thú vị của game nằm ở chỗ các đối thủ không thể nhìn thấy nhau, rồi chiến thuật, sự đối đầu… Đến với bộ phim, chúng tôi hoàn toàn tự do vì không có nhân vật nào trong game cả, chúng tôi không bị gò bó bởi những gì đã có từ trước”, Scott Stuber phát biểu trên tạp chí Femail (Úc).
Thừa thắng xông lên, kênh truyền hình HBO cũng trong năm đó đã phát sóng mùa thứ hai của series phim truyền hình Game of Thrones (Cuộc chiến vương quyền). Trong mùa thứ nhất, 10 tập phim của bộ phim chuyển thể từ game cùng tên này đã nhận được 13 đề cử cho giải Emmy và phim đã chiến thắng ở hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc ở giải Emmy 2011. Sau series phim mùa đầu HBO sản xuất, game này càng có nhiều phiên bản hơn. Đặc biệt, nhà sản xuất game đã hợp tác chặt chẽ với kênh HBO để đảm bảo chắc rằng game sẽ gần giống như series phim truyền hình. Từ áo giáp, vũ khí cho đến hiệu ứng đặc biệt, đều được thiết kế sao cho giữ đúng nguyên bản như trong phim ảnh.
Với lượng người hâm mộ trung thành khổng lồ, việc chuyển thể từ trò chơi điện tử sang tác phẩm điện ảnh là mảnh đất màu mỡ cho sự sáng tạo của các nhà làm phim. Với những tín hiệu khả quan trong năm nay, giới phê bình dự đoán dòng phim này có thể sẽ “hot” trở lại như 10 năm trước. Cùng với The Super Mario Bros. Movie, Dungeons and Dragons (Ngục tối và Rồng) - tác phẩm chuyển thể từ loạt game kinh điển cũng được kì vọng sẽ là khởi đầu cho một thương hiệu điện ảnh bom tấn mới trong thời gian tới. Phim cũng ngay lập tức đứng đầu doanh thu phòng vé Bắc Mỹ trong tuần đầu tiên.
Cũng trong đầu năm nay, bộ phim truyền hình The Last of Us - được chuyển thể từ trò chơi điện tử cùng tên, hay trước đó là series The Witcher, cũng được đánh giá cao bởi các nhà phê bình và người hâm mộ - khiến cho cơ hội của các tác phẩm điện ảnh chuyển thể dạng này đến với khán giả được rộng mở.
Tại Trung Quốc, theo dự kiến, phim chiếu mạng League of Legends (Liên minh huyền thoại) do Trương Nghệ Mưu làm đạo diễn sẽ được khởi quay vào tháng 9 tới. Theo tiết lộ từ nhà sản xuất, phim do Từ Tốc viết kịch bản, dự kiến phim sẽ có 40 tập dài 45 phút, kể về câu chuyện của một ngôi sao thi đấu hàng đầu trong LPL (giải đấu vô địch của các tuyển thủ Liên minh huyền thoại tại Trung Quốc).
Nhiều ý kiến cho rằng lựa chọn này không phù hợp với một đạo diễn kỳ cựu như Trương Nghệ Mưu, nhưng theo đánh giá sơ bộ, phim có nội dung lấy cảm hứng từ game online rất được yêu thích nhiều năm qua tại Trung Quốc. Vì thế, phim này được kỳ vọng cũng chiếm được tình cảm, sự quan tâm của khán giả và mang tới kỷ lục mới về người xem cũng như doanh thu.